Cán bộ tư pháp Lạc Thủy (Hòa Bình) 'gãi đúng chỗ ngứa' người dân

(PLO) - Thường xuyên lắng nghe ý kiến từ cấp cơ sở để nắm bắt nguyện vọng của nhân dân và làm cơ sở đào tạo nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ tư vấn - đó là cách làm của các cán bộ Phòng Tư pháp huyện Lạc Thủy (tỉnh Hòa Bình) nhằm đưa pháp luật đến với nhân dân.
Một buổi TGPL lưu động cho học sinh.Ảnh minh họa.
Một buổi TGPL lưu động cho học sinh.Ảnh minh họa.

Phục vụ nhu cầu từ cơ sở

Ông Lê Trần Giang, Trưởng Phòng Tư pháp huyện Lạc Thủy cho biết, toàn huyện có 15 xã, thị trấn, trong đó có 9 xã thuộc diện xã đặc biệt khó khăn. Với địa hình hiểm trở, cộng với bất đồng ngôn ngữ nên để nhân dân nắm bắt được các chủ trương pháp luật là điều không hề đơn giản. Trong khi nhu cầu cần trợ giúp pháp lý, hỗ trợ pháp luật của người dân là rất lớn thì đội ngũ cán bộ tư pháp của phòng lại chỉ có vài người.

“Cái khó ló cái khôn” - các cán bộ phòng tư pháp huyện Lạc Thủy đã cùng ngồi lại, tìm cách tháo gỡ. Từ ý kiến tập thể, lãnh đạo Phòng Tư pháp huyện đã quyết định chọn phương án “gãi đúng chỗ ngứa” là: hàng tháng, cán bộ tư pháp cấp cơ sở sẽ khảo sát, thu thập ý kiến từ quần chúng để xem nhu cầu cần trợ giúp cụ thể như thế nào. “Ví dụ ở xã A nổi cộm lên vấn đề tranh chấp đất đai thì trong tháng đó sẽ tổ chức buổi trợ giúp, phổ biến về Luật Đất đai. Đồng thời hướng dẫn người dân những hướng tháo gỡ khi xảy ra tranh chấp”, ông Giang dẫn chứng.

Mỗi năm Phòng Tư pháp huyện Lạc Thủy tổ chức 30 điểm trên địa bàn 15 xã, thị trấn. Riêng 6 tháng đầu năm 2016, phòng  đã tổ chức trợ giúp pháp lý được 10 điểm tại các xã vùng sâu vùng xa với hơn 700 người tham dự. Có 138 vụ việc phát sinh từ các buổi trợ giúp được người dân đề nghị giúp đỡ. Riêng tại trụ sở, các cán bộ phòng tư pháp đã trợ giúp đươc 13 vụ việc. Bên cạnh đó phòng đã hòa giải thành 26/32 vụ việc.

Ngoài thu thập thông tin từ cán bộ tư pháp cơ sở, phòng Tư pháp huyện Lạc Thủy cũng thường xuyên nắm tình hình thông qua chính quyền địa phương. Những báo cáo về tình hình xã hội là một căn cứ để đơn vị có hướng phổ biến pháp luật đúng nơi, đúng chỗ. Ví dụ trong năm ở xã nào nổi lên tình trạng ly hôn nhiều thì cán bộ cơ sở đề xuất đến Phòng Tư pháp. Rồi Phòng Tư pháp sẽ tham mưu cho UBND huyện chú trọng vào những nội dung này khi thực hiện tuyên truyền.

Ngoài những chuyến trợ giúp pháp lý lưu động về cơ sở thì ngay tại Phòng Tư pháp huyện, lúc nào cũng có ít nhất hai cán bộ sẵn sàng giải đáp những thắc mắc của nhân dân: “Gần như ngày nào cũng có người đến yêu cầu hỗ trợ. Chủ yếu là thay đổi thông tin hộ tịch, hộ khẩu, giải quyết hồ sơ đất đai và ly hôn”, ông Giang nói.

Bên cạnh việc nắm bắt nhu cầu nhân dân, Phòng Tư pháp huyện Lạc Thủy còn chú trọng đến công tác bồi dưỡng kiến thức cho đội ngũ cán bộ, đặc biệt là cán bộ cơ sở khi hàng tháng, hàng quý đều tổ chức những buổi nói chuyện, những lớp bồi dưỡng kiến thức. Cũng là cách làm mới, phòng tư pháp huyện đã đề nghị cấp cơ sở có ý kiến về nhu cầu bồi dưỡng: “Hàng tháng chúng tôi tổng hợp ý kiến cán bộ cơ sở, xem ở đâu cần bồi dưỡng lĩnh vực nào sau đó tổ chức lớp tập huấn. Mục đích nhằm bồi dưỡng đúng người, đúng nhu cầu” - ông Giang cho biết.

Ông Giang chia sẻ công tác trợ giúp pháp lý ở vùng cao.
Ông Giang chia sẻ công tác trợ giúp pháp lý ở vùng cao.

