Cái kết bi thảm của nhóm trộm 'gây án như trong phim'

(PLO) -Nhiều chủ tiệm cầm đồ đều than thở, khi bị cáo Hồng mang xe đến cầm, họ đã kiểm tra rất kỹ các giấy tờ liên quan. Nhưng thấy tất cả các giấy tờ điều trùng khớp, chính chủ nên họ mới nhận cầm cố. Nào ngờ đó lại hoàn toàn là giấy tờ giả. Giấy chứng minh nhân dân mà Hồng sử dụng, được làm giả rất tinh vi, mắt thường không thể nào nhận ra.
Một số đối tượng trong nhóm trộm
Một số đối tượng trong nhóm trộm

Cơ quan chức năng phải đến từng địa phương được ghi rõ trên giấy tờ để xác định cụ thể, đồng thời phải thông qua phòng kỹ thuật hình sự công an tỉnh Thừa Thiên Huế giám định các giấy tờ xe mà nhóm của Hồng sử dụng mới có thể xác định tất cả các giấy tờ trên đều là giả.

Băng siêu trộm xe máy có 5 đối tượng, từng làm mưa làm gió khắp tỉnh Thừa Thiên Huế suốt 3 tháng trời với những vụ trộm xe táo bạo. 19 vụ trộm và 23 xe máy đã bị băng này “cuỗm” mất. 5 đối tượng, thì 1 đối tượng chưa xác định rõ nhân thân, lai lịch; 1 đã treo cổ chết trong trại giam; 1 đang được tại ngoại điều trị bệnh thì qua đời trước ngày tòa mở phiên xét xử.

Phiên tòa sơ thẩm diễn ra vào một ngày cuối tháng 9 do TAND tỉnh Thừa Thiên - Huế tiến hành xét xử chỉ có hai bị cáo Mai Thế Đoan (27 tuổi) và Vũ Thị Hồng (23 tuổi, đều quê tại tỉnh Thanh Hóa). Cả hai bị cáo bị VKS nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế truy tố về tội “trộm cắp tài sản”.

Đường dây “khép kín”

Trong khoảng thời gian giữa tháng 7/2016, Nguyễn Văn Dũng (SN 1966, trú ở Đà Nẵng) cùng vợ là Vũ Thị Hồng và hai con nhỏ từ thành phố Đà Nẵng ra tỉnh Thừa Thiên Huế thuê phòng trọ tại huyện Phú Vang để cùng với đồng bọn thực hiện hành vi trộm cắp xe máy. 

Để thuận tiện cho việc trộm cắp, cất giấu tang vật phạm tội, vợ chồng Dũng còn thuê thêm một nhà trọ tại thị xã Hương Thủy. Sau khi trộm cắp được tài sản, bọn chúng đều đem về nhà trọ để cất giấu. Dũng tự thay đổi số khung, số máy và biển kiểm soát xe rồi đem gửi tại nhà giữ xe bệnh viện TW Huế và bệnh viện thị xã Hương Thủy nhằm tránh bị cơ quan Công an và chủ phương tiện phát hiện.

Để tiêu thụ được những tài sản mà mình và đồng bọn đã trộm cắp, Dũng chở vợ đi chụp ảnh căn cước. Sau đó tiến hành làm các giấy chứng minh nhân dân giả có dán ảnh của Hồng, nhưng mang các tên khác như Nguyễn Thị Hương (SN 1992, trú tại Tây Thượng, Phú Thượng, Phú Vang), Nguyễn Thị Hiền (SN 1990, trú Nguyễn Văn Linh, phường Hương Sơ, TP Huế)…

Dũng liên hệ với một đối tượng không rõ lai lịch tại TP HCM để làm giả giấy chứng nhận đăng ký xe mô tô tương ứng có số máy, số khung và biển kiểm soát phù hợp với các tên giả theo chứng minh nhân dân, và dặn Hồng khi cầm cố xe mô tô cứ lấy lý do là con đau để chữa bệnh, không có tiền ra quê  và cứ hẹn khoảng 10 ngày đến 1 tháng sẽ chuộc lại xe. Còn giá cầm mỗi chiếc xe, Dũng sẽ nói với Hồng trước khi mang xe đi cầm cố.

Sau khi Hồng đã tập viết và tập ký theo tên trong giấy tờ một cách nhuần nhuyễn, Dũng chở Hồng và đem theo con nhỏ đến Bệnh viện TW Huế, bệnh viện thị xã Hương Thủy để lấy xe đã gửi trước đó, rồi đem cầm cố tại các tiệm cầm đồ như kịch bản đã vạch sẵn. Số tiền có được từ việc cầm cố xe, Dũng chia cho đồng bọn, còn lại thì vợ chồng cùng nhau tiêu xài hết.

