Cái kết bi thảm của kẻ thù số một nước Mỹ

(PLO) - Danh hiệu “kẻ thù số một của nước Mỹ” được đích thân Giám đốc Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) Edgar Hoover đặt cho John Herbert Dillinger- tên tội phạm được coi là liều mạng nhất, khát máu nhất, tàn nhẫn nhất, khôn ngoan nhất, nhanh nhẹn nhất trong lịch sử nước Mỹ nửa đầu thế kỷ 20.
Chân dung John Herbert Dillinger
Chân dung John Herbert Dillinger

Phi vụ trộm đầu tiên 

John Dillinger sinh ngày 22/6/1903 tại ngoại ô Oak Hill, thành phố Indianapolis. Hồi nhỏ, John là một cậu bé nhanh nhẹn, cởi mở và dễ thương. Nhưng những ngày tháng thơ ấu vô tư, hạnh phúc đã nhanh chóng kết thúc, khi cậu mới 3 tuổi, người mẹ qua đời, mọi gánh nặng dồn lên vai cô chị 17 tuổi Ordi. 

6 năm sau, cha John đi bước nữa, chị gái Ordi đi lấy chồng. Đến lúc này, môi trường giáo dục của John chính là “đường phố”. John thường xuyên bỏ học và dính dáng vào nhiều vụ đánh nhau. Mới 9 tuổi, John đã lập ra một băng nhóm tội phạm nhí chuyên ăn cắp hàng hóa trên các toa tàu.

16 tuổi, John bắt đầu cuộc sống lang bạt. Năm 20 tuổi, John gia nhập Hải quân Mỹ nhưng sau đó đào ngũ. Lang thang tới Mooresville, John làm quen và cưới cô gái 16 tuổi Beryl Hovius và lấy làm vợ. Nhưng cuộc sống gia đình không ngăn cản nổi những thói quen nổi loạn của John.

Sau khi gặp gỡ một người bạn cũ là Ed Singleton, cả hai quyết định tổ chức một vụ cướp tại nhà của ông chủ quầy thực phẩm Frank Morgan, theo tin đồn ở thị trấn là người có rất nhiều tiền. John mang theo một khẩu súng lục và cây gậy sắt, bí mật phục sẵn tại nhà ông Morgan. Khi ông chủ cửa hàng xuất hiện, anh ta dùng gậy sắt đập vào đầu ông từ phía sau. 

Xui cho John là ông già còn rất khỏe, sau khi ngã, ông còn kịp quay lại giằng được khẩu súng lục ra khỏi tay tên cướp. Một tiếng nổ vang lên do súng bị cướp cò. John sợ hãi chạy vội ra ngoài xe của đồng bọn chờ sẵn.

Nhưng đúng là “họa vô đơn chí” khi nghe thấy tiếng nổ, đồng bọn Singleton đã nổ máy chuồn trước. Ông chủ Frank Morgan tất nhiên là biết rất rõ kẻ tấn công mình, vì ở cái thị trấn nhỏ bé này mọi người đều biết nhau. 

Ngay hôm sau, cảnh sát đã tóm được cả John lẫn Singleton. John phải nhận bản án 10 năm tù, còn Singleton là 5 năm.

“Học nghề” trong tù

Trong tù, John không những không quay đầu hướng thiện mà ngược lại có dịp quen biết với rất nhiều thành phần trong giới tội phạm, đặc biệt là Harry Pierpont và Homer Van Meter. Chính Pierpont đã trở thành “sư phụ” của John về nghệ thuật ăn trộm cũng như việc nhòm ngó loại “tiền nhẹ” (tiền nằm trong các ngân hàng).

Ban đầu John vẫn còn phân vân vì muốn quay về sống lương thiện với cô vợ trẻ mà mình rất mực yêu thương. Nhưng mọi chuyện đã thay đổi hẳn kể từ ngày 20/6/1929, khi Beryl đề nghị ly hôn. Từ đây cuộc đời John chuyển sang một chương mới.

Sau khi chuyển đến nhà tù tại thị trấn Michigan-City, bộ ba Pierpont-Meter-John còn lôi kéo được thêm hai thành viên nữa là Walter Dietrix và German Lamm, một cựu sĩ quan trong quân đội Đức. Chính những kiến thức và kinh nghiệm quân sự của Lamm là cơ sở cho việc soạn thảo các chiến thuật của những tên cướp nhà băng tương lai.

Ngày 22/5/1933, sau 4 năm trong trại giam Michigan, John được tạm tha vì có ý thức cải tạo tốt, John rời khỏi trại giam ở Michigan. Được trả tự do, với thái độ ăn năn hối lỗi, John nói với cha rằng muốn trở thành người dân sống tuân thủ theo pháp luật.

Nhưng chỉ vài tuần sau đó, John đã thành lập một băng cướp và tìm đến hai tên trong danh sách mà Pieront cung cấp khi ở trong trại bao gồm William Shaw, Paul Parker, cùng một tên nữa là Noble Claycomb đang là thủ lĩnh của băng đảng White Cap, chuyên đi cướp các của hàng, siêu thị...Nơi đầu tiên Johnnie tham gia cướp là một siêu thị, tất cả số tiền chúng cướp được chỉ là 100 USD.

