Cam sành rớt giá mạnh, nông dân Vĩnh Long lo Tết buồn

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Nông dân huyện Vũng Liêm (tỉnh Vĩnh Long) đang rất lo lắng khi giá cam sành "rớt" còn hơn 2.000 - 3.000 đồng/kg. Cứ 1.000m2 trồng cam chủ vườn thua lỗ khoảng 50 triệu đồng.

Những ngày này, các nhà vườn tại huyện Vũng Liêm những ngày này như đang “ngồi trên đống lửa” bởi hiện tại giá cam đang rớt mạnh. Nhiều chủ vườn cho biết, nếu vào thời điểm khoảng tháng 6, giá cam sành sẽ có giá dao động từ 4.000 – 8.000 đồng/kg thì những ngày cuối tháng 11/2023 chỉ còn khoảng 2.500 đồng/kg. Thậm chí, có vườn cam sai trĩu cành, đạt chuẩn hơn cam loại 1 nhưng cũng đành chấp nhận bán giá thấp.

Nếu để cam chín mà không hái bỏ thì sẽ chết cây mà thuê người hái thì lại càng thêm lỗ vốn, nên chủ vườn đành phải phun thuốc cho cam rụng và tự hái bỏ.

Nếu để cam chín mà không hái bỏ thì sẽ chết cây mà thuê người hái thì lại càng thêm lỗ vốn, nên chủ vườn đành phải phun thuốc cho cam rụng và tự hái bỏ.

Là một người nhiều năm gắn bó với cây cam sành, nông dân Huỳnh Thanh Nguyên, ngụ ấp Hiếu Hạnh, xã Hiếu Nghĩa, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long, cho biết, gia đình có gần 8 công (8.000m2 - PV) trồng cam sành, đợt này vừa thu hoạch được hơn 60 tấn cam. Mới đây, thương lái vào tận vườn thu mua cam sành với giá chỉ được 2.500 đồng/kg. Với giá này, gia đình ông đang lỗ nặng do chi phí chăm sóc cam cao hơn nhiều.

“Chi phí đầu tư từ lúc trưởng thành đến khi ra trái rơi vào khoảng 70 - 80 triệu đồng/công. Mỗi công cho năng suất khoảng 8 - 10 tấn, nhưng với giá bán 2.500 đồng/kg hiện tại thì gia đình sẽ lỗ khoảng 50 – 60 triệu đồng/công. Có lẽ, sắp tới sẽ là cái Tết buồn của gia đình”, ông Nguyên nói.

Cách đó không xa là hộ của ông Nguyễn Công Định (ngụ cùng địa phương) cũng đành ngậm ngùi bán vườn cam gần 01 công của mình với giá 2.500 đồng/kg. Được mua với giá thấp, nhưng cây đã đến thời gian thu hoạch nên “bán được đồng nào, đỡ lỗ đồng đó”. Vì nếu không bán, neo trái chờ giữ giá thì cũng chỉ được thêm ít ngày, có khi neo lâu quá cây sẽ bị còi cọc, thậm chí dẫn đến cây chết và giảm sản lượng cho vụ mùa tiếp theo.

Ông Huỳnh Thanh Nguyên (chủ vườn cam) cho biết có lẽ năm nay sẽ là cái Tết buồn của gia đình vì giá cam rớt mạnh.

Ông Huỳnh Thanh Nguyên (chủ vườn cam) cho biết có lẽ năm nay sẽ là cái Tết buồn của gia đình vì giá cam rớt mạnh.

Trước nỗi lo thấp thỏm của người dân, nhiều người đã liên hệ và "giải cứu" số cam còn lại của nông dân. Tuy không nhiều, nhưng người nông dân cũng an ủi được phần nào vì đỡ lỗ. Cứ mỗi kg cam "giải cứu", nông dân bán với giá 4.000 đồng/kg, song đây cũng chỉ là phương án tạm thời, cầm chừng.

Theo thống kê của Phòng NN&PTNT huyện Vũng Liêm (tỉnh Vĩnh Long), huyện hiện có hơn 2.800 ha diện tích cam sành, sản lượng hơn 20.000 tấn/năm. Việc sản xuất cam sành từ trước đến nay chủ yếu là tự phát, không theo quy hoạch.

Ngày 29/11, trao đổi với PV Báo Pháp Luật Việt Nam, ông Lê Văn Thăm – Trưởng phòng NN&PTNT huyện Vũng Liêm cho biết: Những năm gần đây nông dân liên tục mở rộng diện tích khiến sản lượng tăng mạnh. Sức mua yếu nhưng lượng cung quá ồ ạt dẫn đến tình trạng "cung vượt cầu". Bên cạnh đó, cam là loại nông sản chưa thể chế biến, đóng gói để bảo quản lâu nên việc xuất khẩu còn nhiều hạn chế. Hiện, đa số sản lượng cam tại địa phương đều xuất bán trong thị trường nội địa.

Một số người vận động người thân giải cứu cam, nhưng đây cũng chỉ là phương án tạm thời, không bền vững.

Một số người vận động người thân giải cứu cam, nhưng đây cũng chỉ là phương án tạm thời, không bền vững.

Theo ông Thăm, trước đó vì cam sành được giá nên nông dân đổ xô chọn đầu tư cây có hiệu quả kinh tế cao trong thời điểm trước mắt. Nhiều hộ nông dân chấp nhận thuê đất để mở rộng diện tích trồng cam, chạy theo thị trường. Thời điểm này, Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) đã khảo sát và cảnh báo tình trạng phát triển trồng cam sành trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long và yêu cầu phải có những khuyến cáo cho nông dân.

“Để tránh tình trạng được mùa mất giá, cần có sự lắng nghe từ phía người dân theo những khuyến cáo của các ngành chức năng. Cụ thể: Giữ vững và không nên đổ xô mở rộng thêm diện tích trồng ồ ạt; khuyến khích sản xuất theo tiêu chuẩn Vietgap; nâng cao vai trò tổ hợp tác, hợp tác xã; xây dựng mã số vùng trồng… Từ đó, hướng đến mục tiêu xuất khẩu cam ra thị trường nước ngoài”, ông Thăm nói.