Cán bộ thu hồi đất trải lòng sau vụ nổ súng ở Thái Bình

“Chưa đến mức bị dùng súng bắn, nhưng việc cầm dao, gậy gộc, điện thoại nhắn tin đe dọa là chuyện xảy ra thường xuyên”, một cán bộ công tác tại Trung tâm phát triển quỹ đất (TTPTQĐ) huyện Ba Vì (Hà Nội) chia sẻ với Pháp luật Việt Nam sau sự việc nổ súng kinh hoàng tại Thái Bình…

[links()]“Chưa đến mức bị dùng súng bắn, nhưng việc cầm dao, gậy gộc, điện thoại nhắn tin đe dọa là chuyện xảy ra thường xuyên”, một cán bộ công tác tại Trung tâm phát triển quỹ đất (TTPTQĐ) huyện Ba Vì (Hà Nội) chia sẻ với Pháp luật Việt Nam sau sự việc nổ súng kinh hoàng tại Thái Bình…

Lực lượng chức năng khám nghiệm hiện trường vụ xả súng tại trụ sở UBND TP.Thái Bình
Lực lượng chức năng khám nghiệm hiện trường vụ nổ súng tại trụ sở UBND TP.Thái Bình.

"Bị đe dọa suốt"

Không muốn đưa tên mình lên báo, nhưng khi nhắc đến vụ xả súng vào các cán bộ TTPTQĐ vừa xảy ra tại tỉnh Thái Bình, vị cán bộ này trầm ngâm một lúc rồi mới cất lời “tất nhiên là không thể chấp nhận được việc đó”.

Theo ông, cán bộ công tác trong lĩnh vực này phải hoạt động theo quy định trong khuôn khổ pháp luật, còn người dân bao giờ cũng có xu hướng đòi thêm quyền lợi, nên giữa hai bên ít khi thống nhất được ngay.

“Bao giờ cũng có “độ vênh” nhất định nên cũng rất dễ dẫn đến căng thẳng. Mình trình ra tất cả các quy định pháp luật, và trong phạm vi pháp luật cho phép, mình cũng cố gắng làm thế nào để đảm bảo quyền lợi cao nhất cho người dân. Trong việc giải phóng mặt bằng, người dân cũng vất vả, đặt vào địa vị của người dân, rất dễ hiểu nỗi vất vả này”, ông nói.

Bởi, “nếu như thu hồi ngôi nhà mà họ đang sinh sống thì sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của họ. Nhà nước có chính sách rồi nên người dân phải chấp hành chính sách, nhưng nếu  có quyền lựa chọn thì không mấy ai lựa chọn nhà cửa ruộng vườn của mình ở vào khu vực giải phóng mặt bằng”, ông tâm sự.

Do phải đảm nhận những công việc khá là “nhạy cảm” liên quan đến đất đai, cán bộ này khẳng định “dứt điểm là nghề của anh em chúng tôi là nghề rất khó khăn, vất vả”. “Tôi chưa hình dung đến việc bị người ta cầm súng bắn, nhưng việc bị đe dọa bằng dao, gậy gộc, tin nhắn điện thoại thì xảy ra thường xuyên. Có nhiều khi chúng tôi thuyết phục, vận động “hết lời” nhưng người dân vẫn không đồng ý, tiếp tục đưa ra yêu sách và gửi đơn từ khắp nơi, từ trung ương trở xuống để vu khống”, ông nói.

Thế nhưng, cũng theo lời vị cán bộ này, luật vẫn là luật, không thể làm khác được, “chỉ có điều mình đưa ra các giải pháp phù hợp để hỗ trợ tối đa giúp người dân giảm bớt khó khăn, chứ không thể thay đổi được cái trong ranh giới và ngoài ranh giới”.

Đi tìm vấn đề cốt yếu

Nhiều chuyên gia nhìn nhận, một trong những “điểm nghẽn” hiện nay liên quan đến chính sách đất đai là việc giải phóng mặt bằng. Nhiều địa phương gọi đây là “nỗi ám ảnh” bởi dù quy trình đầy đủ đến đâu thì việc đáp ứng tiến độ và có sự đồng thuận của hầu hết người dân dường như là điều bất khả thi.

