Căn bệnh mất trí nhớ ở “vùng đất vướng lời nguyền rủa”

(PLO) - Nằm ở góc xa xôi miền tây bắc Colombia, khoảng 5.000 cư dân ở Yarumal bị mắc phải căn bệnh mang tên “mất trí nhớ”, nhiều người trong số đó còn rất trẻ. Người ta nói rằng nơi này bị nguyền rủa bởi “lời nguyền La Bobera”.
Người Yarulma mắc chứng mất trí nhớ.
Người Yarulma mắc chứng mất trí nhớ.

Mất trí nhớ hay còn gọi là Alzheimer. Căn bệnh phá hủy của các tế bào não, triệu chứng đầu tiên là sự suy giảm khả năng nhận thức. Sau đó, một phần não bộ bị ảnh hưởng không thể hoạt động đúng vì các chức năng hạn chế, cuối cùng dẫn đến tử vong. 

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hiện nay tỷ lệ mắc bệnh Alzheimer trên thế giới rất cao, lên đến hơn 36 triệu người. Các chuyên gia WHO cũng ước tính, số trường hợp mắc có thể tăng lên 66 triệu vào năm 2030 và tiêu tốn 115 triệu USD trong năm 2050. 

Những người không ký ức

Khu tự trị Yarumal, thuộc thành phố Antioquia, Colombia. Nhìn từ bên ngoài Yarumal cũng như bao làng quê tuyệt đẹp khác với cảnh núi non hùng vĩ và nên thơ. Tuy nhiên, chứng mất trí nhớ đang hoành hành hơn 50% dân số Yarumal. Nhẹ thì mắc các triệu chứng ban đầu của bệnh mất trí, nặng thì hoàn toàn sống không có ký ức. 

Người ta nói rằng nơi này bị trừng phạt bởi “lời nguyền La Bobera”, khiến cho người Yarumal sống trong đau khổ và bị kỳ thị. Tuy nhiên không ai biết lời nguyền này bắt đầu từ đâu và bị ai nguyền. Những khu vực xung quanh sợ hãi và xa lánh người Yarumal.

Họ sợ rằng bệnh sẽ bị lây nói chuyện, bị lây khi chẳng may va quệt, dính máu của người Yarumal. Thậm chí không ai dám kết hôn với người Yarumal vì nghĩ rằng bệnh sẽ lây qua đường quan hệ tình dục. 

Cuộc sống của người Yarumal trở nên tuyệt vọng. Trong khi nhiều người vẫn cố gắng sống và đối chọi với bệnh tật, cố gắng sống để chăm sóc những người thân mắc bệnh, cũng không ít người quẫn trí tự tử hoặc nhẹ hơn là tự giam mình trong phòng, tránh đi lang thang vì sợ rằng sẽ không tìm được đường về nhà. 

Sinh ra ở Yarumal, anh John Jairo, 49 tuổi, vốn là một nhân viên bảo vệ chăm chỉ và cẩn thận. Nhưng anh đã bị đuổi việc sau một lần quên đóng cổng chính, khiến một xí nghiệp dệt may địa phương bị mất trộm. Lúc này anh biết được rằng mình đã trúng “lời nguyền La Bobera”. Khi đi khám, bác sĩ nói John Jairo đã có những triệu chứng của bệnh mất trí nhớ.

Anh nhìm chằm chằm vào đứa con gái nhỏ Jennife và lo cho số phận của nó. “Đây có lẽ là căn bệnh quái ác nhất mà loài người phải chịu đựng. Tôi sợ rằng những gì đang diễn ra với tôi sẽ tái diễn với con gái tôi. Nó là một đứa trẻ thông minh và hoạt bát. Không biết tôi còn nhớ tên, nhớ mặt những người thân yêu của mình đến bao giờ”, John Jairo nói. 

Một trường hợp khác nữa, đó là cụ bà Cuartas, 82 tuổi. Chồng của cụ đã qua đời vì bệnh Alzheimer sau khi họ có với nhau 13 người con. Tuy nhiên 4 trong số đó cũng bị mắc chứng mất trí nhớ. “Thật tồi tệ khi phải chứng kiến những con mình bị như thế này. Giờ đây chúng không nhận ra tôi là ai nữa. Nó là căn bệnh đáng sợ nhất trên trái đất”. 

Hiện cụ vẫn phải sống trong một căn nhà tù túng, chật chội và chăm sóc cho 4 “đứa trẻ” ở độ tuổi trung niên do bị ảnh hưởng của đột biến di truyền kỳ lạ này. Một người con trai vì bệnh quá nặng nên phải điều trị ở bệnh viện địa phương. Người con trai khác bị cụ bà trói vào ghế vì liên tục cào xé mọi thứ, kể cả tã của mình.

Khu tự trị Yarulma ở đất nước Columbia.
Khu tự trị Yarulma ở đất nước Columbia. 

Con gái của cụ, Maria Elsy (61 tuổi) trước đây là một y tá, nhưng cô bắt đầu có biểu hiện kê thiếu thuốc hoặc quên thuốc cho bệnh nhân khi mới ở tuổi 48. Giờ đây, chứng mất trí nhớ khiến Elsy bị câm và phải ăn bằng ống mũi. Người con trai còn lại của cụ là Oderis (50 tuổi), mỗi lần đi mua đồ ở cửa hàng, anh chỉ nhớ được một món cần mua.

