Cải cách hành chính cần chú trọng công tác đào tạo cán bộ

(PLO) - Vừa qua, tại trụ sở khối các cơ quan nhà nước tỉnh, UBND tỉnh Đồng Nai tổ chức họp giao ban công tác cải cách hành chính quý I/2016. Đến dự, phát biểu chỉ đạo hội nghị có đồng chí Nguyễn Phú Cường - Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai.
Cải cách hành chính cần chú trọng công tác đào tạo cán bộ

Hội nghị đã nghe báo cáo của Sở Nội vụ về kết quả cải cách hành chính (CCHC) của tỉnh. Trong quý I/2016, các đơn vị, địa phương tập trung thực hiện nhiệm vụ CCHC năm 2016, rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính (TTHC) liên quan đến người dân và doanh nghiệp, đã thực hiện điều chỉnh bổ sung Bộ TTHC của 19/19 ngành chuyên môn của tỉnh.

Tính đến hết quý I/2016, 100% các đơn vị, địa phương trong tỉnh đã thực hiện Cơ chế một cửa, một cửa liên thông hiện đại (20/20 sở/ngành, 11/11 đơn vị cấp huyện, 171/171 đơn vị cấp xã) với 42 TTHC liên thông; 107 dịch vụ công được cung cấp ở mức độ 3; 41 dịch vụ công được cung cấp ở mức độ 4, trong tổng số 1.335 TTHC được thực hiện tại 3 cấp. Chuyển trả 43.228 đến tận nhà cho người dân qua các dịch vụ bưu chính, qua đó giảm số lần đi lại của người dân đến cơ quan hành chính, giúp tiết kiệm chi phí của người dân.

Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số địa phương, đơn vị chưa thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra công tác CCHC, nhất là nhiệm vụ tiếp nhận, giải quyết TTHC cho người dân và doanh nghiệp, tỉ lệ hồ sơ trễ hạn còn khá cao, công chức còn ngại sử dụng phần mềm trong tiếp nhận và giải quyết TTHC, các hệ thống phần mềm chưa được kết nối liên thông với nhau, đường truyền dữ liệu còn chưa ổn định.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phú Cường yêu cầu các sở, ban ngành cần đẩy mạnh hơn nữa việc phân cấp cho địa phương thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến TTHC, nhất là trong các lĩnh vực: đất đai, xây dựng, tài nguyên môi trường, đăng ký kinh doanh.

TTHC cần phải mở theo hướng có lợi cho người dân và doanh nghiệp, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với công chức, công vụ gắn liền với trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong công tác giải quyết TTHC, kiên quyết xử lý, chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức có hành vi gây khó khăn cho doanh nghiệp và người dân trong việc giải quyết TTHC và kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị nơi có công chức vi phạm.

Đồng thời, TTHC cũng cần đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin vào việc kiểm soát TTHC nhằm kiểm soát toàn bộ quy trình xử lý các TTHC, đồng thời nâng cao trình độ nghiệp vụ của công chức, góp phần nâng chất lượng phục vụ người dân.

Đọc thêm