CNN dẫn thông tin từ kết quả khảo sát mới nhất của Bộ Giáo dục Nhật Bản mới công bố gần đây, rất nhiều trẻ em ở độ tuổi tiểu học và trung học đã tự kết liễu mạng sống của mình vì những lý do như: bị bắt nạt trong trường học, áp lực học tập, lo lắng cho tương lai, áp lực và căng thẳng trong vấn đề trong gia đình…
Vấn đề đáng báo động
Theo kết quả khảo sát, năm 2018 có 250 trường hợp tự tử, con số này nhiều hơn 5 trường hợp so với năm 2017 và cao nhất kể từ năm 1986 (với 268 học sinh tự tử). Trong số này, 33 trường hợp tự tử vì lo lắng cho tương lai, 31 trường hợp tự tử vì gia đình có vấn đề, 10 trường hợp bị bắt nạt ở trường và 140 trường hợp không rõ nguyên nhân.
“Số lượng học sinh tự tử tử đang ở mức cao và trở thành vấn đề đáng báo động cần phải tìm ra biện pháp giải quyết”, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nhật Bản Noriaki Kitazaki nói.
Ông Noriaki Kitazaki nói thêm rằng, tình trạng ngày càng nghiêm trọng, song nguyên nhân lại không rõ ràng. Hầu hết những trường hợp tự sát là học sinh tiểu học và trung học. Trước đó, chính phủ cũng đã ghi nhận, mức độ tự tử có thể giảm trong kỳ nghỉ, nhưng lại gia tăng đột biến vào ngày 1/9, khi bước vào năm học mới.
“Thời gian nghỉ hè ở nhà có thể nói là ‘thiên đường’ đối với những đứa trẻ bị bắt nạt. Khi mùa hè kết thúc và phải quay trở lại trường học, đó là áp lực với nhiều học sinh. Nhiều bạn vì quá sợ về việc bị bắt nạt ở trường, từ đó dẫn việc tự sát”, học sinh tên Nanae Munemasa, 17 tuổi, nói.
Bản thân Munemasa cũng từng nghĩ đến cái chết làm lối thoát cho những tháng ngày bị bắt nạt tại trường học. Tuy nhiên cô bé đã quyết định công khai câu chuyện của mình để giúp đỡ những bạn trẻ khác cùng hoàn cảnh.
Theo tờ Japan Times, trường học và tất cả mọi thứ liên quan tới học hành có thể đẩy một số học sinh đến gần với tình trạng trầm cảm, từ đó có thể dẫn tới mong muốn tự tử. Khi bị bắt nạt, các em học sinh không muốn nói với ai, kể cả cha mẹ vì sợ mọi người lo lắng, nên chỉ âm thầm chịu đựng. Ngày qua ngày, những trò bắt nạt mỗi lúc một ác nghiệt hơn và sức chịu đựng của mỗi người có giới hạn.
Giới trẻ phải chịu nhiều áp lực khi đến trường. Ảnh minh họa |
Từ đó, các em trở thành nạn nhân, thay vì chống trả nhiều em chọn cách tự kết liễu đời mình bằng cách uống thuốc ngủ, cắt cổ tay hay nhảy từ tầng cao xuống…Theo thống kê, nạn nhân của các vụ tự tử ở trường học nằm trong độ tuổi từ 10-19, độ tuổi đầy nhiệt huyết và tươi đẹp nhất đời người.
Ông Yutaka Motohashi, người điều hành một trung tâm ngăn ngừa tự tử, cho biết nguyên nhân dẫn tới các vụ tự tử ở trẻ em thường không được nắm rõ vì các em không để lại lời nhắn trước khi tìm đến cái chết. Do vậy, ông Motohashi cho rằng rất khó để tìm ra phương án xử lý cho vấn đề này, song cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải xây dựng một hệ thống nhằm phát hiện những trẻ em có biểu hiện tự tử cao.
Theo Cơ quan cảnh sát quốc gia Nhật Bản, trong khi tổng số vụ người tự tử ở Nhật Bản đã giảm xuống còn 21.321 vào năm 2017, tỷ lệ người trẻ tử tự tăng lên.
Còn theo một báo cáo vào năm 2014 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tỷ lệ tự sát nói chung của Nhật Bản cao hơn khoảng 60% so với mức trung bình toàn cầu. Trong số thanh thiếu niên và người trưởng thành từ 10-24, có khoảng 4.600 trường hợp tử vong do tự sát mỗi năm, và 157.000 trường hợp nhập viện vì tự gây ra chấn thương.
Chỉ trong năm 2014, đã có 25.000 người Nhật Bản tự tước đi mạng sống của mình - tương đương khoảng 70 vụ tự tử mỗi ngày. Năm 2015, tự tử là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho trẻ em Nhật trong độ tuổi từ 10-19.
