Tại Điều 7 Dự thảo luật Tiếp cận thông tin quy định, công dân sẽ không được tiếp cận những thông tin thuộc bí mật nhà nước, bao gồm những thông tin có nội dung quan trọng thuộc lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh quốc gia, đối ngoại, kinh tế, khoa học, công nghệ, các lĩnh vực khác theo quy định của luật về bí mật nhà nước. Khi thông tin thuộc bí mật nhà nước được giải mật thì công dân được tiếp cận theo quy định của Luật này.
Công dân cũng sẽ không được tiếp cận thông tin do người đứng đầu cơ quan nhà nước xác định theo thẩm quyền mà nếu để tiếp cận sẽ gây nguy hại đến lợi ích của nhà nước, ảnh hưởng xấu đến quốc phòng, an ninh quốc gia, quan hệ quốc tế, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng, gây nguy hại lớn đến tính mạng, cuộc sống hoặc tài sản của người khác; thông tin thuộc bí mật công tác; thông tin về các cuộc họp nội bộ của cơ quan; các tài liệu do cơ quan soạn thảo cho công việc nội bộ; ý kiến của các chuyên gia trong quá trình hoạch định chính sách.
Dự luật cũng quy định công dân sẽ được tiếp cận có điều kiện đối với thông tin liên quan đến bí mật kinh doanh được tiếp cận trong trường hợp chủ sở hữu bí mật kinh doanh đó đồng ý; Thông tin liên quan đến bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân được tiếp cận trong trường hợp được người đó đồng ý, thông tin liên quan đến bí mật gia đình được tiếp cận trong trường hợp được các thành viên gia đình đồng ý.
Kỳ họp thứ 11, QH khóa XIII |
"Trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, cơ quan nhà nước quyết định việc cung cấp thông tin liên quan đến bí mật kinh doanh, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình trong trường hợp cần thiết vì lợi ích công cộng, sức khỏe của cộng đồng theo quy định của luật có liên quan." - Dự luật quy định rõ.
Dự luật cũng quy định khi tiếp cận thông tin, công dân có quyền được cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời; Công dân được khiếu nại, khởi kiện, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về tiếp cận thông tin.
Đi cùng với quyền lợi được luật pháp quy định, công dân cũng cần tuân thủ quy định của pháp luật về tiếp cận thông tin; Không làm sai lệch nội dung thông tin đã được cung cấp; Không xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khi thực hiện quyền tiếp cận thông tin.
Góp ý trong phiên họp chiều nay, một số ĐH đã cho rằng để đảm bảo quyền được tiếp cận thông tin, Ban soạn thảo cần làm rõ những khái niệm như "thông tin thuộc bí mật công tác"; "thông tin về các cuộc họp nội bộ của cơ quan"; "các tài liệu do cơ quan soạn thảo cho công việc nội bộ"... để đảm bảo các cơ quan có trách nhiệm cung cấp thông tin không bưng bít, đảm bảo quyền được tiếp cận thông tin của người dân.
ĐB Mai Thị Ánh Tuyết phát biểu: Việc cung cấp thông tin cho Dân phải theo mục tiêu "công khai là tối đa, bí mật là ngoại lệ". "Có tối đa công khai, mới tạo điều kiện để dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra", bà nói.
Liên quan đến quy định về thông tin của doanh nghiệp, bà đề nghị quy định rõ thông tin nào của DN là “bí mật kinh doanh” ngoài ra, DN phải có trách nhiệm cung cấp các thông tin khác không thuộc loại này để phục vụ lợi ích cộng đồng.
ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) Không đồng tình với quy định tại Điều 6 của luật này. Ông nhận định quy định tại Điều này không cụ thể, không rõ ràng. “Hiện nay ngoài thông tin về bí mật nhà nước có nhiều thông tin công dân không được tiếp cận. Những quy định này được quy đinh ở các luật chuyên ngành. Nếu chúng ta pháp điển hóa vào ngay trong luật này, sẽ giúp cho dân biết mình được tiếp cận loại nào, loại nào mình cần phải bảo vệ.
Đối với Khoản 2 của Điều 6, ĐB Vinh nhận định “Giống như cái bẫy cản trở quyền tiếp cận của thông tin, là cơ sở để các cơ quan tạo ra rào cản cho Nhân dân. "
"Văn bản quy phạm pháp luật phải cụ thể rõ ràng, phải chỉ cho người dân chỗ nào vùng cấm. Không quy định mập mờ khiến nó trở thành cái bẫy của dân." - ĐB Vinh thẳng thắn góp ý.
ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) cũng đề nghị ghi rõ khái niệm về các loại thông tin bị cấm. Cái nào mật phải liệt kê ra để người dân biết họ được lấy cái gì, không được tiếp cận thông tin nào. “Có như vậy mới tránh việc không mật cũng đánh dấu mật, hoặc mật cũng thành không mật vì lợi ích nhóm. ” ĐB Bùi Thị An nói.