Trao đổi với phóng viên Pháp luật Việt Nam về công tác CCHC tại Trung tâm Pháp y Hà Nội, bà Nguyễn Thị Ngọc Yến - Giám đốc Trung tâm cho biết, để thực hiện và đẩy mạnh CCHC tại Trung tâm, Ban Giám đốc nghiên cứu kỹ các quy trình giám định hiện đang thực hiện tại Trung tâm, nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin vào các bước của quy trình, tạo các kênh truyền thông tin, khai thác thông tin với các cơ quan điều tra, tố tụng, các cơ sở khám, chữa bệnh của cả tuyến trung ương và địa phương.
Cụ thể, việc CCHC trong tiếp nhận hồ sơ giám định được thực hiện ngay từ khâu tiếp nhận hồ sơ giám định thông qua các đường truyền dữ liệu, các bản scan tài liệu, quyết định trưng cầu (chỉ đối với các tài liệu mật cơ quan trưng cầu mới cần đến giao trực tiếp tại cơ quan giám định). Sau khi kiểm tra hồ sơ, nhân viên Trung tâm gửi yêu cầu bổ sung, đính chính các sai sót hành chính… ngay cho cơ quan trưng cầu. Đối với hồ sơ đã đầy đủ, Trung tâm gửi ngay Giấy hẹn thời gian giám định cho cơ quan trưng cầu. Hồ sơ sau khi được tiếp nhận sẽ được chuyển ngay đến lãnh đạo bộ phận chuyên môn trong ngày để phân công giám định viên nghiên cứu hồ sơ.
Để thực hiện CCHC trong việc thực hiện khám giám định, sau khi được phân công vụ việc khám giám định, các giám định viên và người giúp việc tiến hành nghiên cứu hồ sơ, thu thập các tài liệu có liên quan và chuẩn bị phương tiện, phương pháp khám cho từng nội dung giám định. Người được yêu cầu khám giám định đến sẽ được làm ngay thủ tục xác nhận nhân thân và tiến hành khám giám định, làm các xét nghiệm, khám chuyên khoa cần thiết ngay trong ngày. Để bảo đảm việc khám giám định nhanh, chính xác, Trung tâm đã ký hợp đồng hợp tác chuyên môn với nhiều cơ sở khám, chữa bệnh tuyến trung ương và thành phố. Việc trao đổi thông tin giữa các chuyên gia tại các bệnh viện với giám định viên vì thế cũng rất thuận lợi. Trung tâm xây dựng phầm mềm quản lý các vụ việc giám định từ đầu vào đến đầu ra, phần mềm có chức năng cảnh báo hồ sơ thiếu tài liệu, có nguy cơ chậm muộn.
CCHC trong hội chẩn chuyên môn và phối kết hợp khám chuyên khoa được thực hiện khi kết quả khám được chuyển về Trung tâm ngay khi có kết quả thông qua các mã quét QR của bệnh nhân do các cơ sở khám, chữa bệnh cung cấp. Cơ quan điều tra và người được giám định không phải đi lại nhiều lần. Các giám định viên sẽ họp thống nhất kết quả giám định ngay sau khi các kết quả khám đầy đủ. Đối với những ca cần hội chẩn thì Trung tâm sẽ tiến hành hội chẩn online nếu cần thiết. Bản kết luận sẽ được ban hành trong vòng 03 ngày sau khi có đầy đủ các kết quả và tài liệu hồ sơ cần thiết (nhanh hơn quy định của pháp luật 06 ngày). Trường hợp đặc biệt cần kéo dài thời gian giám định, Trung tâm sẽ có văn bản thông báo với cơ quan trưng cầu nêu lí do chậm kết quả giám định. Sau khi các giám định viên thống nhất nội dung bản kết luận, hôm sau Trung tâm đã có Bản kết luận dấu đỏ để trả cho cơ quan trưng cầu. Trung tâm sẽ thông báo cho cơ quan trưng cầu đến nhận bản kết luận nếu trường hợp hồ sơ giám định cần đối chiếu các văn bản gốc. Trong trường hợp hồ sơ không cần đối chiếu thì sẽ được gửi bảo đảm cho cơ quan trưng cầu bằng đường văn thư (do tính chất đặc thù của kết luận giám định pháp y nên không thể chuyển bản kết luận qua internet)….
Có thể nói, CCHC trong các quy trình giám định đã mang đến cho Trung tâm Pháp y Hà Nội “nguồn lực mới” để rút ngắn thời gian giám định, hỗ trợ cơ quan tố tụng cũng như không để người dân mất niềm tin. Theo đánh giá của bà, công tác CCHC đã tác động như thế nào đến hoạt động của Trung tâm và mang lại hiệu quả gì?
- Công tác CCHC đã buộc phải thay đổi cách thức làm việc cũng như quan điểm của cán bộ, nhân viên trong bộ máy nhà nước hiện nay, giúp xóa đi ấn tượng về câu nói bao năm nay từ thời bao cấp là “giải quyết thủ tục hành chính ở các đơn vị Nhà nước luôn mang tính “hành là chính”. Trong lĩnh vực Tư pháp, Đề án Cải cách tư pháp của Chính phủ ngoài việc cải cách cách thức làm việc còn bao hàm cả sự thay đổi về cơ cấu tổ chức, các quy chế phối hợp hoạt động của các cơ quan điều tra, tố tụng với các cơ quan làm nhiệm vụ bổ trợ tư pháp.