Lời giải nào?
Nói về nguyên nhân, đầu tiên phải biết rằng, tự tử là di sản văn hóa của Nhật Bản. Trong nhiều thế kỷ, “seppuku”, một dạng nghi lễ tự tử, gắn liền với hình tượng võ sĩ Samurai của Nhật Bản. Đó là một nền tảng văn hóa dẫn đến sự ra đời của thế hệ phi công liều chết (kamikaze) trong Thế chiến thứ II. Không giống như ở các quốc gia phương Tây, ở Nhật Bản tự tử được xem như là một cách để chịu trách nhiệm.
Ngoài ra, nhiều thanh niên trẻ tuổi chán đời do bất mãn với gia đình, xã hội cùng nhau thành lập câu lạc bộ tự sát. Hiện nay, các câu lạc bộ tồn tại dưới các trang web hướng dẫn tự tử, dành cho những ai có ý định đăng ký gia nhập hội. Càng nhiều người cùng “chí hướng”, càng giúp việc tự sát diễn ra dễ dàng.
Xu hướng văn hóa “Hikikomori” - hiện tượng những người tự giam mình trong căn phòng đơn lẻ và từ chối tham gia vào đời sống xã hội và gia đình trong thời gian dài, cũng làm nặng thêm vấn đề. “Hikikomori” khiến một số học sinh cảm thấy bị cô lập và khó trút bỏ nỗi niềm. Khi bế tắc, những học sinh tin rằng các em không được phép phàn nàn, chia sẻ, mà tự nội tâm hóa các vấn đề của mình thay vì tìm sự giúp đỡ.
Tỷ lệ giới trẻ tự tử ở Nhật Bản cao ở mức kỷ lục. Ảnh minh họa |
Do đó, các em gặp khó khăn trong việc thể hiện cảm xúc, dẫn đến các vấn đề trầm cảm. Các em cũng đồng thời tìm cách che giấu các vấn đề sức khỏe tâm thần với thế giới bên ngoài, từ đó dẫn đến việc tự kết liễu mạng sống.
Trong năm 2016, chính phủ đã có kế hoạch hạn chế 30% số lượng người tự tử vào năm 2026, đặc biệt là ở người trẻ. Một phần trong kế hoạch này là tăng cường công tác giáo dục, hướng dẫn học sinh, sinh viên tìm kiếm sự giúp đỡ tại trường học.
Tuyển thêm tư vấn viên tâm lý cho mọi trường tiểu học và trung học trên cả nước. Đồng thời thiết lập đường dây nóng tư vấn tâm lý 24/7 nhằm hỗ trợ, tư vấn giải quyết các vấn đề mà những người trẻ đang vướng mắc.
“Chúng tôi muốn loại bỏ hoàn toàn thực trạng đau lòng, rằng thực tế hàng trăm trẻ em đang tự lấy đi mạng sống của họ mỗi năm. Điều quan trọng nhất hiện nay là hướng dẫn và dạy cho trẻ cách tìm kiếm sự trợ giúp đỡ càng sớm càng tốt. Một khi các em bị lún sâu vào những rắc rối của mình, việc tìm kiếm sự giúp đỡ sẽ trở nên khó khăn hơn.
Ánh sáng phía cuối đường hầm tắt dần đi, cho đến một lúc các em nghĩ rằng lối thoát chính là cái chết. Do vậy cần tìm cách cho các em hiểu ra một điều rằng, ánh sáng luôn ở cuối con đường và hãy vượt qua nỗi sợ của bản thân”, quan chức Bộ Giáo dục Koju Matsubayashi chia sẻ.
Hiện nay không chỉ Nhật Bản vật lộn với thực trạng tỷ lệ tự tử cao, nhiều nước ở khắp khu vực châu Á-Thái Bình Dương cũng gặp phải vấn đề này. Theo WHO, Hàn Quốc cũng là một trong những quốc gia có tỷ lệ tự tử cao, với 26,9/100.00 dân trong năm 2017. Tự sát cũng chiếm phần lớn số ca tử vong được ghi nhận tại Hong Kong.
Các chuyên gia cho biết, văn hóa làm việc căng thẳng của các nước Đông Á là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Ngoài ra, một số nghiên cứu cảnh báo rằng, tự sát là một vấn đề có khả năng “lây nhiễm” về mặt tâm lý. Cái chết của một người hoặc nhiều người có thể làm tăng khả năng tự sát đối với người khác, đặc biệt những trường hợp đã từng có suy nghĩ tự sát.
Thêm nữa, thực trạng đáng báo động này diễn ra trên diện rộng một phần do người dân các nước châu Á còn định kiến với việc tìm kiếm giúp đỡ và điều trị bệnh trầm cảm hoặc các biện pháp can thiệp tâm lý./.