Cai Lậy (Tiền Giang): Tổ chức lễ giỗ ông Phan Văn Khỏe lần thứ 78

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ngày 12/3 (nhằm mùng 3/2 âm lịch), tại Nhà tưởng niệm Phan Văn Khỏe xã Mỹ Hạnh Đông, thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang diễn ra lễ giỗ ông Phan Văn Khỏe lần thứ 78 (1946 – 2024).
Năm 1946, ông Phan Văn Khỏe anh dũng hy sinh và ngày 30/5/1998, ông được Chủ tịch nước truy tặng “Huân chương Hồ Chí Minh” - Huân chương cao quý của Đảng và Nhà nước ta.
Năm 1946, ông Phan Văn Khỏe anh dũng hy sinh và ngày 30/5/1998, ông được Chủ tịch nước truy tặng “Huân chương Hồ Chí Minh” - Huân chương cao quý của Đảng và Nhà nước ta.

Lễ giỗ ông Phan Văn Khỏe được tổ chức theo nghi thức truyền thống từ nhiều năm qua trên quê hương thị xã Cai Lậy anh hùng, tỉnh Tiền Giang. Trong giờ phút thiêng liêng của Lễ giỗ lần thứ 78 của ông, các đại biểu và đông đảo các tầng lớp Nhân dân đã thành kính dâng hương tưởng niệm, bày tỏ lòng biết ơn đối với ông.

Đây còn là dịp đặc biệt để Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thị xã Cai Lậy nói riêng và tỉnh Tiền Giang nói chung tri ân công lao, đóng góp to lớn của ông đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, qua đó củng cố và bồi đắp niềm tin đối với Đảng, Nhà nước.

Ngày nay, để bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với những cống hiến và anh dũng hy sinh trong cuộc kháng chiến trường kỳ, cứu nước vĩ đại và xây dựng nền độc lập cho dân tộc của ông, UBND thị xã Cai Lậy đã xây dựng Nhà tưởng niệm Phan Văn Khỏe tại ấp Mỹ Bình, xã Mỹ Hạnh Đông, là nơi thờ tự và thăm viếng cho nhân dân trong vùng cũng như thân nhân ông.

Ông Phan Văn Khỏe sinh ra và lớn lên ở làng Mỹ Hạnh Đông, quận Cai Lậy, tỉnh Mỹ Tho (nay là xã Mỹ Hạnh Đông, thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang). Năm 1928 ông bắt đầu tham gia hoạt động cách mạng. Đầu năm 1930, ông là một trong những Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên ở quận Cai Lậy.

Từ năm 1933 đến 1940 ông đảm nhiệm các chức vụ: Phó Bí thư Tỉnh ủy Mỹ Tho, Xứ ủy viên Nam kỳ,Ủy viên Ban Thường vụ Xứ ủy Nam Kỳ, Bí thư Tỉnh ủy Mỹ Tho.

Tháng 3/1940, Ban Thường vụ Xứ ủy Nam Kỳ thảo ra đề cương chuẩn bị bạo động, giao ông chỉ đạo thiết kế lá cờ Mặt trận thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương (cờ đỏ sao vàng năm cánh, Quốc kỳ nước ta hiện nay).

Tháng 11 năm 1940, ông tham gia lãnh đạo cuộc khởi nghĩa và thành lập chính quyền cách mạng ở tỉnh Mỹ Tho. Đầu năm 1941, ông là Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ. Giữa năm 1941 trên đường đi công tác từ tỉnh Mỹ Tho qua tỉnh Bến Tre, đồng chí bị giặc bắt, sau đó kết án đày ra Côn Đảo.

Cách mạng tháng 8/1945 thành công, ông về tiếp tục công tác ở tỉnh Mỹ Tho, là Đặc phái viên của Xứ ủy Nam Bộ. Đầu tháng 3/1946, trên đường đi công tác từ quận Cai Lậy đến quận Cái Bè, ông bị giặc bắt. Đêm mùng 7/3/1946, giặc sát hại ông ở gò Bà Đội Phận – nghĩa địa phía Đông chợ Cai Lậy.

Những cống hiến của ông đối với sự nghiệp cách mạng đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận và tôn vinh. Theo đó, ngày 30/5/1998,ông được Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh.

Đọc thêm