Theo AFP, dự thảo hiến pháp sửa đổi của Cuba đã được Đảng Cộng sản Cuba phê chuẩn và sẽ được trình lên Quốc hội nước này xem xét. Việc bỏ phiếu thông qua bản dự thảo dự kiến sẽ được tổ chức vào cuối tuần này. Bản hiến pháp này sẽ chính thức có hiệu lực sau khi được đưa ra trưng cầu ý dân và được chấp thuận.
Theo các chi tiết của bản dự thảo hiến pháp sửa đổi của Cuba được hãng tin Granma công bố cuối tuần qua, các yếu tố cơ bản của hoạt động sản xuất trong nước sẽ vẫn do chính phủ Cuba kiểm soát. Tuy nhiên, hoạt động đầu tư nước ngoài sẽ được công nhận là một yếu tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển của đất nước.
Dự thảo hiến pháp của Cuba vừa được truyền thông nhà nước của nước này công bố cho biết, Cuba sẽ vẫn tiếp tục cho phép người dân làm việc trong khu vực tư nhân. Tuy nhiên, các công ty tư nhân sẽ phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt hơn. Ví dụ, theo quy định mới, chủ các doanh nghiệp tư nhân sẽ phải sử dụng tài khoản ngân hàng để đăng ký tất cả các hoạt động, để nộp thuế và chứng minh rằng các nguồn cung hàng hóa của họ được thu mua một cách hợp pháp.
Các quy định như trên dự kiến sẽ chủ yếu ảnh hưởng đến các nhà hàng, công ty kinh doanh taxi, lĩnh vực xây dựng và khách sạn, dịch vụ cho thuê phòng. Lĩnh vực tư nhân hiện cung cấp việc làm cho khoảng 13% lực lượng lao động của Cuba.
Vẫn theo các quy định mới được nêu trong dự thảo hiến pháp của Cuba, một cá nhân sẽ chỉ được cấp giới hạn số đăng ký kinh doanh để tránh tụ tài sản cá nhân. Quy định này kế thừa các quy định trước đó. Năm 2016, Chủ tịch Cuba khi đó là ông Raul Castro cũng đã mở cửa thị trường Cuba đối với lĩnh vực tư nhân nhưng cũng quy định rõ không cho phép tập trung tài sản.
Còn theo Reuters, dự thảo hiến pháp của Cuba sẽ bao gồm 224 điều, nhiều hơn so với con số 137 điều của hiến pháp hiện hành. Dẫn thông tin từ Granma, Reuters cho biết, khi được thông qua, văn kiện này sẽ công nhận cả tự do thị trường và tài sản tư nhân. Điều này đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp tư nhân và các nhà đầu tư nước ngoài sẽ được bảo hộ về mặt pháp lý dù các doanh nghiệp nhà nước và cơ quan lập kế hoạch ở trung ương vẫn là các trụ cột của toàn bộ nền kinh tế. Theo Reuters, hiến pháp hiện tại của Cuba chỉ công nhận tài sản nhà nước, hợp tác xã, nông dân, cá nhân và liên doanh.
Dự thảo hiến pháp sửa đổi của Cuba cũng quy định rõ Đảng Cộng sản sẽ vẫn tiếp tục là lực lượng lãnh đạo xã hội và nhà nước. Ngoài ra, văn bản còn bao gồm các điều khoản quy định tách bạch về chức vụ Chủ tịch nước và Thủ tướng. Theo đó, dự thảo quy định Hội đồng Bộ trưởng, tức chính phủ của Cuba, sẽ do Thủ tướng điều hành. Quy định như vậy đánh dấu sự quay trở lại của hệ thống chính trị từng được áp dụng ở Cuba trước năm 1976.
Ngoài việc công bố chức danh Thủ tướng, tách bạch các vai trò người đứng đầu nhà nước và người đứng đầu Chính phủ, bản hiến pháp mới của Cuba cũng sẽ quy định Chủ tịch nước là người đứng đầu Quốc hội và đưa ra quy định giới hạn nhiệm kỳ của Chủ tịch Cuba là 5 năm và mỗi Chủ tịch sẽ có thể đảm nhiệm tối đa là 2 nhiệm kỳ. Theo dự thảo hiện nay, ông Miguel Diaz-Canel, 59 tuổi, sẽ vẫn tiếp tục giữ chức Chủ tịch Cuba sau khi hiến pháp mới được phê chuẩn.
Theo kết quả bỏ phiếu tại Quốc hội Cuba hồi tháng 6 vừa qua, cựu Chủ tịch, Bí thư thứ nhất Đảng Cộng sản Cuba Raul Castro đã được bầu làm người đứng đầu Ủy ban soạn thảo hiến pháp mới của nước này còn Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Cuba Miguel Diaz-Canel được bầu làm Phó Chủ tịch Ủy ban. Một trong những mục tiêu sửa hiến pháp của Cuba ngay từ đầu đã được xác định là để tạo cơ sở pháp lý cho việc mở cửa kinh tế và xã hội của đảo quốc.