Cấm dạy thêm, học thêm thế nào cho hiệu quả?

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) mới ban hành dự thảo Quy định chấn chỉnh việc dạy thêm, học thêm (DTHT). Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng rồi đây mọi chuyện sẽ... như cũ.

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) mới ban hành dự thảo Quy định chấn chỉnh việc dạy thêm, học thêm (DTHT). Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng rồi đây mọi chuyện sẽ... như cũ.

Vẫn dễ "lách" luật?

Nội dung đáng chú ý trong dự thảo quy định là vấn đề DTHT đối với học sinh tiểu học, kể cả trong kỳ nghỉ hè. Nội dung này được nhiều phụ huynh học sinh tiểu học đồng tình. Tuy nhiên với  quy định “không DTHT đối với HS được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày” như trong dự thảo là điều khó thực thi.

Chẳng hạn, Hà Nội hiện có tới 90% học sinh tiểu học và khoảng 40% HS THCS học 2 buổi/ngày. Đáng chú ý là những trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày hầu hết đều nằm ở địa bàn thuận lợi, phụ huynh có điều kiện kinh tế. Đây cũng chính là nơi tập trung nhiều lớp DTHT. Khó cấp quản lý nào có thể kiểm đếm được xem trong lớp học thêm đó có những học sinh nào đang được dạy học 2 buổi/ngày ở trường, những em nào chỉ học 1 buổi/ngày.

Chưa kể, những lớp học thêm này thường được tổ chức ở nhà cô giáo, nhà học sinh hoặc một địa điểm nào đó do cô giáo hoặc phụ huynh thuê... vào những ngày nghỉ và buổi tối.

Quy định “giáo viên thuộc các cơ sở giáo dục phổ thông và các cơ sở giáo dục khác đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập không được đứng ra tổ chức hoặc tham gia tổ chức DTHT ngoài nhà trường” tại dự thảo cũng là nội dung được bàn luận.

Bởi lâu nay, có thể thầy, cô giáo tự mở và dạy 1-2 lớp, hoặc do phụ huynh tổ chức, nay theo dự thảo sẽ phải có người khác tổ chức lớp DTHT để giáo viên dạy và như Điều 9 (về điều kiện của người đứng ra tổ chức DTHT), thì chỉ có giáo viên ngoài biên chế, hưu trí, thôi việc... người có đủ điều kiện trình độ nhưng không có việc làm mới có thể là người tổ chức hoạt động DTHT. Có vẻ như quy định này sẽ mở ra một loại dịch vụ mới: Tổ chức lớp DTHT ngoài trường học cho HS tiểu học, THCS, tương tự các trung tâm luyện thi đối với học sinh chuẩn bị thi ĐH?

“Ép buộc” và “tự nguyện”?

GS.Văn Như Cương - Hiệu trưởng Trường DL Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho rằng, “trước hết cần phân biệt DTHT do nhu cầu và DTHT ép buộc. Nếu học sinh muốn nâng cao trình độ tiếng Anh ra trung tâm học. Nếu tôi mở lớp học thêm, những học sinh có nhu cầu đến đăng ký tham gia. Đây là những nhu cầu thực tế không thể cấm được.

Tuy nhiên, nếu giáo viên ở trên lớp dạy qua loa, khó hiểu để mở lớp học thêm ở nhà; bài kiểm tra trên lớp thường nằm ở phần học thêm nhà cô thì việc này cần chấn chỉnh. Nếu hiệu trưởng quản lý chặt sẽ ngăn chặn được việc DTHT tràn lan”.

Ở góc độ của một phụ huynh, ông Nguyễn Văn Chinh (có con học Trường TH Đức Giang, Hà Nội) chia sẻ: “Con tôi năm nay học lớp 1, tôi thấy cháu học hai buổi/ngày cũng đã mệt. Thực tình, tôi không muốn cho cháu học thêm nhưng thấy cô tổ chức dạy thêm ở nhà, tôi đành miễn cưỡng cho cháu đi vì không muốn cô có ấn tượng không tốt với con mình.

Theo tôi, ở bậc tiểu học nên cấm triệt để dạy thêm dưới bất kỳ hình thức nào. Chứ nếu quy định như trong dự thảo, giáo viên vẫn có thể dạy thêm cho các cháu nếu gia đình các cháu có đơn thì mọi chuyện vẫn như cũ”.

* GS.Văn Như Cương - Hiệu trưởng Trường DL Lương Thế Vinh:

“Tôi thấy sự tự nguyện kiểu này rất buồn cười”

Quy định “không dạy thêm học thêm cho học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: Nhận quản lý học sinh ngoài giờ học theo yêu cầu của gia đình; phụ đạo cho những học sinh học lực yếu, kém; bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống” chính là kẽ hở. Như vậy, học sinh tiểu học có đơn đăng ký, giáo viên sẽ được phép dạy thêm nhưng nếu cô giáo phát đơn, phụ huynh nào dám từ chối. Tôi thấy sự tự nguyện kiểu này rất buồn cười.

* Cô Nguyễn Thị Lan, giáo viên THPT ở Hà Nội:

"Nếu lương cao, giáo viên sẽ không muốn dạy thêm"

Để hạn chế việc dạy thêm học thêm cần tiến hành giảm tải chương trình. Hiện nay, thời gian trên lớp hầu như chỉ để dạy lý thuyết. Chỉ học lý thuyết, ít được thực hành, kiến thức các em không thể nhớ lâu được, và thi học kỳ các em sẽ bị điểm kém, giáo viên sẽ bị đánh giá là dạy không tốt. Vì vậy, giáo viên dạy thêm cũng là để có thời gian củng cố, nâng cao kiến thức cho học sinh qua những tiết ôn tập.

Mặt khác, hiện nay, nếu không dạy thêm, đồng lương của giáo viên khá thấp, khó đảm bảo cuộc sống. Giáo viên mới ra trường, nếu tính cả phụ cấp lương chỉ trên 2 triệu, không đủ trang trải cho cuộc sống, làm sao người ta có thể sống hết lòng với nghề. Nói thật bản thân tôi cũng không thích dạy thêm, vì như thế trò sẽ nhìn mình với ánh mắt khác đi và lại tôi cũng muốn dành thời gian cho gia đình nhưng mong rằng, đồng lương của giáo viên được cải thiện để chúng tôi yên tâm công tác.

Miên Thảo

Đọc thêm