Trong hai năm gần đây CCHC đã đem lại nhiều kết quả đáng ghi nhận tại Trung tâm. Việc thực thi các biện pháp CCHC đã bắt buộc phải đưa công nghệ thông tin vào các bước trong quy trình giám định. Đơn cử như Trung tâm xây dựng phần mềm quản lý các vụ việc giám định giúp lãnh đạo và nhân viên nắm rõ từng vụ việc đang ở giai đoạn nào, có chậm muộn không; hồ sơ còn thiếu gì; kết quả giám định như thế nào… Phần mềm còn giúp cảnh báo các hồ sơ đang có nguy cơ chậm trả kết quả hay lỗ hổng trong hồ sơ giám định. Việc này đã làm giảm đáng kể các sai sót trong quá trình giám định.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Yến - Giám đốc Trung tâm Pháp y Hà Nội. |
Thời gian giám định gần như 100% hồ sơ ra đúng và trước hạn. Có nhiều vụ việc ra sớm trong vòng 24h đối với giám định tỷ lệ tổn hại sức khỏe để cơ quan điều tra tố tụng thực hiện các biện pháp ngăn chặn không cho đối tượng tội phạm trốn chạy, giảm nhiều thiệt hại về kinh tế, thời gian giải quyết vụ án được nhanh gọn. Thời gian giám định pháp y tử thi xác định nguyên nhân tử vong đối với các trường hợp không mổ trong vòng 7 ngày Trung tâm có bản kết luận (theo quy định 1 tháng), đối với trường hợp mổ có làm các xét nghiệm độc chất, gene bệnh v.v… tối đa là 3 tuần (theo quy định 30 ngày đến 3 tháng). Giám định ADN không quá 03 tuần là có kết luận, có vụ việc trong vòng 6h Trung tâm đã trả kết luận. Các thành tích trên của Trung tâm đã được tất cả các cơ quan điều tra của thành phố Hà Nội, ngoài ra còn có cơ quan điều tra của Bộ Quốc phòng, của các tỉnh/thành lân cận ghi nhận thể hiện rõ nét số liệu tổng các vụ việc thực hiện giám định tại Trung tâm ngày càng cao.
Thời gian qua, hoạt động CCHC là điểm sáng của ngành Y tế, thông qua hoạt động cải cách thể chế, thủ tục hành chính, tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức; hiện đại hóa nền hành chính trong nhiệm vụ công tác... Để tiếp tục duy trì và nâng cao kết quả này, trong thời gian tới, Trung tâm Pháp y Hà Nội sẽ có những dự kiến hoạt động gì, thưa bà?
- Trong thời gian tới Trung tâm tiếp tục phát huy những thành tích đã đạt được của công tác CCHC. Có thể nói, CCHC giúp giảm bớt các đầu việc, tăng cường giám sát. Trung tâm Pháp y Hà Nội trực tiếp nghiên cứu tài liệu trên các mã bệnh nhân nên rút ngắn thời gian giám định, thực hiện hội chẩn nhanh chóng, hạn chế tối đa sự nhũng nhiễu và tiêu cực trong công tác giám định. Hiện nay theo quy định của pháp luật, hồ sơ giám định tư pháp được lưu trữ vĩnh viễn. Do đó, số lượng hồ sơ của Trung tâm rất lớn, Trung tâm đã thường xuyên chỉnh lý hồ sơ và đang đề xuất phương án số hoá hồ sơ, đảm bảo công tác lưu trữ phục vụ việc tra cứu khi cần thiết…
Trung tâm sẽ đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động quản lý của đơn vị nhằm giảm tài hơn nữa các đầu mục cần nhân sự giám sát như quản lý quy trình giám định trong phòng thí nghiệm, áp dụng cảnh báo nhiều cấp độ, liên kết với các đơn vị khám, chữa bệnh, đơn vị xét nghiệm có chất lượng cao trên địa bàn để tiến hành thu mẫu, khám tại cơ quan giám định và chịu trách nhiệm vận chuyển mẫu đến nơi xét nghiệm, trả kết quả online (vẫn bảo đảm tính bảo mật theo quy định), giúp cho người giám định hạn chế tối đa việc phải đến nhiều nơi để thực hiện việc khám chuyên khoa…
Trong thời gian tới, Trung tâm sẽ tăng cường năng lực tại chỗ, đầu tư thêm trang thiết bị chuyên môn hiện đại; tăng cường đào tạo lại, đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ nhân viên, tuyển dụng người có trình độ cao về làm việc tại Trung tâm; đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, đề xuất sáng kiến cải cách kỹ thuật nhằm tiết kiệm thời gian, công lao động… trong các giai đoạn của quy trình giám định.
Đặc biệt, Trung tâm sẽ có cơ chế khen thưởng thường xuyên, đột xuất, ghi nhận những đóng góp tích cực của tất cả nhân viên khi có thành tích trong công tác giúp tăng hiệu suất lao động và chất lượng sản phẩm.
Trân trọng cảm ơn bà!