Tinh giản chưa đi vào thực chất
Theo Báo cáo được đưa ra cho ý kiến tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) vừa qua, đoàn giám sát cho biết, trong giai đoạn tiến hành giám sát, cơ cấu tổ chức của Chính phủ được giữ ổn định, tổ chức bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, bước đầu khắc phục được những chồng chéo hoặc bỏ trống về chức năng, nhiệm vụ, phạm vi, đối tượng quản lý nhưng vẫn chậm được điều chỉnh theo hướng tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả.
Những chồng chéo, giao thoa về chức năng, nhiệm vụ giữa các bộ, cơ quan ngang bộ vẫn chưa khắc phục được một cách triệt để. Cơ chế “chủ trì, phối hợp” trong quản lý nhà nước cũng vẫn còn phổ biến. Cùng với đó, nguyên tắc một việc chỉ giao một cơ quan chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính chưa được phát huy mạnh mẽ nên vẫn phải hội họp nhiều, quy trình xử lý công việc chậm.
Bên cạnh đó, tổ chức bộ máy bên trong bộ, cơ quan ngang bộ còn nặng nề, nhiều đầu mối, số đơn vị trực thuộc tăng lên với nhiều đơn vị có tư cách pháp nhân, dẫn đến tình trạng “bộ trong bộ”. Cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện chưa được hoàn thiện theo hướng phát huy vai trò chủ động, sáng tạo và phù hợp với đặc điểm của địa phương mà cơ bản được tổ chức đồng nhất, thậm chí là “cào bằng” như nhau. Cơ cấu tổ chức bên trong của cơ quan chuyên môn cấp tỉnh còn cồng kềnh…
Đoàn giám sát cũng cho biết, thời gian qua, biên chế công chức được quản lý chặt chẽ hơn và có xu hướng giảm (trung bình giảm 4.000 biên chế) nhưng việc thực hiện các quy định về quản lý biên chế tại một số bộ, ngành, địa phương vẫn chưa nghiêm, vẫn còn nhiều bộ, ngành, địa phương sử dụng vượt quá số biên chế được giao.
Cơ cấu công chức chưa hợp lý, còn mất cân đối giữa người giữ chức danh lãnh đạo, quản lý với số công chức tham mưu. Đặc biệt, báo cáo cho hay, tinh giản biên chế chưa đi vào thực chất, không theo đúng quy định và chưa đạt mục tiêu đề ra theo Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị. Tổng số đối tượng được giải quyết tinh giản biên chế trong 2 năm 2015 và 2016 là 17.694 người. Trong đó các cơ quan hành chính mới tinh giản biên chế được 2.253 người/tổng số 272.952 biên chế (đạt 0,83%).
Đâu là nguyên nhân?
Tại phiên họp, trả lời câu hỏi của Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển về việc bộ máy phình ra cả về tổ chức và biên chế là do yêu cầu quản lý hay lý do nào khác, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Nguyễn Khắc Định – Phó Trưởng đoàn thường trực Đoàn giám sát - cho rằng, bộ máy phình ra cả về tổ chức và biên chế trước hết có nguyên nhân do yêu cầu quản lý tăng, quy mô nền kinh tế, dân số tăng, phạm vi quản lý nhiều, lĩnh vực quản lý rộng… nên đội ngũ tăng. Ông Định dẫn chứng việc Bộ Tư pháp trong 5 năm tăng gần chục cục, vụ nhưng nguyên nhân là do được giao thêm nhiều chức năng, nhiều việc mà trước đây giao cho địa phương, đơn vị khác làm.
Song, ông Định cũng cho rằng việc phình bộ máy còn có lý do không chấp hành đúng văn bản của cấp trên. Thậm chí có văn bản của bộ quy định không thống nhất với văn bản của Chính phủ dẫn đến có khó khăn trong việc áp dụng tại các địa phương. Một nguyên nhân nữa được Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH chỉ ra là do trình độ thấp kém. “Có địa phương nói cán bộ yếu nên một người giao việc không làm được, bởi vậy phải tuyển 2 người”, ông Định cho biết.
Giải trình thêm về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân thẳng thắn thừa nhận bộ máy hành chính đến giờ còn cồng kềnh, chưa có hiệu lực, hiệu quả. “Sở dĩ là do mấy vấn đề cần phải tính. Thứ nhất, về tổ chức biên chế chúng ta hiện có 3 cơ quản lý là Quốc hội, Ban Tổ chức Trung ương, Chính phủ. Trong một đất nước mà có tới 3 cơ quan quản lý về tổ chức và biên chế thì cũng nên nghiên cứu lại” - Bộ trưởng Tân nói. Vị Bộ trưởng này cũng chỉ ra rằng: thông thường chúng ta giao đầu mối phân cấp quản lý mà chưa có quy định cơ cấu bên trong của các đơn vị đã được phân cấp nên vừa qua đầu mối không tăng nhiều nhưng cơ quan bên trong lại tăng. “Do đó, sắp tới phải quản lý và kiểm soát cơ cấu bên trong”, ông nhấn mạnh.