Trong khoảng thời gian từ 20/7/2016 đến 17/10/2016, Nguyễn Văn Dũng đã cùng đồng bọn là Vũ Thị Hồng, Vũ Văn Thành, Mai Thế Đoan và tên Lân (chưa rõ lai lịch) đã liên tục thực hiện 19 vụ trộm cắp. Tài sản chiếm đoạt được là 23 xe máy các loại, với tổng giá trị tài sản bị chiếm đoạt hơn 457,49 triệu đồng.

Trong đó, Nguyễn Văn Dũng thực hiện 19 vụ trộm cắp, chiếm đoạt 23 xe mô tô, với tổng giá trị tài sản là 457,49 triệu đồng; Mai Thế Đoan thực hiện 12 vụ trộm cắp, chiếm đoạt 15 xe mô tô, với tổng giá trị 247,7 triệu đồng; Vũ Văn Thành tham gia thực hiện 5 vụ trộm cắp, chiếm đoạt 6 xe mô tô với tổng giá trị là 76 triệu đồng.

Một thẻ căn cước giả do đối tượng Dũng chế tạo
Một thẻ căn cước giả do đối tượng Dũng chế tạo

Chủ mưu tự sát trong trại giam

Dũng từng phải chấp hành án tù về tội “cướp tài sản”. Trong thời gian thi hành án tại trại giam Gia Nghĩa (Gia Lai), Dũng quen thân với Vũ Văn Thành cũng thụ án cướp tài sản tại đây. Sau khi ra tù, Dũng không trở về Đà Nẵng mà có một thời gian dài sống lang thang tại bến xe Miền Đông. Vốn quen chơi, lười lao động, thiếu tiền tiêu khiến Dũng nảy sinh ý định lập nhóm đi trộm xe máy. Dũng gọi điện rủ Thành và được Thành đồng ý tham gia.

Sau khi Dũng – Thành hợp tác thực hiện nhiều vụ trộm thành công, trong một lần chạy xe trên đường, Thành không may gặp tai nạn giao thông, bị thương nặng, phải điều trị suốt thời gian dài. Thiếu đồng bọn, Dũng liền rủ anh rể của vợ mình là Mai Thế Đoan và tên Lân (không rõ lai lịch, ở TP HCM) tiếp tục cùng mình đi gây án. 

Hàng loạt vụ trộm táo tợn do băng nhóm của Dũng gây ra, khiến cơ quan chức năng đau đầu. Bao nhiêu “thiên la địa võng” được cơ quan chức năng giăng ra, chỉ chờ nhóm của Dũng chui đầu vào sẽ bị hốt gọn. Như thể đánh hơi được mối nguy hiểm. Dũng liền dời địa bàn hoạt động sang tỉnh lân cận là Quảng Trị.

Trong một lần đang thực hiện phi vụ trộm cắp tại huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, Dũng bị công an tỉnh Quảng Trị bắt giữ. Ngay sau đó, Dũng bị công an huyện Triệu Phong khởi tố hình sự, khởi tố bị can và bắt tạm giam về hành vi “trộm cắp tài sản”. Thời gian này, đồng bọn của Dũng ở Huế cũng bị công an tóm gọn.

Dũng bị tạm giam khoảng 3 tháng tại nhà tạm giữ công an huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Đến ngày 1/2/2017, Dũng đã thắt cổ tự sát trong trại giam. Tại bản kết luận giám định pháp y về tử thi của Trung tâm pháp y tỉnh Quảng Trị kết luận, Dũng chết do ngạt thở cơ học. Sau khi Dũng chết, cơ quan cảnh sát điều tra công an tỉnh Thừa Thiên Huế đã ra quyết định đình chỉ điều tra bị can đối với bị cáo Dũng.

Lại nói đến đối tượng Thành, sau một thời gian dài điều trị do bị tai nạn giao thông, ngày 8/9/2017, Thành cũng qua đời trước khi phiên tòa sơ thẩm kịp mở. Vì vậy, TAND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ra quyết định đình chỉ vụ án đối với bị cáo Vũ Văn Thành.

Chủ tiệm cầm đồ cũng “sập bẫy”

Phiên tòa sơ thẩm do TAND tỉnh xét xử chỉ còn lại hai bị cáo Vũ Thị Hồng và Mai Thế Đoan. Khán phòng rộng thênh thang của tòa án tỉnh hôm ấy chật ních người. Họ là 42 bị hại và người có liên quan trong vụ án ngồi chen chúc trong khán phòng. 

