Cần cách làm mới với dự án đường sắt đô thị

(PLVN) -Hôm qua (15/12), tại cuộc họp do UBND TP HCM tổ chức về đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị TP HCM theo Kết luận 49-KL/TW của Bộ Chính trị; những trăn trở với đường sắt đô thị (ĐSĐT) một lần nữa được đặt ra.
Ảnh minh họa (Ảnh: Chinhphu.vn).

Lãnh đạo UBND TP cho biết quy hoạch hệ thống ĐSĐT TP có 220km và quy hoạch này đã gần 20 năm. Nhưng trong thực tế, riêng triển khai tuyến metro 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đã mất 15 - 16 năm mới làm được gần 20km.

Vừa qua, Bộ Chính trị có Kết luận 49, trong đó đặt ra mục tiêu mốc thời gian là đến 2035 TP HCM và Hà Nội cơ bản hoàn thiện hệ thống ĐSĐT. Từ tháng 7/2023, TP đã lập tổ công tác xây dựng đề án theo hướng 200km còn lại phải đặt vào tổng thể để triển khai trong 1 đề án, cùng một cơ chế chính sách và hoàn thiện đề án trong 2023. Đầu 2024 đề án sẽ trình Ban Thường vụ Thành ủy, HĐND TP trước khi báo cáo Bộ Chính trị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội để xem xét đưa vào chương trình kỳ họp giữa năm, để có đề án về ĐSĐT cùng với TP Hà Nội.

Như vậy, TP chỉ còn 12 năm thực hiện. Do đó, phải có cách làm hoàn toàn khác dự án metro số 1 mới thực hiện được.

Tại cuộc họp, đại diện Ban Quản lý dự án ĐSĐT TP cho rằng, mục tiêu thực hiện 200km đến 2035 là khả thi nếu tiếp cận theo tư duy mới, cách đi mới đột phá trên cơ sở những bài học kinh nghiệm trong nước và thế giới, có những quy định pháp lý mới. Đề án đề xuất một số cơ chế đặc thù về quy hoạch, đền bù thu hồi đất, tài chính, quản lý dự án… Trong đó, đề xuất cho TP lập và phê duyệt quy hoạch 1/500 hệ thống metro theo khu vực nhà ga TOD (quy hoạch phát triển đô thị quanh các đầu mối giao thông quan trọng - NV) rồi đấu giá quyền phát triển dự án TOD, tạo nguồn thu đầu tư xây dựng hệ thống metro. Đề xuất Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư dự án kết hợp phát triển, chỉnh trang đô thị khu vực TOD…

Tại cuộc họp, một chuyên gia khuyến cáo TP cần cẩn trọng vì huy động nguồn lực thực hiện rất lớn nhưng không phải dự án đi đến đâu thì có mặt bằng, dân cư đô thị đến đó. Phát triển TOD cần thời gian dài, từ thu hồi, đấu giá đất đến thu tiền về ngân sách, có thể mất nhiều năm. Việc chọn công nghệ ĐSĐT cũng phải rất cẩn thận, tránh tình trạng “chưa hoàn thành đã lạc hậu”, còn có yếu tố phải đồng bộ để sau này áp dụng chung một công nghệ cho cả nước.

Một yếu tố quan trọng khác là về quy hoạch, cần lưu ý chuyện đồng bộ đề án với các cấp độ quy hoạch và các địa phương lân cận, để có thể phát huy tác dụng các tuyến metro.

Nói như vậy để thấy rằng, làm dự án ĐSĐT hoàn toàn không đơn giản, không chỉ vẽ ra tuyến đường rồi đổ tiền vào thực hiện là xong; mà liên quan nhiều vấn đề, nhiều công nghệ, nhiều lĩnh vực, nhiều địa phương. Còn nhớ cách đây hơn 1 năm, tháng 10/2022, trong báo cáo gửi Chính phủ, nêu nguyên nhân các dự án ĐSĐT chậm tiến độ, Bộ Giao thông vận tải còn chỉ ra một số nguyên nhân khác như các dự án có quy mô lớn, tiêu chuẩn kỹ thuật phức tạp, các đơn vị thực hiện chưa có kinh nghiệm thực tiễn; các gói thầu ngoài tuân thủ pháp luật Việt Nam còn phải thực hiện các thủ tục theo quy định phía nhà tài trợ và trải qua nhiều giai đoạn điều chỉnh…

Để không còn tình trạng 15 - 16 năm mới làm xong 20km, không còn cách nào khác ngoài việc phải thay đổi cách làm; như có những cơ chế đột phá mới; hoặc đẩy mạnh phân cấp trọn gói cho các TP trong thực hiện các tuyến metro; hoặc cũng có thể giao quyền điều phối điều hành thực hiện cho một đầu mối cấp Trung ương.

Đọc thêm