Tuy nhiên, trong quá trình thực thi, còn những vướng mắc khiến người nộp thuế gặp khó khăn trong tuân thủ pháp luật, nên theo đánh giá của các định chế tài chính quốc tế, môi trường kinh doanh của Việt Nam đã được cải thiện nhưng còn ở thứ bậc thấp.
Hạn chế tối đa chi phí thực hiện thủ tục hành chính
Ông Nguyễn Quang Tiến – Vụ trưởng, Phó Trưởng ban Cải cách và hiện đại hóa, Tổng cục Thuế cho biết, thời gian qua, cơ quan thuế đã thực hiện nhiều cải cách tích cực, được đánh giá cao. Đến ngày 31/12/2015, có 98,95% doanh nghiệp (DN) khai thuế điện tử và khoảng 92% DN đăng ký nộp thuế điện tử. Nhờ đó, số giờ nộp thuế giảm được 10 giờ.
Kết quả cải cách TTHC trong lĩnh vực thuế đã góp phần tăng hạng đáng kể về năng lực cạnh tranh cho Việt Nam. Năng lực cạnh tranh của Việt Năm năm 2015 tăng 12 bậc, cao nhất từ năm 2012. Đánh giá của Ngân hàng Thế giới cho thấy, môi trường kinh doanh của Việt Nam tăng 3 bậc, cải thiện 5/10 chỉ số và môi trường kinh doanh vẫn còn khoảng cách xa so với các nước trong ASEAN. Bà Nguyễn Như Thảo (Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương – CIEM) cho biết, Việt Nam đang phấn đấu đạt thời gian đóng thuế trung bình là 148h/năm (năm 2016) và 110h/năm (cuối năm 2020).
Cùng với hệ thống thuế, những cải cách trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội cũng đóng góp đáng kể. Bà Nguyễn Thị Hường – Trưởng phòng Kiểm soát TTHC, Bảo hiểm xã hội Việt Nam nhấn mạnh, để đạt mục tiêu giảm thời gian thực hiện TTHC trong bảo hiểm xã hội từ 335h xuống còn 48,5h, giải pháp tốt nhất là rà soát, đơn giản hóa TTHC, gắn ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình thực hiện TTHC, nâng cao ý thức phục vụ của cán bộ, công chức bảo hiểm xã hội. Hiện Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã phối hợp với bưu điện triển khai gửi, nhận hồ sơ bảo hiểm xã hội qua bưu điện để giúp DN hạn chế tối đa thời gian đi lại trong việc thực hiện TTHC về lĩnh vực này.
Khó kiểm soát gian lận thuế
Tuy nhiên, CIEM chỉ ra, đến nay, thủ tục cấp giấy phép xây dựng lại kéo dài thêm 52 ngày. Đăng ký quyền sở hữu và sử dụng tài sản tăng thêm 1 thủ tục và tốn thêm 57,5 ngày (còn khoảng cách khá xa so với Nghị quyết 19 (14 ngày). Thời gian giải quyết tranh chấp hợp đồng chưa được rút ngắn (vẫn là 400 ngày) so với mục tiêu của Nghị quyết 19 là 200 ngày. Thời gian giải quyết phá sản DN vẫn là 5 năm, nhiều hơn đáng kể so với các nước ASEAN 4.
Cùng với đó, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam chỉ ra, do một số địa phương muốn thu hút đầu tư về địa phương mình, đưa ra các ưu đãi không đúng so với các văn bản quy phạm pháp luật chính thống, có sự khác biệt quan điểm giữa Trung ương và địa phương, gây khó khăn cho DN trong việc tính toán hiệu quả đầu tư, ưu đãi thuế. Việc chính sách đổi mới nhanh, cơ sở hạ tầng truyền thông, cơ sở dữ liệu chưa đổi mới đáp ứng kịp thời nên xảy ra lỗi trong thực thi...
Mặc dù Tổng cục Thuế đã có văn bản tháo gỡ vướng mắc nhưng không được xử lý đồng bộ, thống nhất giữa các đơn vị, địa phương. Mặt khác, quy định mức thanh toán không dùng tiền mặt nhằm tăng cường quản lý, song không gắn với hàng hóa nên dẫn đến tình trạng mua bán hóa đơn chứng từ, gian lận thuế các bên mua bán khó kiểm soát. Trong khi đó, công tác thanh tra, kiểm tra theo tiêu thức quản lý rủi ro chưa có tiêu chí cụ thể nên cả cán bộ, công chức thuế và người nộp thuế đều gặp khó khi thực hiện. Sự chồng chéo trong thanh, kiểm tra DN chưa được khắc phục...
Để tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam ngang bằng các nước ASEAN 4 (cuối năm 2017) và tiến tới ASEAN 3 (vào năm 2020), chuyên gia và các DN thấy rằng, cơ quan thuế cần tiếp tục rà soát chính sách, cải tiến quy trình, thủ tục về thuế và tăng cường kiểm soát nội bộ, thu thập thông tin phản hồi và giám sát việc thực thi để rút ngắn khoảng cách từ chính sách đến thực tiễn. Cụ thể là tiến hành triển khai cấp mã số thuế tự động cho người nộp thuế; xây dựng cơ sở dữ liệu để phân loại, đánh giá xếp loại người nộp thuế theo mức độ tuân thủ để thực hiện quản lý thuế trên cơ sở đánh giá rủi ro, triển khai dich vụ một cửa điện tử của cơ quan thuế...