Nhiều vở hay được công diễn
Mới đây, vở cải lương Thái hậu Dương Vân Nga đã được công diễn tại Nhà hát Bến Thành, TPHCM vào hai đêm 6/5 và 13/5 trong sự hào hứng của khán giả mộ điệu. Ngay ở đêm công diễn đầu tiên, các hàng ghế nhà hát Bến Thành đã kín khách. Và trong suốt đêm diễn, những tràng vỗ tay tán thưởng liên tục vang lên. Tinh thần yêu nước và tính lịch sử, tính thời đại của vở diễn hào hùng đã khiến nhiều khán giả lặng người vì xúc động.
Sự chú ý của khán giả không chỉ đến từ vở cải lương kinh điển Thái hậu Dương Vân Nga tái xuất sau 30 năm. Đó còn là sự ghi nhận của công chúng đối với sự nỗ lực của thế hệ nghệ sĩ sau này đối với nghệ thuật cải lương. Đạo diễn Hoa Hạ và nghệ sĩ Kim Ngân - con gái cố nghệ sĩ Kim Ngọc đã tự bỏ tiền túi khoảng 800 triệu đồng đầu tư cho vở diễn mà không mong lấy lại lợi nhuận. Đó còn là sự đầu tư về công sức khi vị đạo diễn đã đem những sáng tạo mới, những ekip nghệ sĩ không thuộc cải lương như diễn viên hài, ca sĩ cũng được mời góp mặt trong vở diễn, nhằm đem đến sự mới lạ, cũng như kéo gần cải lương đến với công chúng đương đại.
Trước đó không lâu, vở cải lương Thầy Ba Đợi cũng đã ra mắt khán giả TPHCM tại nhà hát Bến Thành. Đây là vở cải lương được dàn dựng nghiêm túc, quy mô nhằm kỉ niệm một thế kỉ nghệ thuật cải lương Việt Nam, với sự tham gia biểu diễn của hơn 60 nghệ sĩ sân khấu cải lương ba miền Bắc - Trung - Nam thuộc nhiều thế hệ. Vở diễn cũng đã nhận được sự ủng hộ nhiệt liệt của khán giả và tiếp tục lên đường công diễn ở các địa phương khác như Long An và mới đây là tại Hà Nội để phục vụ khán giả mộ điệu Thủ đô.
Cuối tháng 3/2018, vở diễn Đường gươm Nguyên Bá tại Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang cũng được đông đảo khán giả đến thưởng thức. Ngay tại buổi công chiếu đầu tiên, một sự kiện khá “hi hữu” trong làng cải lương đã xảy ra, là vở diễn bị một khán giả live stream và đăng lên facebook cho cộng đồng mạng cùng xem.
Yêu cải lương, không chỉ thế hệ trước
Điều đáng mừng là trong số những khán giả đến xem những buổi công diễn, ủng hộ và quan tâm đến nghệ thuật cải lương không chỉ có những khán giả thế hệ trước. Khá nhiều bạn trẻ thế hệ 8X, 9X cũng có mặt trong các buổi công diễn, hay chia sẻ thông tin và bày tỏ sự yêu thích đến bộ môn nghệ thuật có vẻ “kén” khán giả và dường như “chỉ dành cho người già” như nhiều quan niệm trước đây. Những lớp dạy cải lương vẫn được mở, và dù không nhiều, vẫn có những người trẻ tâm huyết theo học, kế thừa lớp nghệ sĩ đi trước.
Phan Lê Trung Tín, chủ nhân kênh Youtube Hẻm Radio đang được giới trẻ yêu thích là một người trẻ thuộc thế hệ 8X, cũng là một người con của Tiền Giang, miền Tây, cái nôi của cải lương. Ngay từ nhỏ, cải lương đã thấm vào trong những giấc ngủ, từ trong câu hát của cha mẹ, ông bà. Để rồi, khi trưởng thành, lập nghiệp, thành danh ở Sài Gòn, nhưng trong anh vẫn được nuôi dưỡng bởi những điệu cải lương thân thương. Tín là một trong những người trẻ luôn tích cực truyền cảm hứng về nghệ thuật cải lương.
Trên kênh Hẻm Radio của mình, Phan Lê Trung Tín đã có nhiều bài giới thiệu về lịch sử, văn hóa cũng như tiểu sử của những nghệ sĩ gạo cội của sân khấu cải lương với mong muốn phần nào các bạn trẻ có thể tiếp cận, cảm nhận và tích lũy được những kiến thức quý báu từ loại hình nghệ thuật dân tộc. “Theo tôi, một trong những lý do khiến cải lương lâm vào cảnh khó khăn là do các sàn diễn đã thiếu tính chiến lược, cách làm việc vẫn còn manh mún, đơn lẻ. Những người làm cải lương dường như đã quên mất việc đào tạo đội ngũ kế thừa, từ tác giả, đạo diễn, cho đến diễn viên, nhạc sĩ – đàn. Do vậy, sàn diễn cải lương vẫn luôn lâm vào cảnh thiếu nhân tài, thiếu ngôi sao sân khấu.
Cải lương, theo đúng như tên gọi của nó, là một loại hình nghệ thuật cần phải “cải cách” theo thời gian, như một chiếc gạch nối giữa quá khứ và tương lai. Nhưng hiện tại, cải lương vẫn rất ít các tác phẩm mới, phù hợp thời đại, các nghệ sĩ bây giờ chỉ hát lại những vở diễn cũ đã ghi dấu ấn rất sâu đậm trong lòng khán giả bởi những tên tuổi gạo cội khác.
“Tôi nghĩ cải lương vẫn có thể sống được trong lòng công chúng, bởi đây là một loại hình nghệ thuật đã gắn liền với văn hóa dân tộc Việt Nam, nhưng khó có thể trở lại thời hoàng kim nếu như chúng ta không có những phương án để vực dậy. Cải lương cần phải được đầu tư đúng mức bằng những tác phẩm hay, mới mẻ, đi kịp với thời đại, sân khấu cần đổi mới nhiều hơn, đẹp và bắt mắt hơn, các vở diễn được dàn dựng công phu, hoành tráng hơn…”, Phan Lê Trung Tín chia sẻ những tâm huyết của mình với tư cách một người yêu và hiểu về nghệ thuật cải lương.
Và những chia sẻ ấy cũng đúng là những hiện trạng của cải lương hiện nay. Một điều rất đáng buồn và tiếc là, dù bao tâm huyết, bao dự án để vực dậy thì thực tế là trước mắt, nghệ sĩ cải lương, người yêu cải lương Sài Gòn vẫn chưa thực sự có được một “mái nhà”, những đêm diễn vẫn phải dời hết chỗ này đến chỗ khác, khi mà bao tiền bạc đầu tư vào Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang để rồi đem lại một nhà hát… không dành cho cải lương.