Cải cách hành chính: Thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, quyết liệt

(PLVN) -  Cải cách hành chính được coi là nhiệm vụ trọng tâm trong xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Bởi vậy, cải cách hành chính phải đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết; thực hiện nhiệm vụ có trọng tâm, trọng điểm, quyết liệt, thường xuyên, liên tục, hiệu quả, làm việc nào dứt điểm việc đó.
Cải cách hành chính phải đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết. (Ảnh minh họa)
Cải cách hành chính phải đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết. (Ảnh minh họa)

Quyết liệt triển khai các đột phá chiến lược

Trong năm 2022, công tác cải cách hành chính (CCHC), hoàn thiện thể chế có nhiều đổi mới, có trọng tâm, trọng điểm và hiệu quả. Chính phủ đã trình Quốc hội 20 dự án luật; tổ chức 9 phiên họp chuyên đề về pháp luật để xem xét, cho ý kiến; thông qua 39 đề nghị xây dựng luật, dự án luật; ban hành 125 nghị định; Thủ tướng Chính phủ ban hành 29 quyết định; các bộ ban hành trên 400 thông tư.

Cùng với đó, công tác kiểm tra, rà soát, theo dõi thi hành, phổ biến, giáo dục pháp luật được tăng cường. Trong năm, các bộ, ngành, địa phương đã kiểm tra theo thẩm quyền gần 12.000 văn bản quy phạm pháp luật, rà soát hơn 27.800 văn bản và kiến nghị xử lý hơn 5.700 văn bản. Công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC), cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh được đẩy mạnh, phục vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp. Đã cắt giảm, đơn giản hóa 1.041 quy định kinh doanh tại 101 văn bản.

Mới đây, phát biểu tại Phiên họp thứ 3 của Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo cho biết, thời gian qua, Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo triển khai và sẽ tiếp tục quyết liệt triển khai các đột phá chiến lược theo chủ trương, đường lối của Đảng, gồm các đột phá về thể chế, hạ tầng và nhân lực, trong đó có công tác CCHC.

Thủ tướng nhấn mạnh những ý nghĩa của công tác CCHC trong việc tạo thuận lợi, giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp, giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh của hàng hóa..., từ đó đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, tạo công ăn việc làm cho người dân, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, xây dựng môi trường hành chính trong sạch, lành mạnh, công khai, minh bạch.

Trong tham luận gửi tới Phiên họp, Thanh tra Chính phủ (TTCP) cho biết, trong năm 2022, TTCP tập trung thanh tra công tác quản lý Nhà nước trên các ngành, lĩnh vực quan trọng, dư luận xã hội quan tâm; nhất là trong lĩnh vực đầu tư xây dựng, tài chính ngân sách, quản lý sử dụng đất đai, mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế..., việc quản lý, sử dụng quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách Nhà nước; việc chấp hành chính sách, pháp luật về công tác cán bộ...

Xây dựng mô hình tiếp công dân trực tuyến

Trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, TTCP nghiên cứu xây dựng mô hình tiếp công dân trực tuyến để đưa vào áp dụng, nhằm tiết kiệm kinh phí, thời gian của người dân và cán bộ tiếp dân, nâng cao hiệu quả trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. 100% các TTHC phát sinh trong lĩnh vực tiếp công dân đã thực hiện việc tiếp nhận, trả kết quả tại Bộ phận Một cửa, được phê duyệt quy trình nội bộ và điện tử hóa...

Bên cạnh những kết quả đạt được, theo đánh giá của Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ, công tác CCHC năm 2022 vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế. Trong đó, tình trạng nợ ban hành văn bản quy định chi tiết vẫn chưa được khắc phục triệt để; việc cải cách TTHC, cắt giảm quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh tại một số bộ, ngành, địa phương chưa được thực hiện nghiêm, đầy đủ, hiệu quả và kịp thời. Mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp còn chưa cao. Đặc biệt, tình trạng cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, thôi việc - nhất là ngành Y tế, Giáo dục là vấn đề tồn tại, hạn chế trong cơ chế, chính sách quản lý, sử dụng, đãi ngộ nhân lực ở khu vực công.

Theo Báo cáo của Ban chỉ đạo CCHC của Chính phủ, Chính phủ đã ban hành nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của 24 bộ, cơ quan. Kết quả sau sắp xếp: giảm 17 tổng cục và tổ chức tương đương tổng cục chưa đáp ứng đủ tiêu chí thành lập; giảm 0 cục (thuộc tổng cục và thuộc Bộ); giảm 145 Vụ và tương đương (thuộc tổng cục và thuộc Bộ); giảm 22 đơn vị sự nghiệp công lập. Việc rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy góp phần khắc phục tình trạng chồng chéo, bỏ cấp trung gian, bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật chuyên ngành và phân công của Chính phủ. Đã có 17/19 bộ, cơ quan ngang bộ ban hành thông tư hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện.

Về tinh giản biên chế, đến nay cả nước giảm 79.057 người; trong đó, các bộ, ngành là 5.510 người và địa phương là 73.547 người. Việc giải quyết nhân sự dôi dư sau khi sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị hành chính từ năm 2019 đến nay đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Tính đến nay, cấp huyện dôi dư sau sắp xếp là 706 người, đã giải quyết được 361 người. Cấp xã dôi dư sau sắp xếp là 9.705 người, đã giải quyết được 6.657 người, đạt 68,60%. Số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư sau sắp xếp là 8.448 người, đã giải quyết được 7.956 người, đạt 94,20%.

Đọc thêm