Trăn trở nỗi niềm phục vụ dân

Trao đổi với phóng viên, ông Giang cũng thừa nhận, “thực tế, nhu cầu trợ giúp pháp lý của nhân dân quá lớn và Phòng Tư pháp huyện chưa thể giải đáp toàn bộ thắc mắc của người dân. Qua thực tiễn những buổi trợ giúp pháp lý, chúng tôi nhận thấy rất nhiều người dân mong muốn được cán bộ tư pháp hỗ trợ tiếp, theo sát họ trong các hoạt động tố tụng. Nhưng đội ngũ cán bộ hạn chế về số lượng nên chưa thể đáp ứng được”.

Bên cạnh đó là hạn chế về chuyên môn: “Sắp tới chúng tôi sẽ đề xuất cho cán bộ đi học nâng cao về luật pháp để đáp ứng hơn nữa nhu cầu nhân dân. Hiện tại chúng tôi chưa phục vụ tận cùng yêu cầu của người dân. Giá như cán bộ phòng Tư pháp vững kiến thức như các luật sư thì tốt biết bao”, Trưởng phòng Tư pháp huyện Lạc Thủy thẳng thắn nhìn nhận.

Khó khăn nữa trong công tác tuyên truyền pháp luật trên địa bàn huyện gặp nhiều hạn chế là do vị trí địa lý. “Người dân vùng đặc biệt khó khăn, hiểu biết pháp luật còn hạn chế nhưng họ chủ động tìm đến quyền trợ giúp pháp lý thì không nhiều. Phần lớn khi cán bộ về địa phương thì người dân mới giãi bày những vướng mắc. Hoặc trong lúc trợ giúp, các tư vấn viên phát hiện ra điểm rối của nhân dân”, ông Giang nói.

Bên cạnh đó, vấn đề kinh phí hạn hẹp cũng là rào cản trong việc đưa kiến thức pháp luật đến với người dân. Theo quy định hiện nay thì mức kinh phí hỗ trợ các trợ giúp viên vẫn chưa bù đắp được công sức. Mỗi hòa giải viên ở cơ sở chỉ được tính chi phí khi hòa giải thành công, với mức phí 120 ngàn đồng mỗi vụ khó, 80 ngàn đồng đối với vụ việc bình thường. Còn những vụ tranh chấp dễ chỉ được hỗ trợ 60 ngàn đồng. Với tổ hòa giải, số tiền được hỗ trợ 1 tháng khoảng 50 ngàn đồng cho những chi tiêu về văn phòng phẩm. 

Theo ông Giang thì quy chuẩn đánh giá các vụ việc thế nào là khó, thế nào là dễ còn chưa rạch ròi. Do đó khoản tiền công mà cán bộ tư pháp nhận được rất thấp. Họ khó để dành hết tâm huyết với công việc.

Phòng Tư pháp huyện cũng hiểu rõ những khó khăn ở cấp cơ sở này nhưng ngay bản thân phòng Tư pháp cũng gặp khó khăn về kinh phí nên chưa thể hỗ trợ được cho cấp xã. Huyện chỉ có thể hỗ trợ tập huấn và cung cấp tài liệu hòa giải.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Giang luôn trăn trở những giải pháp đổi mới hoạt động tư pháp để đáp ứng yêu cầu nhân dân. Ấp ủ về kế hoạch xin cấp trên tăng cường nhân lực, đề ra kế hoạch trợ giúp pháp lý từng xã một cách chi tiết, ông Giang nói, toàn thể cán bộ phòng tư pháp đều quyết tâm hướng tới hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ năm 2016. Tuy nhiên nhiệm vụ lớn nhất vẫn là niềm trăn trở phải làm sao để nhân dân hài lòng.

Với quyết tâm như vậy, ngay từ đầu năm 2016, phòng tư pháp huyện Lạc Thủy đã đề ra chỉ tiêu cụ thể cho từng xã, thị trấn. Đồng thời lập bảng tiêu chí chấm điểm thi đua nhằm tạo không khí thi đua giữa các đơn vị cơ sở. Đây là điểm mới bởi trước đây công tác thi đua chỉ triển khai chung chung theo kiểu “làm tới đâu hay tới đấy”.

Thành công lớn nhất theo ông Giang là từ năm 2015 tới nay, phòng Tư pháp đã lồng ghép được hoạt động trợ giúp pháp lý và hoạt động tuyên truyền pháp luật “Trước đây, hai hoạt động này chủ yếu tách biệt nhau, cùng tiến hành song song. Nhưng năm nay, phòng phối hợp năm tập thể gồm Mặt trận Tổ quốc, Hội nông dân, Hội phụ nữ, Liên đoàn lao động, Đoàn thanh niên, Phòng Giáo dục Đào tạo huyện để tuyên truyền pháp luật tới người dân. Chúng tôi tin rằng với quyết tâm của toàn tập thể, phòng tư pháp huyện sẽ ngày càng đáp ứng nhu cầu nhân dân”- ông Giang cho biết.

Đọc thêm