Cán bộ nhân viên Tập đoàn TH tham gia tọa đàm về vai trò của nam giới trong thúc đẩy bình đẳng giới

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Hơn 200 cán bộ nhân viên các công ty Tập đoàn TH tại Nghệ An tham gia tọa đàm “Nam giới tiên phong thúc đẩy bình đẳng giới” để cùng lắng nghe, thảo luận về vai trò của nam giới trong thúc đẩy bình đẳng giới từ gia đình tới nơi làm việc và trong cộng đồng.

Ngày 11/12, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VSF) phối hợp cùng Tập đoàn TH và Diễn đàn Kết nối Nam giới vì Bình đẳng giới và Phát triển bền vững (VNMENNET) tổ chức Tọa đàm “Nam giới tiên phong hành động thúc đẩy bình đẳng giới” cho hơn 200 cán bộ nhân viên các công ty thành viên của Tập đoàn TH tại huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An.

Đây là hoạt động thuộc khuôn khổ chiến dịch “Tô cam 2024 - Đoàn kết hành động chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái” do VSF, tập đoàn TH và Ngân hàng TMCP Bắc Á (BAC A BANK) phối hợp tổ chức nhằm nâng cao nhận thức và khẳng định vai trò của nam giới trong việc thúc đẩy bình đẳng giới, từ gia đình đến cộng đồng và nơi làm việc.

Mở đầu tọa đàm, PGS. TS. Trần Kiên - Giảng viên Trường Đại học Luật (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã dẫn dắt sự quan tâm của người tham dự bằng những hình ảnh và con số đầy ám ảnh về thực trạng bất bình đẳng giới tại Việt Nam đối với cả nữ giới và nam giới - điều mà nhiều tham dự viên còn thấy xa lạ. Với gần 2/3 phụ nữ đã từng trải qua ít nhất một hình thức bạo lực bởi chồng và bạn tình trong đời, nữ giới chiếm đa số trong thống kê các nạn nhân của bạo lực gia đình. Tuy nhiên, theo số liệu năm 2024, tỷ lệ nạn nhân là nam giới đang có dấu hiệu tăng so với các năm trước.

Nối tiếp bài dẫn đề là phiên thảo luận bàn tròn với sự tham gia của 2 diễn giả nổi tiếng trong lĩnh vực bình đẳng giới và phát triển cộng đồng: ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội), Nhà báo Trương Anh Ngọc; và đại diện lãnh đạo của Tập đoàn TH: bà Lưu Thị Thu Hiền - Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần thực phẩm sữa TH, ông Nguyễn Tiến Dũng - Giám đốc nhà máy sữa TH, Chủ tịch Công đoàn Công ty Cổ phần sữa TH. Phiên thảo luận diễn ra dưới sự điều hành của bà Trần Hồng Điệp - Giám đốc VSF.

Vai trò của sự sẻ chia trong tạo dựng một gia đình “hạnh phúc đích thực”

Trong phiên thảo luận, diễn giả Trương Anh Ngọc và Đặng Hoa Nam đã mang tới những câu chuyện về bình đẳng rất giản dị trong chính tổ ấm của mình: từ chuyện nấu cơm, rửa bát cho tới chuyện mẹ chồng - nàng dâu, chăm sóc con cái.

Nhà báo Trương Anh Ngọc nhấn mạnh vào sự cần thiết của nỗ lực từ cả nam giới và nữ giới trong việc thúc đẩy bình đẳng giới. Theo đó, ông cho biết bình đẳng giới phải xuất phát từ cả hai phía, để cả hai cùng nhìn nhận được các vấn đề mà đối phương đang gặp phải, để từ đó tìm ra phương hướng giải quyết. “Các công việc trong gia đình không phải là ai giúp ai vì đó là trách nhiệm của cả hai vợ chồng”, ông cho biết.

Ông Đặng Hoa Nam và nhà báo Trương Anh Ngọc mang tới những câu chuyện giản dị về bình đẳng giới trong gia đình

Chung quan điểm với nhà báo Trương Anh Ngọc, ông Đặng Hoa Nam chia sẻ về vai trò quan trọng của cả vợ và chồng trong việc chăm sóc và nuôi dạy con cái. Ông phản đối quan niệm "Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà", cho rằng điều này không chỉ thiếu công bằng mà còn đặt gánh nặng lên người phụ nữ. Theo ông, sự phát triển toàn diện của trẻ chỉ có thể đạt được khi cả cha và mẹ cùng chia sẻ trách nhiệm và đồng hành trong hành trình nuôi dạy con.

Bình đẳng trong môi trường doanh nghiệp

Không chỉ dừng lại ở đề tài gia đình, bình đẳng giới tại nơi làm việc cũng là chủ đề được các diễn giả đưa ra thảo luận sôi nổi.

Ông Nguyễn Tiến Dũng - Giám đốc Nhà máy Sữa TH, Chủ tịch Công đoàn Công ty Cổ phần Sữa TH cho biết trước đây, cán bộ nhân viên được tuyển tại nhà máy chủ yếu là nam giới do định kiến nữ giới không giỏi các việc về máy móc, kỹ thuật. Tuy nhiên, sau những chuyến đi công tác và học hỏi kinh nghiệm từ các doanh nghiệp nước ngoài, ông nhận thấy việc sử dụng lao động nữ trong vận hành nhà máy không hề xa lạ. Nhận thức này đã thúc đẩy ông thay đổi cách nhìn và bắt đầu tuyển dụng nhân sự nữ.

