Do đó, Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương đã cho ý kiến về “Đề án phòng chống tiêu cực trong hoạt động hành nghề luật sư - LS” tại Phiên họp thứ 25 diễn ra hôm qua (17/3) dưới sự chủ trì của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang – Trưởng ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương.
Luật sư tiêu cực vì được nhờ vả
Theo Liên đoàn LS Việt Nam (LĐLSVN), LS có thể có các hành vi tác động bằng cách mua chuộc, giúp sức cho tiêu cực, tham nhũng. Tiêu cực trong hoạt động hành nghề LS thể hiện ở hành vi tiếp tay cho hành vi tham nhũng như đưa hối lộ, môi giới hối lộ, hoặc hành vi khác nhằm giúp sức cho tội phạm tham nhũng, tiếp tay cho các thế lực xấu thực hiện việc rửa tiền, che giấu nguồn gốc của đồng tiền bất hợp pháp. Thực tế đã từng xảy ra một số trường hợp LS có hành vi lừa đảo, “chạy án” và đã bị xử lý hình sự.
Từ năm 2009 đến tháng 9/2015, Liên đoàn đã nhận được hơn 400 đơn khiếu nại, tố cáo đối với LS, trong đó có rất nhiều đơn thư có nội dung liên quan đến vi phạm đạo đức trong hành nghề LS. Đến cuối năm 2015, các Đoàn LS đã xử lý kỷ luật 100 trường hợp, trong đó đã kỷ luật bằng hình thức xóa tên 35 LS (đa số là vi phạm trong hành nghề LS). Có một số LS đã vi phạm nghiêm trọng, bị khởi tố, xử lý hình sự do lừa đảo khách hàng để chiếm đoạt tài sản.
Thực tế, nhiều khách hàng tìm đến LS để yêu cầu làm trung gian nhờ cán bộ giúp đỡ, mong dùng lợi ích vật chất để bảo đảm đánh đổi được quyền lợi trong vụ việc theo mong muốn do không có niềm tin vào luật pháp và các cơ quan nhà nước.
“Đây là nguyên nhân dẫn đến hành vi tiêu cực, hối lộ, tiếp tay cho tiêu cực khi những LS thiếu bản lĩnh chấp nhận yêu cầu của khách hàng” – LĐLSVN nhận định.
Cùng với đó, “nghề LS chưa nuôi sống được người hành nghề” đã khiến nhiều LS sa vào tiêu cực nên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Doãn Khánh cho rằng đây là căn nguyên của nhiều hành vi tiêu cực trong hoạt động LS cần được triệt tiêu.
Ngoài ra, do một bộ phận LS tham gia hành nghề với mục tiêu vì tiền nên thường chủ động dụ dỗ, lôi kéo hoặc gợi ý khách hàng, câu kết, móc ngoặc với cán bộ nhà nước để “chạy án”, “chạy việc” nhằm trục lợi. Tình trạng này được phản ánh qua đơn thư khiếu nại, tố cáo LS. Tuy nhiên, hầu hết các trường hợp khiếu nại, tố cáo chưa đủ cơ sở, chứng cứ để chuyển sang xử lý hình sự nên các Đoàn LS chỉ có thể xử lý kỷ luật do LS vi phạm các quy tắc về đạo đức nghề nghiệp.
Phòng chống tiêu cực “từ nguồn”
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu cho rằng, Đề án cần xuất phát từ vị trí đặc thù của hoạt động LS cũng như những yêu cầu phát triển của đất nước để nhận diện các hành vi tiêu cực và xác định những giải pháp tổng thể chứ không chỉ là những giải pháp “nội bộ” của Liên đoàn, của các Đoàn LS. Theo ông Nguyễn Doãn Khánh, cần phòng, chống tiêu cực “từ nguồn” để xóa bỏ môi trường phát sinh tiêu cực của LS bằng việc hoàn thiện thể chế, pháp luật.
Còn Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang nhấn mạnh, phòng, chống tiêu cực trong hoạt động LS cần được đặt trong mối quan hệ với việc phòng, chống tiêu cực của các cơ quan có liên quan, nhất là các cơ quan tiến hành tố tụng. Đồng tình, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Sơn chỉ ra “thông tin về các hành vi tham nhũng, trong đó có những hành vi tiêu cực của LS “len lỏi” ngay trong các cơ quan nhà nước, nhất là các cơ quan tiến hành tố tụng, nên cần có sự phối hợp. Cùng với đó, Phó Viện trưởng VKSNDTC Lê Hữu Thể thấy phải có giải pháp tạo cho giới LS niềm kiêu hãnh của “một hiệp sỹ bảo vệ công lý” chứ không phải tâm lý lo ngại, đề phòng, tìm cách luồn lách… để người dân tin vào LS.
Để phòng, chống tiêu cực của LS, đại diện các cơ quan cho rằng, Đề án cần có giải pháp nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vai trò hoạt động LS, chú trọng đến công tác quản lý nhà nước và giám sát của chính các cơ quan tiến hành tố tụng đối với hoạt động LS, phát huy Quy tắc đạo đức nghề nghiệp LS... Nhất là “tận dụng được vai trò của báo chí, dư luận. Công khai vi phạm của LS sẽ buộc các LS phải cẩn trọng vì LS hoạt động bằng uy tín” - Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu quan điểm.
Đánh giá cao nỗ lực của LĐLSVN trong việc xây dựng Đề án và các ý kiến góp ý, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đề nghị, Đề án phải được tiếp thu và chỉnh lý, hoàn thiện và trình cấp có thẩm quyền trước ngày 18/4.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: “Không gươm, đao, súng, đạn nào bảo vệ được chế độ mà không có công lý”
“LS dù là nghề tự do nhưng cao quý vì có thiên chức bảo vệ lẽ phải, công lý, quyền hợp pháp của công dân, chế độ. Không gươm, đao, súng, đạn nào bảo vệ được chế độ mà không có công lý, do đó cần thiết xây dựng Đề án này. Uy tín của LS sẽ được xã hội đánh giá, ghi nhận, nhưng cùng với việc kỷ luật các LS vi phạm cần chú trọng đến việc tôn vinh, khen thưởng, xây dựng hình ảnh cho các LS, thay đổi nhận thức của xã hội, của các cơ quan nhà nước, nhất là cơ quan tiến hành tố tụng về sự tham gia của LS không phải để làm rối việc. Thêm nữa, nên lưu ý đến những nguyên nhân làm phát sinh tiêu cực của LS, những mục tiêu phòng, chống tiêu cực để có giải pháp phù hợp, sát thực tế, không thể đưa ra rồi để đấy, không thực hiện được”.