Cám cảnh hàng hiệu như hàng chợ

(PLO) - Cạnh tranh không lành mạnh đang diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau. Trong đó, hình thức bán hàng hiệu không xuất hoá đơn của nhiều doanh nghiệp đang khiến những doanh nghiệp làm ăn chân chính điêu  đứng vì không đủ sức cạnh tranh.
Không xuất hoá đơn là một chiêu kinh doanh mang lại lợi nhuận khủng cho kinh doanh hàng hiệu
Không xuất hoá đơn là một chiêu kinh doanh mang lại lợi nhuận khủng cho kinh doanh hàng hiệu

Do đó, để tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng, không chỉ doanh nghiệp mà ngay cả người dân, cần phải tuân thủ quy định pháp luật. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần có chế tài giám sát chặt chẽ hơn để kiểm tra giám sát, không chỉ kinh doanh hàng hiệu, mà ngay cả những hàng hóa thông thường trên thị trường. Đó là ý kiến của đa số doanh nghiệp và một số cơ quan chức năng trong buổi hội thảo “Cạnh tranh hàng hiệu không xuất hóa đơn GTGT” diễn ra sáng nay (7/5) tại TP.HCM.

Bỏ túi cả trăm triệu một mặt hàng 

Theo Trung tâm trọng tài thương mại luật gia Việt Nam (VLCAC) – đơn vị tổ chức hội thảo, thị trường kinh doanh hàng hiệu như mỹ phẩm, quần áo, giày dép, túi xách, đồng hồ... đang diễn ra khá phức tạp. Hầu hết những sản phẩm này tồn tại trên thị trường trong nhiều năm qua dưới danh nghĩa hàng xách tay. Nhưng dường như việc cơ quan chức năng kiểm tra, kiểm soát về giá cả, thuế, nguồn gốc, quản lý thị trường... hầu như bị buông lỏng. Điều này đã gây thiệt hại rất lớn cho doanh nghiệp tuân thủ pháp luật kinh doanh và có trách nhiệm nộp thuế đầy đủ cho ngân sách nhà nước.

Bằng hình thức lách luật khôn khéo như khai giá thấp tại cửa khẩu hải quan, nhờ người quen xách tay, khai giảm số lượng... các DN làm ăn kiểu gian lận này có khi bỏ túi tới hàng trăm triệu đồng trên một sản phẩm hàng hiệu. Khi bán ra thị trường cho người tiêu dùng, DN không tiến hành xuất hoá đơn GTGT mà chỉ xuất hoá đơn bán lẻ. Nếu người tiêu dùng có nhu cầu hoá đơn GTGT và cần hoàn thuế thì sẽ được nhân viên cửa hàng hẹn ngày khác đến lấy và xin phụ thu phần trăm trên hóa đơn.

Như vậy, với nhiều khách hàng không quan tâm đến hóa đơn GTGT mà chỉ quan tâm đến thương hiệu, giá cả sản phẩm và chất lượng bảo hành toàn cầu như nhau, nhưng giá lại thấp hơn cửa hàng khác thì xem như lợi nhuận của doanh nghiệp này tăng vùn vụt vì không phải đóng thuế đầu vào và đầu ra cho ngân sách nhà nước.

 Luật sư Nguyễn Văn Hậu – Chủ tịch VLCAC cho rằng: “Người tiêu dùng Việt Nam quá thiệt thòi. Thay vì những hàng hoá không hoá đơn chứng từ phải được mang đi tiêu huỷ để tránh sự nhầm lẫn vì có thể là hàng giả hàng nhái thì tại Việt Nam, điều này lại đang diễn ra công khai, nói nôm na, hàng hiệu không hoá đơn trên góc độ nào đó đang được cơ quan ban ngành công nhận. Việc bán hàng không xuất hoá đơn VAT đang là chuyện diễn ra rất phổ biến.

 Không chỉ là hàng hiệu, những mặt hàng thông thường đang giao dịch trên thị trường hầu hết đều không được xuất hoá đơn. Điều này vô hình chung tạo ra một thói quen không lành mạnh. Và trên hết, đó là thất thu một khoản lớn về ngân sách mà chủ yếu là thuế. Chuyện tưởng chừng rất nhỏ nhưng lại là rất lớn...”. Luật sư Nguyễn Văn Hậu nhận định.

Vô tư "vượt đèn đỏ"

Đại diện cơ quan thuế TP.HCM, ông Nguyễn Văn Thiện cho biết: Luật đã quy định cụ thể về lập hóa đơn khi mua bán hàng hóa và cung cấp dịch vụ cũng như quy định quyền và nghĩa vụ của người mua yêu cầu bên bán cung cấp hóa đơn GTGT. Tuy nhiên, người mua hàng thường hay dễ dãi không yêu cầu xuất hoá đơn vì giá cả thấp hơn nhiều. Điều này đã tạo ra một thói quen. Nắm được những lỗ hổng này này, cơ quan thuế đang tiến hành thực hiện một đề án để quản lý về vấn đề thu thuế này, đặc biệt là kinh doanh qua thương mại điện tử.

Bà Jessica Vân đại diện Công ty Vinatras đề nghị cơ quan chức năng cần phải có giải pháp để kiểm tra giá trị thực tế của hàng hóa nhập khẩu, tránh tình trạng khai giá thấp để tránh thuế để tránh thuế. Bên cạnh đó, cần có phương án phù hợp giúp doanh nghiệp giảm giá trị đầu vào, trong đó có các loại thuế phí... giúp doanh nghiệp tăng sức cạnh tranh tại thị trường Việt Nam.

Cũng theo đại diện nhiều doanh nghiệp, với cách quản lý bấp bênh như hiện nay nhiều doanh nghiệp kinh doanh chân chính rất khó để cạnh tranh với các doanh nghiệp trốn thuế. Do đó, để cạnh tranh và tồn tại, nhiều doanh nghiệp từ việc làm ăn chân chính buộc phải “vượt đèn đỏ”, chuyển sang buôn bán những mặt hàng không nguồn gốc, trốn thuế hay còn gọi là hàng xách tay. Tình trạng này diễn ra ngày càng nhiều và ngày càng phổ biến.

Mặc dù luật đã quy định khá cụ thể, có các chế tài xử phạt nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn ngang nhiên bằng nhiều hình thức tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến hoạt động kinh doanh của đối thủ cạnh tranh... Nếu để tình trạng này tiếp tục diễn ra nó sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sự nghiêm minh của pháp luật mà hệ lụy để lại của nó cũng vô cùng nghiêm trọng... Đại diện VLCAC kết luận.

Đọc thêm