Thêm trường hợp nữa diễn ra trong gia đình ông Carlos Alberto Villegas. Khá khẩm hơn cụ bà Cuartas, ông Villegas có thêm với vợ đỡ đần chăm sóc 3 đứa con bị mắc chứng mất trí nhớ. Trong số đó, đứa nhẹ nhất là cô con gái Natalia, 30 tuổi nhưng lúc nào cũng nói rằng mình đã 35 tuổi và không nhận ra cha mẹ mình là ai. 

Thách thức y học

Người ta nói rằng nguyên nhân gây nên chứng mất trí nhớ ở Yarumal là do truyền từ nhiều thế hệ tổ tiên. Theo các nhà khoa học khi họ nghiên cứu tình trạng sa sút trí tuệ sớm của cư dân Yarumal, trước đây những tay thực dân Tây Ban Nha xâm lược Columbia vào thế kỷ 17, và mang theo chứng biến dị di truyền đầu tiên cho người dân Yarumal.

Không ai biết rõ tại sao những người Tây Ban Nha lại mang trong mình đột biến di truyền kỳ lạ này. Nhưng từ đó, những người sinh ra ở Yarumal hầu hết đều có nguy cơ bị di truyền tới 50% chứng bệnh Alzheimer và trường hợp mắc sớm nhất ở tuổi 32.

Thậm chí, có nhiều người dân Yarumal bước vào giai đoạn cuối cùng của căn bệnh khi họ mới chỉ trên 40 tuổi. Ban đầu là triệu chứng hay quên, dần dần bị mất phương hướng, dễ gây gổ với người khác, trí tuệ sa sút.

Ngoài nguyên nhân di truyền, kết hôn cận huyết cũng là một trong những nguyên nhân gây ra căn bệnh này. Các nhà nghiên cứu nói rằng trong suốt 300 năm qua, nhiều thế hệ người Yarumal liên tiếp kết hôn với họ hàng gần, từ đó tạo nên biến dị di truyền. 

Chứng kiến nỗi đau này, 30 năm trước, khi còn phụ trách bộ môn tâm lý học ở Đại học Antioquia, nhà thần kinh học, tiến sĩ Francisco Lopera, người đã từng lớn lên tại chính ngôi làng Yarumal, đã quyết tâm nghiên cứu và tìm ra thuốc ngăn ngừa bệnh cho người trong làng thoát khỏi “lời nguyền” này.

Người Yarulma mắc chứng mất trí nhớ.
Người Yarulma mắc chứng mất trí nhớ. 

Nhưng ông cho biết: “Hầu hết các phương pháp điều trị đã thất bại vì các thuốc can thiệp quá muộn. Hiện tại chiến lược của chúng tôi là cố gắng tìm cách ngăn ngừa các triệu chứng ngay trước khi não bộ bị thương tổn và hủy hoại tế bào não thì mới có hy vọng”, ông Lopera cho biết.

Đến nay khoa học vẫn chưa xác định được nguyên nhân gây ra bệnh Alzheimer. Mặc dù có một số nghiên cứu đã tìm thấy một lượng protein bất bình thường gọi là amyloid plaques, làm giảm hiệu quả của các tế bào thần kinh trong não, dẫn đến chứng Alzheimer.

Bản thân tiến sĩ Lopera đã nghiên cứu một số loại thuốc chuyên điều trị tổn thương não bộ và thử nghiệm trên một nhóm 300 bệnh nhân từ 30-60 tuổi. Thử nghiệm này là một phần trong công trình nghiên cứu trị giá 100 triệu USD.

Viên nghiên cứu Y khoa Mỹ cùng với Viện nghiên cứu Banner và tập đoàn Roche là đơn vị tài trợ cho công trình nghiên cứu này. Dự đoán đến năm 2020, nghiên cứu sẽ đưa ra kết quả và hy vọng đây sẽ là loại thuốc thành công ngăn ngừa bệnh cho người dân ở Yarulma. 

Tiến sĩ Lopera cho biết: “Mặc dù không biết nguyên nhân gây bệnh nhưng trên thế giới có 1% tỷ lệ mắc bệnh do di truyền. Như vậy, chúng ta cũng có thể nghiên cứu và tìm ra cách phòng chống được căn bệnh này”. Không chỉ ở Yarulma, ông Lopera còn nghi ngờ những người sống gần khu Yarulma cũng có khả năng mắc căn bệnh này.

Hiện nay, Yarulma là một trong những cơ sở nghiên cứu bệnh Alzheimer lớn nhất thế giới. Rất nhiều người dân Yarulma tình nguyện hiến tặng bộ não của mình hoặc những người thân mắc bệnh đã chết cho nhóm nghiên cứu của tiến sĩ Lopers.

Bác sĩ tâm lý Lucia Madrigal tham gia nhóm nghiên cứu của ông Lopers cho biết: “Mặc dù mọi người đều đau lòng khi thấy não bộ của người thân bị mang ra làm vật nghiên cứu, nhưng nếu không làm như vậy thì căn bệnh quái ác này sẽ không thể bị đẩy lùi.”

Đọc thêm