CHUNG TAY PHÒNG, CHỐNG TÁC HẠI CỦA THUỐC LÁ

Cấm thuốc lá điện tử: Chế tài yếu, luật chưa thành 'lá chắn'

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Dù đã có chủ trương cấm thuốc lá điện tử từ đầu năm 2025, nhưng nếu không bổ sung chế tài đủ mạnh, các hành vi sử dụng, chứa chấp hay tiếp tay kinh doanh vẫn có nguy cơ “lọt lưới”. Luật sư Nguyễn Văn Thịnh - Công ty Luật TNHH CNC Việt Nam cho rằng, cần khẩn trương sửa đổi Nghị định 117 theo hướng nâng mức phạt, bổ sung các quy định xử lý nghiêm mọi hành vi liên quan, nếu không, thuốc lá điện tử sẽ tiếp tục len lỏi trong giới trẻ, thách thức nỗ lực bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Tại Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết số 173/2024/QH15 ngày 30/11/2024, thống nhất “cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển, sử dụng” đối với các sản phẩm thuốc lá điện tử từ ngày 1/1/2025 nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.

Tuy nhiên, từ thời điểm Nghị quyết có hiệu lực đến nay, các quy định pháp lý cụ thể, các chế tài kiểm tra, xử phạt hành vi vi phạm liên quan vẫn chưa được ban hành đầy đủ. Bộ Y tế đang trong quá trình lấy ý kiến cho Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 117/2020/NĐ-CP, trong đó có đề xuất chế tài xử phạt hành chính với hành vi vi phạm liên quan đến thuốc lá điện tử.

Thực trạng này đang đặt ra một câu hỏi lớn: Khi chủ trương đã có nhưng hành lang pháp lý chưa hoàn thiện, việc kiểm soát thuốc lá điện tử, đặc biệt là trong giới trẻ sẽ được thực hiện như thế nào?

Để làm rõ hơn các khía cạnh pháp lý liên quan, phóng viên Báo Pháp Luật Việt Nam trao đổi với luật sư Nguyễn Văn Thịnh - Công ty Luật TNHH CNC Việt Nam, xung quanh khoảng trống pháp lý hiện nay về thuốc lá điện tử cũng như các kiến nghị hoàn thiện chính sách trong thời gian tới.

Luật sư Nguyễn Văn Thịnh - Công ty Luật TNHH CNC Việt Nam.

Luật sư Nguyễn Văn Thịnh - Công ty Luật TNHH CNC Việt Nam.

- Thưa luật sư, ông đánh giá về hiện trạng pháp lý đối với thuốc lá điện tử tại Việt Nam hiện nay ra sao?

Luật sư Nguyễn Văn Thịnh: Bảo vệ sức khoẻ Nhân dân luôn là ưu tiên hàng đầu trong chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước. Trước những hệ luỵ của thuốc lá điện tử, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 173/2024/QH15, theo đó từ 01/01/2025, mọi hành vi sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển, sử dụng thuốc lá điện tử đều bị cấm.

Với các hành vi vi phạm, pháp luật hiện hành đã có chế tài tương đối đầy đủ. Cụ thể, đối với:

Hành vi sản xuất, buôn bán thuốc lá điện tử: Tuỳ thuộc vào các trường hợp cụ thể, hành vi vi phạm có thể bị xử lý trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 190 của BLHS năm 2015 (BLHS), hoặc xử phạt vi phạm hành chính theo các quy định tại Điều 8 Nghị định 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 của Chính phủ (Nghị định 98) về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (mức phạt áp dụng cho cá nhân vi phạm là từ 10 - 100 triệu đồng và gấp 2 lần mức phạt này cho các vi phạm của tổ chức; áp dụng hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả).

Hành vi nhập khẩu thuốc lá điện tử: tuỳ từng trường hợp, hành vi vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 36 của Nghị định 98 và văn bản sửa đổi bổ sung, với mức phạt áp dụng cho cá nhân vi phạm là từ 10 – 100 triệu đồng (gấp 2 với tổ chức) và hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả; hoặc xử lý trách nhiệm hình sự về hành vi “buôn bán hàng cấm” theo quy định tại Điều 190 của BLHS.

Hành vi chứa chấp, tàng trữ: Tuỳ thuộc vào mức độ vi phạm, chế tài có thể là xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 36 của Nghị định 98 và văn bản sửa đổi bổ sung, hoặc xử lý hình sự theo quy định tại Điều 191 của BLHS.

Đối với hành vi cho mượn/cho thuê địa điểm/chỗ/nơi để tàng trữ thuốc lá điện tử: hiện tại, tôi cho rằng, các quy định hiện hành chưa có quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cho mượn/cho thuê địa điểm/chỗ/nơi để tàng trữ thuốc lá điện tử. Tuy nhiên, tuỳ từng trường hợp cụ thể, hành vi này có thể đủ yếu tố cấu thành tội phạm là “Tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm” theo quy định tại Điều 191 của BLHS.

Hành vi “vận chuyển thuốc lá điện tử”: tuỳ từng trường hợp, có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 8 của Nghị định 98 và văn bản sửa đổi bổ sung; hoặc xử lý trách nhiệm hình sự về hành vi “vận chuyển hàng cấm” theo quy định tại Điều 191 của BLHS.