Cái kết bi thảm của kẻ thù số một nước Mỹ ảnh 1
Cảnh sát treo thưởng cho những ai cung cấp thông tin John Herbert Dillinger

Số tiền quá ít không khiến John hài lòng. Băng cướp tiếp tục tấn công chi nhánh New Carlisle của ngân hàng nhà nước tại New Carlisle, số tiền cướp được là 10 ngàn USD. Tiếp đó là một cửa hàng thuốc, số tiền cướp được gần 4 ngàn USD. Ngày 17/7/1933, John và đồng bọn mới Harry Copeland đột nhập thêm một ngân hàng nhỏ tại thị trấn Daleville, dễ dàng lấy đi gần 4 ngàn USD. 

Vào tháng 9/1933, John và Harry Copeland liên tiếp gây ra những vụ cướp ngân hàng tại bang Ohio và Indiana. Vụ may mắn nhất của chúng là tấn công chi nhánh Massachusetts của ngân hàng nhà nước ở Indianapolis ngày 6/9/1933, với số tiền cướp được lên tới 25 ngàn USD.

Với những khoản tiền cướp được, John bắt đầu lên kế hoạch giải đồng bọn năm xưa ở trong tù. Tuy nhiên, 4 ngày trước cuộc chạy trốn của đồng bọn, John lại bị bắt giữ tại thành phố Dayton (bang Ohio) và được đưa tới nhà tù ở thành phố Lima.

Tuy nhiên đến ngày 12/10, ba tên Harry Pierpont, Charles Mcley và Rachel Clark giả dạng là nhân viên FBI đột nhập đồn cảnh sát khu vực ở Lima. Sau khi bắn chết Cảnh sát trưởng Jessy Sarber, chúng phá khóa giải cứu cho John.

Sau đó, để có nhiều vũ khí cho những vụ cướp ngân hàng, băng cướp này ccòn táo tợn đột kích vào các đồn cảnh sát. Chỉ sau hai vụ tấn công, John và tay chân đã có cả một đống vũ khí. 

Chỉ một thời gian rong ruổi trên đất Indiana, cái tên John Dillinger đã trở thành nỗi kinh hoàng của giới nhà băng và những người giàu có. Ngày 23/10/1933, một nhóm do John cầm đầu đã tổ chức tấn công Central National Bank và cướp đi 75 ngàn USD. Cùng lúc đó, nhóm thứ hai cũng xông vào dọn sạch First National Bank tại thị trấn Brainerd (Minnesota). Chỉ trong một ngày, John và đồng bọn đã bỏ túi hơn 100 ngàn USD. 

Ngày 20/10, John cùng các chiến hữu tấn công American Bank and Trust Company lấy đi 27 ngàn USD. Trong khi đấu súng, chúng đã bắn bị thương trung sĩ Wilbur Hansen và thủ quỹ Harry Graham. Đến vụ tấn công First National Bank tại East-Chicago ngày 15/1/1934, John đã thẳng tay bắn chết viên cảnh sát Wiliam Patrik O”Melly. Sự kiện này đã khóa chặt con đường sống của John vì biết rằng, sát hại một cảnh sát chắc chắn sẽ nhận bản án lên ghế điện.

Nỗi ám ảnh của giới ngân hàng

Tháng 10/1933, lo sợ trước sự hoành hành của băng cướp, Thống đốc bang Indiana đã phải kêu gọi đến sự giúp đỡ của cả vệ binh quốc gia. Khoảng 3.000 người thuộc Cục Điều tra liên bang Edgar cũng tham gia cùng cảnh sát lung sục truy nã John. Tình hình phức tạp đến nỗi, Tổng thống Franklin Roosevelt đã chỉ thị cho Viện trưởng Viện Kiểm sát thông qua những “biện pháp đặc biệt” bằng mọi cách phải tiêu diệt nhóm cướp.

Tháng 3/1934, rất nhiều đồng bọn của John sa lưới. Riêng Pierpont phải kết thúc cuộc đời trên ghế điện, Mcley phải nhận một viên đạn vào lưng trong lúc chạy trốn, còn Clark phải ngồi tù cho đến hết đời. Vào đúng ngày sinh nhật lần thứ 31 của mình (22/6), John chính thức được các nhà chức trách tuyên bố là “kẻ thù số 1 của xã hội” cùng với khoản tiền thưởng cho ai diệt được hắn là 20 ngàn USD. 

Bị săn lùng ráo riết, John quyết định phẫu thuật để thay đổi diện mạo. Ngày 30/61934, John cùng 3 tên đồng bọn khác lại tấn công Merchant"s National Bank cướp đi 30 ngàn USD cùng với mạng sống của viên sĩ quan cảnh sát Howard Wagner.

Nhưng đây là vụ “làm ăn” cuối cùng của băng John. Đến ngày 22/7/1934, John, cô bạn gái Hamilton cùng nhau đi xem phim. Khi bộ phim kết thúc vào lúc 9 giờ tối, John phát hiện bị cảnh sát theo dõi và bỏ chạy. Song mọi chuyện đã quá muộn, John bị cảnh sát bắn 4 viên đạn vào ngực, chết trên đường đến bệnh viện.

Tính ra, John Dillinger đã tổ chức tổng cộng 56 vụ cướp khác nhau, bắn chết 10 người và làm bị thương 7 người khác. Tên cướp dã man này được chôn trong hầm mộ gia đình vào ngày 25/7/1934 tại nghĩa trang Crown Hill (Indianapolis). Có đến gần 5.000 người tới chứng kiến cảnh chôn cất này. Cái chết của John Dillinger khiến người dân Mỹ thở phào nhẹ nhõm, đặt dấu chấm hết cho “Thời đại Gangster” do John khởi xướng. 

Đọc thêm