Tiếp tục rà soát, hoàn chỉnh cả luật và văn bản dưới luật
Trong phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Khắc Định cơ bản thống nhất với báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế. Tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội có nhiều tiến bộ, là tín hiệu đáng mừng.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch QH lưu ý khả năng hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch năm 2023 cũng như thực hiện kế hoạch 5 năm là rất khó, đòi hỏi phải có quyết tâm cao.
Phó Chủ tịch QH nhắc lại việc tại Kỳ họp thứ 5, QH đã thông qua Nghị quyết 101/2023/QH15 về rà soát pháp luật trong 22 lĩnh vực. Thời gian qua, các cơ quan của Chính phủ, QH, HĐND, Đoàn đại biểu QH đã tiến hành rà soát.
Qua kết quả rà soát pháp luật làm rõ được vấn đề là có hai khuynh hướng, một là có tình trạng cứ không làm được lại “đổ” cho pháp luật. “Qua rà soát vừa rồi, các cơ quan khẳng định là không phải thế”, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh.
Khuynh hướng thứ hai là nói rằng luật tốt rồi, tất cả những trục trặc là do tổ chức thực hiện. “Qua rà soát, kết quả bước đầu cho thấy pháp luật còn những tồn tại, hạn chế, vướng mắc, bất cập cần phải tiếp tục hoàn thiện nhưng ở luật thì ít; phần nhiều vẫn là các văn bản dưới luật như thông tư, nghị định”, Phó Chủ tịch QH nói, lưu ý công tác rà soát pháp luật cần phải thực hiện thường xuyên, cần tiếp tục rà soát, tiếp tục hoàn chỉnh cả luật và văn bản dưới luật.
Phó Chủ tịch QH Nguyễn Khắc Định cũng lưu ý, theo kế hoạch, từ ngày 1/7/2024 sẽ thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW.
“Lần điều chỉnh này mang tính chất cải cách, không chỉ điều chỉnh tăng lương, tăng thu nhập mà trong Nghị quyết số 27-NQ/TW nêu rõ cải cách tiền lương gắn với nâng cao chất lượng, trách nhiệm đội ngũ cán bộ, công chức. 2 việc này đi liền với nhau, điều chỉnh tiền lương gắn với vị trí việc làm, tăng cường trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương nên cần rà soát, sắp xếp lại cán bộ, công chức; có biện pháp xử lý đối với những người thiếu tinh thần trách nhiệm, làm việc cầm chừng, đùn đẩy, né tránh”, Phó Chủ tịch QH nêu rõ.
Phó Chủ tịch QH Nguyễn Khắc Định cũng đề cập đến một nhiệm vụ quan trọng của năm 2024 là tiếp tục sắp xếp các đơn vị cấp huyện, cấp xã theo nghị quyết của Trung ương. Dự kiến, có 35 huyện và trên 1.000 xã thuộc diện sắp xếp, sáp nhập.
Về vấn đề này, Bộ Chính trị đã có kết luận, UBTVQH đã có nghị quyết, Chính phủ đã có kế hoạch triển khai trên toàn quốc nhưng qua báo cáo cho thấy một số địa phương đang chậm. Do đó, cần đôn đốc, đẩy mạnh, giám sát, quán triệt, bảo đảm trong Quý 3 phải hoàn thành thủ tục để trình UBTVQH thông qua để bắt đầu thực hiện từ Quý 4/2023.
Về giám sát tình hình thực hiện chính sách pháp luật về đơn vị sự nghiệp công lập, nhấn mạnh đây là nội dung lớn, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Khắc Định đề nghị Chính phủ trong thời gian tới cần đẩy mạnh hoàn thiện cơ chế chính sách đối với đơn vị sự nghiệp công lập để phục vụ cho công tác giám sát và thực hiện nghị quyết của Trung ương.
Đảm bảo các lĩnh vực thường xuyên xảy ra tham nhũng được kiểm soát chặt chẽ
Trong khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề cập 5 vấn đề liên quan an ninh trật tự. Thứ nhất là tình hình cháy nổ diễn biến phức tạp.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, vụ cháy chung cư mini tại TP Hà Nội vừa qua thể hiện chúng ta vẫn còn sơ hở trong phòng cháy.