Bộ trưởng Tân cũng chỉ ra thực trạng một công việc hiện phải trải qua quá nhiều cấp hành chính và cho rằng cần tiến tới ủy quyền mạnh hơn, quy định một công việc không quá 2 cấp hành chính, trong đó một cấp làm, một cấp giám sát để giảm lượng công việc. Về đối tượng tinh giản, theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ, cần mở rộng, có sàng lọc và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức, viên chức; đưa vào làm việc những người mới tốt hơn những người cũ để vừa có thể tinh giản được biên chế vừa “thay máu” được đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Đảm bảo lãnh đạo không nhiều hơn nhân viên
Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cũng chỉ ra 3 nguyên nhân dẫn tới việc chấp hành pháp luật về tổ chức và biên chế thời gian qua chưa nghiêm túc. Đó là: địa phương hiểu không đúng văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước, văn bản hướng dẫn nói không rõ dẫn đến số lượng biên chế và cấp phó nhiều… Ngoài ra, ông Tân cũng cho rằng có những văn bản quy phạm pháp luật hiện chưa phù hợp với các lĩnh vực, vùng miền khác nhau.
Khắc phục tình trạng trên, ông Tân cho biết Bộ Nội vụ đang tham mưu quy định theo hướng giảm “phần cứng” và tăng “phầm mềm” để địa phương tổ chức các bộ phận tùy theo đặc điểm, yêu cầu của địa phương. Tuy nhiên, trong cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp bộ sẽ có quy định số lượng bao nhiêu người sẽ thành lập phòng, bao nhiêu người thì có trưởng phòng, phó phòng... để bảo đảm một sở không sinh ra quá nhiều phòng và không có chuyện lãnh đạo đông hơn chuyên viên.
Về tinh giản biên chế, thừa nhận tỉ lệ tinh giản thời gian qua còn thấp, ông Tân cho biết, Chính phủ đã giao trách nhiệm người đứng đầu trong việc thực hiện tinh giản biên chế; xem đây là tiêu chí đánh giá và nếu không thực hiện tốt sẽ xem xét xử lý.
Tại phiên họp, một số ý kiến cũng đề nghị xem xét lại Đề án vị trí việc làm trong bối cảnh việc thực hiện Đề án này thời gian qua còn nhiều vướng mắc và vẫn làm tăng thêm nhiều biên chế.
Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân: Bài học này rút rồi mà chưa sửa được
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân |
“Nói tinh giản biên chế ai cũng đồng tình nhưng khi nói tới cơ quan mình, địa phương và lĩnh vực mình thì ai cũng không đồng ý, thậm chí còn đòi tăng. Cái này là chủ quan vì đụng tới cơ quan nào cũng nói còn đang thiếu, phải xin thêm.
Về bài học kinh nghiệm, cơ bản là đúng nhưng chưa có gì mới. Sợi dây kinh nghiệm là sợi dây dài nhất trong cuộc sống, ngành nào cũng rút, địa phương nào cũng rút, năm nào cũng rút, nhưng rút hoài không hết. Bài học này rút rồi mà chưa sửa được”.
Phó Chủ tịch QH Đỗ Bá Tỵ: Còn tình trạng “đã biên chế là biên chế suốt đời”
Phó Chủ tịch QH Đỗ Bá Tỵ |
“Trên thực tế, việc quản lý biên chế vẫn còn nhiều tồn tại, như một số cơ quan tổ chức vẫn đề nghị bổ sung biên chế với các cơ quan, tổ chức mới thành lập, một số địa phương sử dụng biên chế công chức vượt so với chỉ tiêu biên chế công chức được trung ương giao hàng năm.
Trong khi đó, việc thực hiện tinh giản biên chế còn chậm, chưa đúng kế hoạch, một số cơ quan thực hiện tinh giản biên chế không đúng đối tượng. Cần làm rõ thêm nguyên nhân của các vấn đề này; đồng thời cũng cần phân tích, đánh giá thêm về tâm lý ngại va chạm nên nhìn chung các cơ quan, tổ chức, các cấp, các ngành thực hiện chưa nghiêm túc chủ trương Nghị quyết của trung ương về quản lý biên chế và tinh giản biên chế.
Việc bố trí, sử dụng cán bộ, công, viên chức vẫn còn trong tình trạng có lên không có xuống, có vào không có ra, đã biên chế là biên chế suốt đời nên rất khó, thiếu cơ chế cạnh tranh trong đề bạt bổ nhiệm bố trí cán bộ. Cần làm rõ và đánh giá thêm về trách nhiệm của người đứng đầu, vai trò của cơ quan lãnh đạo, điều hành trong việc tổ chức điều hành bộ máy hành chính”.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga: Cần xem lại cơ chế đánh giá cán bộ công chức
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga |
“Chính phủ cần xem lại cơ chế đánh giá cán bộ công chức vì có những ngành khi đánh giá cuối năm, 99 - 100% cán bộ công chức hoàn thành tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nhưng kết quả quản lý nhà nước của lĩnh vực đó rất có vấn đề.
Việc đánh giá hiện vẫn thiếu các tiêu chí bám sát vào kết quả thực hiện nhiệm vụ, còn đánh giá một cách cào bằng, người làm tốt cũng như người làm không tốt, không tạo động cơ, động lực thúc đẩy cán bộ công chức làm việc.
Chính phủ cũng nên có báo cáo về một số đơn vị, một số vụ việc thời gian qua có vấn đề nổi cộm, ví dụ một số đơn vị lãnh đạo nhiều hơn số nhân viên do có nhiều đầu mối, thành lập nhiều cấp phòng, cấp vụ. Tôi cho rằng sắp xếp các tổ chức bên trong là việc làm quan trọng để giảm đầu mối, tinh giản biên chế”.