Nhiều ĐB tham dự ĐH XII bày tỏ đồng tình cao với nội dung công tác xây dựng Đảng mà trọng tâm là kiên quyết, kiên trì thực hiện Nghị quyết TƯ 4 khóa XI và phòng, chống tham nhũng trong văn kiện Đại hội XII vì nhận thức rằng “phòng, chống tham nhũng sẽ giúp Đảng trong sạch, vững mạnh hơn”.
Theo dõi, đánh giá cán bộ giàu bất thường
Đa số đại biểu nhận định, công tác phòng, chống tham nhũng trong thời gian qua đã đạt được kết quả tích cực nhưng vẫn chưa đạt được yêu cầu. Vì vậy, “mong mỏi của toàn Đảng, toàn dân và là một trong những nhiệm vụ của các tổ chức, cơ sở Đảng phải tập trung thực hiện trong thời gian tới tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng” – ĐB Lê Hoàng Phụng, Bí thư Thành ủy TP.Bảo Lộc (Lâm Đồng) cho biết.
Để phòng, chống tham nhũng, “điều quan trọng nhất là cần công khai, minh bạch và tăng cường sự tham gia của xã hội vào việc hoạch định cũng như thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước” – ĐB Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ TP.HCM nhận định.
Các ĐB cũng cho rằng, muốn phòng được tham nhũng phải làm thực chất hơn, tốt hơn việc kê khai, minh bạch tài sản để kiểm soát được thu nhập của cán bộ, nhất là những cán bộ phụ trách những lĩnh vực nhạy cảm liên quan đến kinh tế như các nước đã và đang làm. ĐB Nguyễn Văn Công - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp kiến nghị giải pháp cụ thể là theo dõi, đánh giá cán bộ, nhất là những cán bộ giàu lên bất thường và cần có những biện pháp quyết liệt hơn trong việc xử lý, kê khai tài sản.
Song giải pháp phòng ngừa tham nhũng hiệu quả nhất theo các ĐB lại chính là từ nhận thức, ý thức của mỗi cán bộ, đảng viên. Do đó, cần tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức lối sống, để mỗi người điều chỉnh suy nghĩ, hành động của mình. Thiếu tướng Trương Giang Long - Đảng bộ Công an TƯ kiến nghị, nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên; có những giải pháp để giáo dục, phòng ngừa, bảo đảm không có những cán bộ, đảng viên sai phạm
Cùng với đó, “tăng cường sự tham gia của xã hội trong tất cả các dự án, quy hoạch, chính sách... sẽ có hiệu quả cao hơn trong phòng ngừa tham nhũng” – ông Nguyễn Văn Công đánh giá. ĐB Vũ Trọng Kim - Phó Chủ tịch Ủy ban TƯ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng để phòng, chống tham nhũng cần hết sức kiên trì, bởi một bên giấu giếm, một bên tìm kiếm, đối tượng tham nhũng không tự lộ diện. Do đó, “có thể nhờ đến sự giám sát của người dân, khi thấy có đảng viên vi phạm có thể báo tin cho tổ chức Đảng”.
Cần sự tham gia của xã hội vào cuộc chiến chống tham nhũng |
Cùng nhấn mạnh đến vai trò giám sát và sự tham gia của xã hội vào cuộc chiến chống tham nhũng, Thiếu tướng Trương Giang Long cho rằng “điều quan trọng là tất cả các giải pháp này đều phải đặt dưới sự giám sát của nhân dân, dựa vào nhân dân. Việc gì nhân dân giúp nhiều thì thành công nhiều, nhân dân giúp ít thì thành công ít. Đảng ta có tài sản vô cùng quý giá phải giữ gìn, phát huy trong cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, đó là tình cảm, sự chia sẻ, đùm bọc, giúp đỡ của nhân dân. Vì vậy, phải phát huy các kênh thông tin, tăng cường tiếp thu ý kiến của nhân dân trong tố giác, đấu tranh phòng, chống tham nhũng”.
Cán bộ càng “to” càng phải gương mẫu
Nghị quyết TƯ 4 (Khóa XI) về xây dựng Đảng phù hợp với yêu cầu, mong muốn của cán bộ, đảng viên và nhân dân; vấn đề xây dựng, đổi mới và chỉnh đốn Đảng phải làm thường xuyên và đã đạt được một số kết quả quan trọng. Đó là “đà” cho những năm tiếp theo để đẩy mạnh việc thực hiện Nghị quyết này. Muốn vậy, ĐB Vũ Trọng Kim thấy phải nâng cao vấn đề rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên về đức, về tài một cách kiên trì, với tinh thần trách nhiệm cao.
Để tránh hình thức trong thực hiện, theo ĐB, phải nâng cao tinh thần phê bình và tự phê bình, chứ không được "nể nang, bằng mặt không bằng lòng". ĐB Vũ Trọng Kim cho rằng "phải thật thà, thẳng thắn và phải cởi mở trên tình đồng chí anh em, nhưng phải đảm bảo nguyên tắc của Đảng. Cùng với làm tốt việc phê bình và tự phê bình, cần làm tốt công tác giám sát lẫn nhau để người dân thấy đội ngũ của chúng ta là đội ngũ nòng cốt về đức về tài”.
Nhìn chung, các ĐB mong muốn nhiệm kỳ tới cùng với việc lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng cần tiếp tục được tăng cường, đặc biệt là các giải pháp được đưa ra quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa, nhất là tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý những cán bộ vi phạm. “Cán bộ giữ chức vụ càng cao càng phải thực sự là những người gương mẫu, đi đầu thực hiện công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng” – ĐB Ngọ Duy Hiểu, Bí thư huyện ủy Phúc Thọ (Hà Nội) bày tỏ quan điểm.
Đề cập đến việc chấn chỉnh để làm Đảng mạnh lên, nhưng bằng một phương pháp rất tự giác, ĐB Huỳnh Tấn Việt – Bí thư tỉnh ủy Phú Yên thấy rằng “mỗi đảng viên có trách nhiệm với Đảng, với dân tộc, tập trung thực hiện “12 chữ”: Thân thiện, nghĩa tình, tận tụy, trách nhiệm, kỷ cương, kỷ luật” để từng bước đẩy lùi tình trạng tham nhũng, tiêu cực.
Theo ông Nguyễn Đức Hà, thành viên Tổ giúp việc Bộ Chính trị thực hiện Nghị quyết TƯ 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng, từ Đại hội VI của Đảng đến nay, nhiệm kỳ nào TƯ cũng có nghị quyết về xây dựng Đảng và công tác cán bộ. Tại Đại hội này, công tác xây dựng Đảng được đề cập ở vị trí đầu tiên trong tiêu đề của báo cáo Chính trị, cho thấy Đảng ta nhận thức rõ vị trí đặc biệt quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong tình hình hiện nay. Trên tinh thần đó, trong nhiệm kỳ tới, Nghị quyết TƯ 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng sẽ tiếp tục được đẩy mạnh thực hiện vì xây dựng Đảng là là 1 trong 6 nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ khóa XII./.