Tổng giám đốc Ban quản lý dự án giao thông 1 (PMU1), ông Hoàng Đình Phúc cho biết, trước có thời kỳ các ban quản lý dự án ngành giao thông (PMU), vừa đồng thời là chủ đầu tư, vừa là chủ thể giải phóng mặt bằng. Có PMU từng thành lập tới 2 phòng giải phóng mặt bằng với hàng chục cán bộ “tinh nhuệ” thì hiện nay phải “giải tán”, phân bổ, điều chuyển vào các bộ phận chuyên môn khác.

Cũng như các lĩnh vực khác, trong công tác giải phóng mặt bằng thì con người vẫn là vấn đề cốt yếu, quan trọng nhất. “Đặc biệt, khi cán bộ giải phóng mặt bằng là những người trực tiếp làm việc với người dân, giải quyết những quyền lợi thiết thực cho dân”, ông Phúc nhìn nhận.

“Vì thường xuyên tiếp xúc với người dân trên danh nghĩa đại diện cho nhà nước, nên cán bộ giải phóng mặt bằng phải giỏi, có tâm. Nhưng thực tế hiện nay cán bộ đang làm công tác giải phóng mặt bằng đa phần đều kiêm nhiệm và không phải ai cũng xuất sắc cả. Mỗi phát ngôn sai lệch đều có thể dẫn đến khiếu kiện vượt cấp, kéo dài. Cho nên, phải quy định cán bộ có trình độ như thế nào thì mới được tiếp xúc với dân và có chế độ đãi ngộ xứng đáng” - lãnh đạo PMU này bày tỏ.

Để tránh được nguy cơ các đối tượng manh động đe dọa, hoặc dùng vũ lực để gây ảnh hưởng đến sức khỏe và tinh thần những người làm việc trong lĩnh vực này, vị cán bộ công tác tại TTPTQĐ huyện Ba Vì cho rằng, cần phải nhìn nhận sự việc từ hai phía, từ cán bộ Nhà nước và người dân. Người dân cần phải hiểu biết về mặt pháp luật để thực hiện nghĩa vụ của mình, còn cán bộ Nhà nước thì phải chia sẻ với khó khăn của nhân dân.

“Nếu cả hai phía làm được điều này thì sẽ không có những chuyện manh động xảy ra. Mình chia sẻ khó khăn với người dân, lời lẽ ăn nói cũng không nên cứng nhắc. Cán bộ nói với nhau còn phải lựa lời, đối với người dân thì mình phải mềm mỏng hơn. Ta phải đặt địa vị vào người dân, chả ai muốn tự cầm súng bắn người, chắc phải có nguyên nhân”, ông phân tích.

Cũng theo vị cán bộ này, về mặt sâu xa thì chế độ chính sách nhiều khi còn bất cập. Chẳng hạn trong nguyên tắc đền bù ngang giá hoặc hơn cho người dân có một số chỗ chưa làm được. Trong khi đấu giá tầm 20 triệu/m2 đất ở, nhưng khi đền bù thì thấp hơn rất nhiều, và nếu cán bộ giải quyết quan liêu thì bất cập rất dễ xảy ra, có khi dẫn đến những hệ quả không ai mong muốn.

Nổ súng tại Trụ sở UBND TP Thái Bình, Phó giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất tử vong

Khoảng 14h ngày 11/9, Đặng Ngọc Viết (sinh năm 1971, trú tại số nhà 11, ngõ 345, tổ 48, phường Kỳ Bá, tp. Thái Bình) xông vào trụ sở UBND Tp. Thái Bình xả súng bắn 5 cán bộ Trung tâm phát triển quỹ đất Tp. Thái Bình. Theo thông tin ban đầu, ông Vũ Ngọc Dũng (SN 1962, Phó giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất thành phố) bị bắn vào đầu và đã tử vong; ông Nguyễn Thanh Dương (SN 1975, cán bộ trung tâm) bị bắn vào mắt phải, anh Vũ Công Cương (SN 1990, cán bộ trung tâm) bị bắn vào đầu, bà Phạm Thị Lan Anh (SN 1977, Phó giám đốc trung tâm) bị bắn sượt qua mang tai phải. Đặng Ngọc Viết sau đó đã tự sát tại một ngôi chùa.

Nguyên nhân ban đầu được xác định là do mâu thuẫn trong việc đền bù, giải phóng mặt bằng, triển khai một dự án ở Kỳ Bá đối với gia đình Đặng Ngọc Viết.

Việt Hưng

Đọc thêm