Kết quả vượt xa những lo ngại ban đầu: các nữ cán bộ nhân viên tại nhà máy không chỉ đáp ứng yêu cầu công việc mà còn chứng tỏ năng lực không thua kém đồng nghiệp nam. Từ một môi trường từng có phần áp đảo bởi lao động nam, hiện nay, hơn 30% nhân sự tại nhà máy sữa TH là nữ giới.

“Thực tế tại nhà máy sữa TH đã chứng minh rằng nữ giới hoàn toàn có năng lực vận hành thiết bị và đảm nhận những công việc nặng nhọc không kém gì nam giới. Họ có quyền và khả năng làm việc ở những vị trí tương đương,” ông Nguyễn Tiến Dũng khẳng định.

Bà Lưu Thị Thu Hiền và ông Nguyễn Tiến Dũng chia sẻ về những kinh nghiệm của Tập đoàn TH trong tạo dựng môi trường làm việc bình đẳng, công bằng

Bà Lưu Thị Thu Hiền - Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thực phẩm Sữa TH cũng chia sẻ thêm về chính sách Đa dạng - Công bằng - Hòa nhập - Gắn kết (DEI&B) cùng các quy định tuyển dụng công bằng, tôn trọng sự khác biệt khác mà Tập đoàn TH đã và đang áp dụng. Những điều này đã góp phần tạo nên sự gắn kết giữa cán bộ nhân viên trong Tập đoàn, tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. “Dù là trong gia đình hay nơi làm việc, việc chúng ta biết tôn trọng, biết chia sẻ và kết nối chính là mấu chốt để có thể thúc đẩy bình đẳng giới,” bà nhấn mạnh.

Cam kết chung tay hành động

Không chỉ lắng nghe những chia sẻ từ các diễn giả, tham dự viên còn có cơ hội tương tác trực tiếp, đặt câu hỏi xoay quanh các vấn đề về bình đẳng giới và vai trò của từng cá nhân trong việc thay đổi định kiến, cũng như chia sẻ những câu chuyện về bất bình đẳng giới mà họ từng chứng kiến hoặc trải qua.

200 tham dự viên cũng được tham gia trò chơi đồng đội nhằm củng cố các thông tin và kiến thức về bình đẳng giới. Trò chơi đã tạo nên không khí sôi động và giúp người tham dự hiểu sâu hơn về các khái niệm như định kiến giới, bạo lực giới, và các hành động thiết thực để thúc đẩy bình đẳng giới trong cuộc sống hàng ngày.

Không khí sôi động trong buổi tọa đàm

“Lâu nay mình vẫn cho rằng bình đẳng giới chỉ dành cho phụ nữ. Qua buổi hôm nay mới hiểu được nam giới cũng có áp lực, cũng chịu bất bình đẳng,” chị Đặng Thị Lý, một trong những tham dự viên, chia sẻ.

Thông qua buổi tọa đàm, tham dự viên cũng hiểu được rằng thúc đẩy bình đẳng giới xuất phát từ những điều giản dị thường ngày, và mỗi cá nhân đều có trách nhiệm trong đó.

“Sau buổi tọa đàm, tôi nhận ra được rằng bình đẳng giới bắt đầu từ những công việc hàng ngày trong gia đình, cuộc sống. Nam giới cũng cần chia sẻ gánh nặng với nữ giới để cả hai bên có thể thoải mái hơn,” anh Bùi Trung Kiên, một tham dự viên khác cho biết.

Một khoảnh khắc đầy xúc động và ý nghĩa trong tọa đàm là khi các đại diện nam giới từ các công ty thành viên của Tập đoàn TH tại Nghệ An cùng tham gia nghi thức Cam kết hành động, khẳng định quyết tâm xóa bỏ mọi hình thức bạo lực trên cơ sở giới.

Đại diện nam giới Tập đoàn TH thực hiện nghi thức cam kết hành động

Ông Tal Cohen - Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần thực phẩm sữa TH - phát biểu: “Để thúc đẩy bình đẳng giới, chúng tôi nhận thấy rằng nam giới có vai trò then chốt, vô cùng quan trọng. Tôi tin tưởng và kêu gọi nam giới tại Tập đoàn TH đồng hành với phụ nữ trong việc chia sẻ trách nhiệm gia đình, sự nghiệp, và tiếng nói trong cộng đồng, thể hiện sự công bằng và tôn trọng đối với nữ giới, góp phần xây dựng một xã hội công bằng hơn, nơi cả hai giới đều có cơ hội phát triển”.

Kết thúc sự kiện, hơn 200 người tham dự tọa đàm đã cùng viết thông điệp và lời cam kết, khẳng định trách nhiệm cá nhân trong việc xây dựng một xã hội bình đẳng và an toàn cho phụ nữ và trẻ em.

Những ruy băng, những thông điệp cam được treo lên thay lời cam kết chung tay hành động vì bình đẳng giới

Đọc thêm