Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tái cử Ủy viên TƯ khóa XII

(PLO) - Danh sách trúng cử Ban Chấp hành TƯ khóa XII gồm 180 Ủy viên chính thức và 20 Ủy viên dự khuyết vừa được công bố và được ĐH XII thông qua.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tái cử với số phiếu cao.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tái cử với số phiếu cao.

15h 50 chiều nay (26/1), ĐH XII đã công bố danh sách Ban Chấp hành TƯ khóa XII gồm 180 Ủy viên chính thức và 20 Ủy viên dự khuyết.

Các vị uỷ viên Bộ Chính trị tái đắc cử gồm có: Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, các Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng và Nguyễn Thị Kim Ngân, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang, Trưởng Ban tuyên giáo Trung ương Đinh Thế Huynh, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân.

Nhiều uỷ viên Trung ương khoá 11 tái đắc cử, như Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Văn Nên; Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng; Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng; Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát...

Các Bí thư tỉnh uỷ trẻ cũng trúng cử Ban Chấp hành mới, như Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh, Bí thư Kiên Giang Nguyễn Thanh Nghị. 

Trong số bốn trường hợp “đặc biệt” được Ban Chấp hành Trung ương khoá XI đề cử có ba người trúng cử gồm: Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Nam và Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam Đỗ Bá Tỵ.

Các đại biểu thể hiện sự nhất trí cao trong lá phiếu của mình
Các đại biểu thể hiện sự nhất trí cao trong lá phiếu của mình 

Ông Nguyễn Thế Kỷ - Phó Trưởng ban Tuyên giáo TƯ cho biết, ngày mai, trong phiên họp đầu tiên của nhiệm kỳ, Ban Chấp hành TƯ XII sẽ bầu Bộ Chính trị. Trong số các Ủy viên Bộ Chính trị sẽ chọn bầu Tổng Bí thư. Đồng thời, Ban Chấp hành TƯ XII sẽ bầu Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra TƯ. Trong số những Ủy viên được bầu vào Ủy ban Kiểm tra TƯ sẽ được Ban Chấp hành TƯ khóa XII bầu là Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra TƯ.

Theo dự thảo văn kiện ĐH, Ban Chấp hành TƯ khóa XII cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có kết quả 6 nhiệm vụ trọng tâm để đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, phát huy mọi nguồn lực và động lực để phát triển đất nước nhanh, bền vững.

Đó là, tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

Xây dựng tổ chức bộ máy của toàn hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu.

Tập trung thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động. Thực hiện có hiệu quả ba đột phá chiến lược (hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ), cơ cấu lại tổng thể và đồng bộ nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, chú trọng công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới. Chú trọng giải quyết tốt vấn đề cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, cơ cấu lại ngân sách nhà nước, xử lý nợ xấu và bảo đảm an toàn nợ công.

Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; giữ vững môi trường hoà bình, ổn định để phát triển đất nước. Mở rộng và đưa vào chiều sâu các quan hệ đối ngoại; tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, thực hiện hiệu quả hội nhập quốc tế trong điều kiện mới, tiếp tục nâng cao vị thế và uy tín của đất nước trên trường quốc tế.

Thu hút, phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực và sức sáng tạo của nhân dân; chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.

Phát huy nhân tố con người trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; tập trung xây dựng con người về đạo đức, nhân cách, lối sống, trí tuệ và năng lực làm việc; xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh. Giải quyết tốt những vấn đề bức thiết; tăng cường quản lý phát triển xã hội; bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội./.

Đọc thêm