“Sau mỗi một vụ cháy xảy ra thì lại tiến hành rà soát, như cháy karaoke thì sau đó có hàng loạt chỉ thị về rà soát các tụ điểm karaoke, cháy chung cư mini thì lại rà soát chung cư mini. Tôi cho rằng công tác phòng về cháy thực hiện chưa tốt. Không chỉ chung cư mini mà các chung cư cao tầng khi xảy ra cháy thì hậu quả cũng khôn lường, không dễ mà thoát được. QH khoá XIV có cuộc giám sát rất lớn về phòng cháy, chữa cháy. Chúng tôi đề nghị Ủy ban Quốc phòng, an ninh kiểm tra lại nghị quyết về giám sát phòng cháy, chữa cháy, đề xuất Chính phủ tăng cường thực hiện các giải pháp mà QH đã đề ra trong nghị quyết”, bà Lê Thị Nga nói.
Nêu tình trạng lừa đảo qua mạng xã hội vẫn diễn ra hàng ngày, hàng giờ, số người bị lừa đảo rất lớn, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đề nghị Chính phủ tăng cường quản lý mạng xã hội để cảnh báo để người dân được biết và phòng ngừa.
|
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga phát biểu tại phiên họp. |
Lưu ý tình trạng diễn ra nhiều vụ xâm hại và bắt cóc trẻ em, bà Lê Thị Nga đề nghị tăng cường quản lý và xử lý nghiêm minh những vụ việc này.
Vấn đề thứ 4 được Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp lưu ý là tình trạng sử dụng bóng cười, thuốc lá điện tử có trộn ma tuý đang khá phổ biến trong giới thanh thiếu niên, học sinh.
“Bóng cười, thuốc lá điện tử có trộn ma tuý được bán nhiều nơi, học sinh mua rất dễ, vì vậy, đề nghị Chính phủ tăng cường quản lý lĩnh vực này, đề nghị cấm thuốc lá điện tử, bóng cười trong các quán”, bà Lê Thị Nga nhấn mạnh.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cũng bày tỏ băn khoăn về tình trạng tham nhũng, tiêu cực trong một số lĩnh vực còn nghiêm trọng, diễn biến phức tạp. Tình trạng thông đồng, móc ngoặc, cấu kết, tiếp tay của cán bộ nhà nước với doanh nghiệp để tham nhũng, trục lợi, chiếm đoạt tài sản của nhà nước còn diễn ra ở một số lĩnh vực, nổi lên là các sai phạm trong lĩnh vực đăng kiểm, đất đai, y tế, giáo dục, quản lý tài sản công, đấu thầu đấu giá, trái phiếu, rửa tiền… gây bức xúc trong dư luận xã hội. Tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong khu vực hành chính dịch vụ công chậm được khắc phục…
Bà Lê Thị Nga đề nghị Chính phủ tăng cường hơn nữa công tác phòng, chống tham nhũng, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tăng cường hơn để đảm bảo các lĩnh vực thường xuyên xảy ra tham nhũng được kiểm soát chặt chẽ.
Bày tỏ lo ngại về việc tính đến tháng 9/2023, năng suất lao động mới chỉ tăng 4,8%, rất khó đạt được mục tiêu đề ra là 5% - 6%, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy đề nghị Chính phủ cần quan tâm thêm về chất lượng nguồn nhân lực.
“Nguồn nhân lực là động lực nội sinh và có tính chất cốt lõi của nền kinh tế. Trong 3 đột phá chiến lược, 2 yếu tố là thể chế và hạ tầng đã được triển khai tích cực và hiệu quả, nhưng đột phá về nguồn nhân lực chưa thực sự rõ nét mặc dù đã được quan tâm. Vì vậy, Chính phủ cần nhận diện các điểm nghẽn để có giải pháp cụ thể, gắn với các chương trình, dự án để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với các giải pháp về khoa học, công nghệ”, ông Lê Quang Huy nêu quan điểm.