Phát biểu trong phiên thảo luận ở hội trường về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, ĐBQH Phan Thái Bình (Quảng Nam) nói: “Trong giải pháp này tôi đề nghị phải đặt vấn đề cải cách chính sách tiền lương của công chức hành chính nhà nước gắn với việc cải cách bộ máy hành chính của nước ta hiện nay“.
Theo ĐB Phan Thái Bình, từ năm 1960 đến nay chính sách tiền lương của chúng ta đã trải qua 3 lần cải cách lớn, từ năm 2004 đến nay với hàng chục lần điều chỉnh mức tiền lương tối thiểu. Tuy vậy, số thang bảng ngạch bậc lương công chức hành chính còn nặng về bằng cấp, thâm niên, chưa theo yêu cầu công việc hoặc chức vụ đảm nhận, hệ số giãn cách giữa các bậc lương còn thấp, làm giảm hiệu quả của hệ số lương và làm tăng tính bình quân trong trả lương, giảm tính kích thích của tiền lương đối với công chức.
Các mức lương công chức hành chính được tính toán trên cơ sở tiền lương tối thiểu nên bảng lương của khu vực hành chính thấp hơn so với mức bình quân chung của lương trên thị trường. Do đó, mức lương của công chức hành chính chưa phản ánh được giá trị cống hiến của người lao động có chuyên môn, kĩ thuật cao, không thu hút được nhân tài, hiện có quá nhiều loại phụ cấp vừa không bù đắp hao phí sức lao động tăng thêm, vừa không công bằng đối với công chức hành chính trong cùng hệ thống chính trị.
“Vấn đề này cử tri cũng đã nhiều lần phản ánh, kiến nghị, Chính phủ cũng đã chỉ đạo nhưng các bộ, ngành chức năng vẫn chưa đề xuất được phương án căn bản cải cách chính sách tiền lương, nhất là đổi mới hệ thống thang, bảng, ngạch, bậc lương nhằm đảm bảo đời sống công bằng trong thu nhập của công chức”, ông nói.
Cũng theo ĐB, cùng với việc đẩy mạnh cải cách bộ máy hành chính chúng ta phải mạnh dạn đổi mới cải cách thang, ngạch, bậc lương theo hướng trả lương theo vị trí việc làm, tăng hệ số giãn cách giữa các bậc lương, hoàn thiện các loại phụ cấp cho phù hợp. Trong đó chú trọng phụ cấp ngành nghề, chuyên môn kỹ thuật cao, phụ cấp chức vụ để khuyến khích, tạo động lực cho công chức phấn đấu và thu hút nhân tài vào làm việc trong các cơ quan Nhà nước.
Phan Thái Bình cho rằng, Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước thực hiện sắp xếp, tinh giản bộ máy, xây dựng nền hành chính hiệu lực, hiệu quả, kỷ luật, kỷ cương, đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, lãng phí chỉ thật sự hiệu quả khi gắn với cải cách chính sách tiền lương, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, hướng đến xây dựng nền hành chính công vụ hiện đại phục vụ nhân dân. "Liên quan đến cải cách tiền lương tôi đã nhiều lần đề nghị và mong muốn cải cách tiền lương cần hết sức lưu ý đến số cán bộ nghỉ hưu, đặc biệt là cán bộ nghỉ hưu trước năm 1993 vì phần lớn cán bộ này tuổi đã rất cao, sức yếu, hệ số lương thì rất thấp. Đề nghị cần sớm quan tâm vấn đề này”, ĐB bày tỏ.
Góp ý thêm về việc cải cách tổ chức bộ máy hành chính, ông đề nghị Quốc hội đưa vào bổ sung trong Nghị quyết nội dung về phương pháp, cách thức tiến hành cải cách bộ máy hành chính, theo hướng tiến hành từ trên xuống dưới, các cơ quan Trung ương tiến hành trước, gương mẫu để nêu gương và sau đó chỉ đạo, hướng dẫn cho các địa phương tiến hành làm theo.
ĐB cũng nhận định tình trạng hội họp còn nhiều, theo ông để giải quyết vấn đề này cần phải tổ chức lại cơ chế phân công, phân cấp về thẩm quyền, trách nhiệm theo hướng cá thể hóa nhiều hơn vai trò, trách nhiệm của cá nhân, nhất là cá nhân người đứng đầu, phân cấp rõ ràng và trách nhiệm rất rõ ràng thì từ đó chúng ta mới giải quyết được bài toán hiện nay tình trạng hội họp rất nhiều, để dành nhiều thời gian hơn cho việc đi cơ sở, việc lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của người dân, giải quyết những vấn đề từ cơ sở.