Khoản 6, Điều 134 về tội cố ý gây thương tích quy định: Người nào chuẩn bị hung khí, a-xít nguy hiểm, hóa chất nguy hiểm hoặc thành lập hoặc tham gia nhóm tội phạm nhằm gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
ĐBQH Nguyễn Hữu Cầu đề nghị sửa lại là người nào chuẩn bị ‘hung khí nguy hiểm’ chứ không phải là ‘hung khí’.
Ông phân tích: Nếu chúng ta quy định là hung khí thì tội phạm chuẩn bị trong giai đoạn này là rất nhiều, thực sự không bao giờ làm nổi. Theo Nghị quyết 02 năm 2003 quy định hung khí gồm hai loại: Một là vũ khí gồm có như trong Luật về quản lý vũ khí vật liệu nổ. Hai là những phương tiện có sẵn trong tự nhiên, ví dụ như gậy cứng, gỗ, gạch, đá.
Nếu giả sử không phải là hung khí nguy hiểm thì trong những trường hợp này chúng ta đưa vào quy định trong Bộ luật hình sự thì sẽ mâu thuẫn với Khoản 2, Điều 8 của Bộ luật Hình sự.
Khoản 2, Điều 8 quy định như sau: Những hành vi tuy có dấu hiệu của tội phạm nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể thì không phải là tội phạm và được xử lý bằng biện pháp khác. Ví dụ có một cháu thấy bạn mình bị đánh, nó đến lấy một chiếc gậy ở ngay bờ rào để tấn công đối tượng đánh bạn nó, nhưng không may chiếc gậy này là gậy mục thì đấy có phải là vũ khí không, đấy có phải là hung khí không.
Từ góc độc của người công tác trong ngành công an, ĐBQH Nguyễn Hữu Cầu nói: “Chúng tôi là những người công an đi dẹp an ninh trật tự, khi có đông người, nhiều đối tượng dùng đá để tấn công lại lực lượng công an.. Nếu chúng ta bắt xử lý những người đang cầm đá để định đánh chúng tôi thì không bao giờ xử lý xuể, bởi vì đá, gạch cũng là những hung khí trong tự nhiên, cho nên nếu chúng ta quy định chỉ là hung khí, tôi cho rằng quá tràn lan và không xử lý nổi.”
Cũng từ thực tế ông cho biết lực lượng 113, lực lượng cảnh sát cơ động hàng ngày bắt các nhóm tội phạm đi thanh toán lẫn nhau, thu được cả dao, kiếm nhưng chưa gây ra hậu quả cũng không xử lý được hành vi cố ý gây thương tích.
Bởi vì hành vi này được cấu thành vật chất phải có tội phạm xảy ra, có hậu quả tác hại mới xử lý được.
Ví dụ cụ thể hơn, ông nói: Nếu có một người dùng một chiếc kéo. Đấy là hung khí. Nếu đâm một cái cho một người phạm tội nhưng thương tích mới có 10% có nghĩa là không cấu thành tội phạm. Vậy chiếc kéo ấy dùng để chuẩn bị đi phạm tội đánh người khác thì chúng ta có tính đó là hung khí không? Đương nhiên chúng ta phải tính đó là hung khí nhưng không nguy hiểm.
Phân tích sự bất cập rõ hơn, ông ví dụ thêm: “Một người con dao định đi đánh nhau. Thế nhưng bây giờ chưa đâm là bị phạm tội rồi thì họ sẽ cố đâm một cái nhè nhẹ để thương tích mới được khoảng 3% , như thế sẽ không bị xử lý bằng hình sự. Vậy chúng ta nói như thế nào về chuyện này?”
Từ những lý lẽ của mình, ĐB đề nghị ban soạn thảo phải tính lại, đọc lại Khoản 2, Điều 8 của luật này. Những hành vi có dấu hiệu của tội phạm nhưng tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội không đáng kể thì xử lý bằng biện pháp khác..