Hành vi “sử dụng thuốc lá điện tử”: hiện nay Chính phủ mới chỉ có chế tài xử phạt hành vi hút thuốc lá tại nơi có biển cấm, theo Nghị định 117/2020/NĐ-CP. Theo đó, người sử dụng thuốc lá (bao gồm cả thuốc lá điện tử) tại địa điểm cấm hút thuốc sẽ bị cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đến 500.000 đồng.

Tuy nhiên, Nghị quyết 173/2024/QH15 đã quy định rõ: hành vi sử dụng thuốc lá điện tử bị cấm hoàn toàn, không phụ thuộc vào địa điểm hay lý do sử dụng. Như vậy, theo Nghị quyết 173, mặc dù sử dụng thuốc điện tử là hành vi bị cấm, tuy nhiên, cơ quan chức năng có thẩm quyền vẫn chưa có chế tài để xử lý đối với các hành vi vi phạm này và có thể, mức phạt vi phạm tại Nghị định 117 áp dụng cho hành vi sử dụng thuốc lá điện tử (nếu người sử dụng vi phạm địa điểm cấm hút thuốc) là khá thấp, chưa đủ sức răn đe.

- Trong bối cảnh đó, theo ông, những khoảng trống pháp lý này đang gây ra những hệ lụy gì trong thực tế, đặc biệt là đối với việc sử dụng thuốc lá điện tử trong giới trẻ?

Luật sư Nguyễn Văn Thịnh: Theo các nghiên cứu gần đây, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở giới trẻ Việt Nam, đặc biệt nhóm tuổi 13-15, đang ở mức cao (7,3% - 8,1%). Nghị quyết 173 ra đời là bước tiến quan trọng, thể hiện chính sách nhân văn của Đảng và Nhà nước trong việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng, nhất là thế hệ trẻ. Tuy nhiên, khoảng trống pháp lý hiện nay, cụ thể là chưa có chế tài xử lý đối với hành vi sử dụng thuốc lá điện tử khiến cho chủ trương này chưa phát huy hết hiệu quả.

Các cơ quan chức năng vẫn chưa có đủ cơ sở pháp lý để kịp thời xử lý những hành vi vi phạm, để răn đe chung và truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng. Trong khi đó, mức phạt hiện hành theo Nghị định 117/2020/NĐ-CP còn quá nhẹ chưa đủ sức răn đe.

Việc chưa có chế tài xử lý đối với hành vi sử dụng thuốc lá điện tử là một rào cản lớn trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết 173, ảnh hưởng lớn đến mục tiêu bảo vệ sức khoẻ cộng đồng và giảm thiểu những hệ luỵ nghiêm trọng của thuốc lá, ảnh hưởng lớn đến kết quả của chương trình Sức khoẻ Việt Nam mà Chính phủ đang triển khai.

- Hiện nay, các cơ quan chức năng có thể áp dụng những quy định nào để có thể kịp thời xử lý những hành vi vi phạm liên quan đến thuốc lá điện tử, đặc biệt khi sản phẩm này vẫn được rao bán công khai trên mạng xã hội và tại các cửa hàng không phép, thưa ông?

Luật sư Nguyễn Văn Thịnh: Hiện nay, ngoài việc chưa có chế tài xử phạt đối với hành vi sử dụng và chứa chấp thuốc lá điện tử, các quy định pháp luật hiện hành về thuốc lá điện tử nhìn chung đã khá đầy đủ. Cơ quan chức năng hoàn toàn có đủ căn cứ để xử lý các hành vi vi phạm khác liên quan đến loại sản phẩm này.

Tuy nhiên, thực tế thuốc lá điện tử vẫn được rao bán công khai trên mạng xã hội và tại nhiều cửa hàng không phép. Nguyên nhân chủ yếu là do hành vi sử dụng thuốc lá điện tử chưa bị xử lý, việc phát hiện và xử lý vi phạm còn thiếu quyết liệt, chưa kịp thời. Ngoài ra, nhận thức pháp luật trong cộng đồng còn hạn chế, các chế tài chưa được tuyên truyền rộng rãi. Bên cạnh đó, lợi nhuận lớn từ việc kinh doanh loại sản phẩm này cũng khiến nhiều đối tượng sẵn sàng vi phạm pháp luật.

- Từ góc nhìn của mình, ông có đề xuất gì để nhanh chóng hoàn thiện hành lang pháp lý đối với thuốc lá điện tử, nhất là trong bối cảnh giới trẻ đang tiếp cận mặt hàng này ngày càng dễ dàng?

Luật sư Nguyễn Văn Thịnh: Theo tôi, Chính phủ cần sớm hoàn thiện việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 117 theo hướng: quy định rõ và nâng mức xử phạt đủ sức răn đe đối với hành vi sử dụng thuốc lá điện tử; bổ sung chế tài xử phạt đối với hành vi chứa chấp, cũng như phạt đối với hành vi cho mượn, cho thuê địa điểm để tàng trữ thuốc lá điện tử; đồng thời nâng cao mức xử phạt với các vi phạm liên quan đến thuốc lá nói chung và thuốc lá điện tử nói riêng.

Song song với hoàn thiện hành lang pháp lý, các cơ quan chức năng như Quản lý thị trường, Công an, UBND các địa phương cần xây dựng kế hoạch, phối hợp hành động để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm.

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về tác hại của thuốc lá điện tử và các chế tài xử phạt cần được đẩy mạnh và duy trì thường xuyên.

Xin cảm ơn ông!

Đọc thêm