3 năm thực hiện Nghị quyết 19 (NQ 19) của Chính phủ, thứ hạng MTKD của Việt Nam đã liên tục được cải thiện, năm 2016 đã tăng được 9 bậc, từ thứ 91 lên 82- mức cải thiện nhiều nhất kể từ năm 2008.
Còn xa so với mục tiêu
Theo TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế TW (CIEM), nhìn lại việc thực NQ 19 của các năm trước, nhiều nhiệm vụ đặt ra vẫn chưa có kết quả hoặc chưa được thực hiện, trong đó còn rất nhiều văn bản đã nêu liên tục trong các NQ 19 vẫn chưa bổ sung, sửa đổi theo yêu cầu của NQ. Vì vậy, nếu so với mục tiêu Asean 4 thì chúng ta phải xếp thứ 43. “Như vậy mới đạt được một nửa, khoảng cách còn lại là rất lớn”- Viện trưởng CIEM bình luận. Viện trưởng CIEM cũng thẳng thắn khi cho rằng vai trò của Hội đồng Quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao NLCT còn rất mờ nhạt, ngoại trừ Chủ tịch Hội đồng là Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam…
Nhận định, “tốc độ triển khai thực hiện NQ 19 còn rất chậm; kết quả đạt được hàng năm chỉ là một phép cộng giản đơn, tính trên đầu ngón tay”, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đặng Huy Đông cho rằng:“Một rào cản đối với DN được xóa bỏ, một thay đổi tạo thêm thuận lợi cho DN là kết quả của nỗ lực kiên trì, không mệt mỏi trong nhiều năm của nhiều bên, nhất là của cộng đồng DN. Do đó, chúng ta chưa đạt được mục tiêu đề ra, chưa thu hẹp được khoảng cách về chất lượng MTKD và NLCT so với các quốc gia trong khu vực…”.
Theo Viện trưởng CIEM, một trong những thách thức khi triển khai NQ 19 là công chức có liên quan nói riêng và bộ máy quản lý nhà nước (QLNN) nói chung vẫn còn thụ động, trì trệ, rất ít đổi mới, sáng tạo. “Câu trả lời thường nghe nhất về một vấn đề cụ thể, về vướng mắc của DN là “chúng tôi làm đúng theo quy định”; ít quan tâm đến các vấn đề, khó khăn đối với DN do chính các quy định, văn bản cụ thể tạo ra. Luôn cho rằng phần đúng thuộc về cơ quan nhà nước…”- ông Cung phát biểu. Theo ông, các cơ quan QLNN rất ít khi chủ động đề xuất bổ sung, sửa đổi các quy định có liên quan để tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi và giảm chi phí cho DN, những bổ sung, thay đổi vừa qua trước hết và chủ yếu do sức ép từ DN, từ chỉ đạo của Chính phủ và từ dư luận xã hội.
Cùng nhau có niềm tin hướng về phía trước …
NQ 19 được đánh giá rất toàn diện, bao phủ hết các yếu tố của MTKD và NLCT quốc gia; sử dụng đồng thời 04 đánh giá xếp hạng toàn cầu (đánh giá, xếp hạng về Mức độ thuận lợi kinh doanh của Ngân hàng Thế giới; đánh giá, xếp hạng về NLCT quốc gia của Diễn đàn kinh tế Thế giới; đánh giá, xếp hạng về Năng lực đổi mới sáng tạo của Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới; và đánh giá, xếp hạng Chính phủ điện tử của Liên Hợp quốc). Đặc biệt, NQ này gắn trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương với 253 chỉ tiêu cụ thể. Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, nếu thực hiện tốt NQ 19 không chỉ giải quyết trước mắt những bức xúc của DN mà sẽ gián tiếp cải thiện MTKD, nâng cao NLCT…
“Tinh thần của Chính phủ là tiếp cận theo thế giới và ngày càng cụ thể, giải quyết ngay trước mắt và lâu dài. Trong 253 chỉ tiêu phải đo được, đếm được và có giám sát. Tiếng nói của DN không phải chỉ đến các cấp mà còn được trao đi đổi lại, đối thoại. Chính phủ thực sự muốn nghe và không phải nghe để đấy. Về phía DN, Hiệp hội không chỉ phản ánh mà Chính phủ mong muốn kiến nghị sửa đổi…”- Phó Thủ tướng lưu ý.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu phải siết lại kỷ cương. Ông cho rằng cán bộ công chức không hẳn kém về năng lực mà do thói quen, “Có những cái mình cứ tưởng là làm tốt rồi. Ngay cả đăng ký qua mạng, có chữ ký số nhưng do thói quen vẫn cứ phải giấy, có dấu đỏ… Hay anh em ở Sở KH& ĐT Hà Nội hôm qua tôi đi thăm có rất nhiều cán bộ nói tiến bộ nhưng hỏi trực tiếp DN làm có mất chi phí không, DN trả lời có, có DN nói chuyện đó tế nhị không nói được. Điều đó cho thấy có nhiều nơi vẫn còn tiêu cực…”- Phó Thủ tướng dẫn chứng và đề nghị “Chúng ta làm tốt nhưng còn có thể làm tốt hơn…”.
“Tất cả chúng ta nếu là DN, công dân của nước cứ nghèo mãi là không được, chúng ta hãy cùng nhau có niềm tin hướng về phía trước…”- Phó Thủ tướng thắp lửa./.