Nhiều chủ tiệm cầm đồ đều than thở, khi bị cáo Hồng mang xe đến cầm, họ đã kiểm tra rất kỹ các giấy tờ liên quan. Nhưng thấy tất cả các giấy tờ điều trùng khớp, chính chủ nên họ mới nhận cầm cố. Nào ngờ đó lại hoàn toàn là giấy tờ giả. Giấy chứng minh nhân dân mà Hồng sử dụng, được làm giả rất tinh vi, mắt thường không thể nào nhận ra.

Cơ quan chức năng phải đến từng địa phương được ghi rõ trên giấy tờ để xác định cụ thể, đồng thời phải thông qua phòng kỹ thuật hình sự công an tỉnh Thừa Thiên Huế giám định các giấy tờ xe mà nhóm của Hồng sử dụng mới có thể xác định tất cả các giấy tờ trên đều là giả.

Một điều tra viên kể lại, trong quá trình thực nghiệm hiện trường. Nhiều ngôi nhà rộng thênh thang, bước vào trong là khó có thể tìm được lối ra, nhưng các bị cáo vào ra như “đi chợ”, rành rẽ từng đường đi nước bước. Có đêm, Dũng và Thành đi hai người, nhưng trộm trong một nhà một lúc 3 chiếc xe. Những xe đẹp, các đối tượng này sẽ mang đi cầm cố. Riêng xe xấu, thì vứt một xó trong căn nhà được chúng thuê làm kho chứa xe ăn trộm.

Bị cáo Đoan có hai con. Lớn nhất mới 5 tuổi, nhỏ nhất mới 3 tuổi. Trước khi tham gia vào đường dây trộm xe của Dũng, Đoan ở nhà làm ruộng, chưa từng có tiền án tiền sự. Bị cáo Hồng có 2 con. Lớn nhất mới 3 tuổi, nhỏ nhất mới 1 tuổi. Nhà Hồng nghèo. Một mình nuôi hai con nhỏ, nên cuộc sống vô cùng khó khăn. Hồng được tại ngoại do có con nhỏ. Mỗi lần được cơ quan chức năng triệu tập vào Huế phục vụ điều tra, Hồng lại lặn lội bắt xe từ Thanh Hóa vào. Lúc trở về, lại được vài điều tra viên dúi cho ít tiền để có lộ phí đi đường, mua sữa cho con, vì Hồng nghèo rớt mồng tơi, chẳng có đồng nào trong túi.

Tại phiên tòa sơ thẩm, Đoan cho rằng mình không phạm tội trộm cắp, vì bị cáo chỉ đứng bên ngoài canh cửa, chứ không trực tiếp vào dắt xe. Tuy nhiên, tòa cho rằng, bị cáo Đoan là người giúp sức tích cực, nên phải chịu trách nhiệm với vai trò đồng phạm. Trong vụ án này, Nguyễn Văn Dũng là người khởi xướng, chủ mưu, cầm đầu và trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội, nên chịu trách nhiệm chính.

Đoan và Thành là những người giúp sức tích cực, nên phải chịu trách nhiệm với vai trò đồng phạm. Nhưng Dũng và Thành đã chết nên đã được đình chỉ bị can, đình chỉ vụ án đối với hai đối tượng này. Bị cáo Hồng biết trước Dũng và đồng bọn thường xuyên thực hiện hành vi trộm cắp xe rồi đưa về nhà cất giấu, nên hành vi của Hồng đồng phạm với tội “trộm cắp tài sản” do đồng bọn gây ra.

Phiên tòa xét xử vụ án “trộm cắp tài sản” kéo dài quá 12 giờ trưa mới tuyên án. Sau khi cân nhắc các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, tòa tuyên phạt bị cáo Đoan 10 năm tù giam. Phạt bị cáo Hồng 7 năm tù giam.

Một điều tra viên kể lại, trong quá trình thực nghiệm hiện trường. Nhiều ngôi nhà rộng thênh thang, bước vào trong là khó có thể tìm được lối ra, nhưng các bị cáo vào ra như “đi chợ”, rành rẽ từng đường đi nước bước. Có đêm, Dũng và Thành đi hai người, nhưng trộm trong một nhà một lúc 3 chiếc xe. Những xe đẹp, các đối tượng này sẽ mang đi cầm cố. Riêng xe xấu, thì vứt một xó trong căn nhà được chúng thuê làm kho chứa xe ăn trộm.

Đọc thêm