Cần bổ sung tiêu chuẩn 'đầu vào' đối với nguồn đào tạo giáo viên

(PLVN) - Để đáp ứng vai trò, vị trí của nhà giáo, có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị, bổ sung quy định về tiêu chí, tiêu chuẩn đầu vào đối với nguồn đào tạo giáo viên tại các cơ sở đào tạo nguồn giáo viên, tránh tình trạng như nhiều năm qua, việc tuyển sinh đối với nhiều cơ sở đào tạo nguồn giáo viên có đầu vào gần như thấp nhất theo tiêu chuẩn xét tuyển so với nhiều ngành, lĩnh vực.
Quang cảnh phiên làm việc sáng 20/11. (Ảnh: quochoi.vn)
Quang cảnh phiên làm việc sáng 20/11. (Ảnh: quochoi.vn)

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, hôm nay - 20/11 là Ngày Nhà giáo Việt Nam, Quốc hội đã dành trọn phiên họp buổi sáng để thảo luận về dự án Luật Nhà giáo. Phiên họp được truyền hình trực tiếp trên Truyền hình Quốc hội Việt Nam để cử tri và Nhân dân theo dõi.

Theo các đại biểu, về quan điểm, chủ trương của Đảng lẫn sự quan tâm của xã hội đều xác định vị trí, vai trò quan trọng hàng đầu của nhà giáo, nhưng thực tế, hệ thống pháp luật sau thời gian dài vẫn chưa có luật riêng về nhà giáo. Do đó, việc ban hành Luật Nhà giáo là hết sức cần thiết, vừa đáp ứng được yêu cầu thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về phát triển đội ngũ nhà giáo, vừa phù hợp với điều kiện thực tế về xây dựng hệ thống pháp luật của Việt Nam trong bối cảnh hiện nay. Các đại biểu đã góp nhiều ý kiến hoàn thiện dự thảo Luật, trong đó có các quy định về tiêu chuẩn với nhà giáo.

Đại biểu Trần Văn Tiến. (Ảnh: quochoi.vn)

Đại biểu Trần Văn Tiến. (Ảnh: quochoi.vn)

Đại biểu Trần Văn Tiến (Đoàn Vĩnh Phúc) đề nghị, bổ sung quy định về tiêu chí, tiêu chuẩn đầu vào đối với nguồn đào tạo giáo viên tại các cơ sở đào tạo nguồn giáo viên, nhằm nâng cao chất lượng đầu vào đối với các giáo viên trong tương lai, tránh tình trạng như nhiều năm qua, việc tuyển sinh đối với nhiều cơ sở đào tạo nguồn giáo viên có đầu vào giáo viên gần như thấp nhất theo tiêu chuẩn xét tuyển so với nhiều ngành, lĩnh vực.

Liên quan đến nội dung về tiền lương và phụ cấp tại Điều 27, điểm d khoản 1 Điều này quy định nhà giáo tuyển dụng, xếp lương lần đầu được xếp tăng 1 bậc lương trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. Tuy nhiên, Đại biểu cho biết, tại Điều 18 quy định đối với người trúng tuyển, thực hiện chế độ tập sự, thử việc hoặc thính giảng thì chế độ tiền lương và phụ cấp được thực hiện như thế nào lại chưa được quy định cụ thể. Do vậy, Đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu quy định này…

Về các chính sách hỗ trợ nhà giáo được quy định trong dự thảo Luật, Đại biểu cho rằng, việc thực hiện các chính sách hỗ trợ này đang chỉ phù hợp với các cơ sở giáo dục công lập. Đại biểu băn khoăn, đối với các cơ sở giáo dục ngoài công lập, các nhà giáo có được hưởng các chính sách hỗ trợ này không? “Nếu không sẽ tạo ra sự mất cân bằng, vì vậy đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu nội dung này để đảm bảo tính công bằng đối với các nhà giáo trong xã hội”, Đại biểu Tiến nêu quan điểm.

Đại biểu Tô Văn Tám. (Ảnh: quochoi.vn)

Đại biểu Tô Văn Tám. (Ảnh: quochoi.vn)

Cùng quan tâm tới quy định về tuyển dụng nhà giáo, Đại biểu Tô Văn Tám (Đoàn Kon Tum) nêu rõ, giáo dục có vai trò quan trọng và nhà giáo là trung tâm, là người quyết định chất lượng đào tạo, giáo dục con người, trực tiếp tác động, truyền thụ tư duy, tư tưởng, kiến thức của các thế hệ người học. Do vậy, đòi hỏi cao ở nhà giáo không chỉ về đạo đức, chuẩn mực, mô phạm, sự hiểu biết, tính sáng tạo mà còn về phẩm chất, tư tưởng chính trị của nhà giáo. Phẩm chất chính trị, tư tưởng nhà giáo là nhân tố cơ bản giữ vai trò chủ đạo, định hướng sự phát triển đạo đức của đội ngũ nhà giáo. Nhà trường không chỉ là nơi dạy chữ và các trí thức khoa học mà còn là nơi rèn luyện, truyền thụ phẩm chất, nhân cách của người học. Từ phân tích trên, Đại biểu Tám đề nghị bổ sung tiêu chuẩn về phẩm chất chính trị, tư tưởng vào khoản 1 Điều 14 dự thảo Luật.

Đại biểu Tô Văn Tám cũng nhận thấy, dự thảo Luật đã trao quyền tuyển dụng nhà giáo cho cơ quan quản lý giáo dục chủ trì tuyển dụng hoặc phân cấp, ủy quyền hoặc người đứng đầu cơ sở giáo dục thực hiện việc tuyển dụng tại điểm a, b khoản 2 Điều 16.

Đại biểu cho rằng việc trao quyền như vậy sẽ tạo cơ sở cho cơ quan quản lý giáo dục, cơ sở giáo dục tuyển dụng nhà giáo đáp ứng yêu cầu ngành Giáo dục cũng như chủ động trong điều phối biên chế, điều phối nhà giáo của ngành Giáo dục. Tuy nhiên, Đại biểu đề nghị cần giải thích rõ thế nào là người có trình độ cao, người có tài năng tại điểm a khoản 3 về các trường hợp đặc cách ưu tiên để dễ thực hiện khi tuyển dụng, bảo đảm tính khả thi của quy định...

Đọc thêm