Tuyến giao thông xuyên tâm huyết mạch
Mới đây, Chủ tịch Hội đồng Thẩm định Nhà nước ký phê duyệt thẩm định dự án đường sắt đô thị TP Hà Nội, tuyến Văn Cao - Ngọc Khánh - Láng - Hòa Lạc (tuyến đường sắt đô thị Văn Cao - Hòa Lạc). Theo kết quả nghiên cứu của UBND TP Hà Nội, tuyến metro số 5 sẽ là tuyến đường sắt đô thị theo tiêu chuẩn đường đôi, điện khí hóa, với chiều dài hơn 38km, gồm hơn 6km đi ngầm, 2km đi trên cao và gần 30km đi trên mặt đất. Dự án đi qua địa phận các quận Ba Đình, Đống Đa, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm; các huyện Hoài Đức, Quốc Oai, Thạch Thất, với 21 ga, gồm 6 ga ngầm, 14 ga trên mặt đất, 1 ga trên cao và 2 depot.
Tuyến sử dụng đoàn tàu 4 toa cho giai đoạn từ năm 2025 - 2040 và cấu hình đoàn tàu 6 toa cho giai đoạn từ năm 2050 trở về sau. Số lượng phương tiện cần thiết cho từng thời kỳ là 26 đoàn tàu (4 toa) năm 2025; 37 đoàn tàu (4 toa) năm 2035 và 38 đoàn tàu (6 toa) năm 2050. Vận tốc thiết kế 120km/h và 90km/h đối với các đoạn đi ngầm; thời gian chờ tàu vào khoảng 3,3 phút.
Theo UBND TP Hà Nội, hệ thống đường sắt đô thị của thành phố đóng vai trò chính trong hệ thống vận tải hành khách công cộng tốc độ cao, khối lượng lớn, có chức năng gắn kết với các khu đô thị, khu công nghiệp, các trung tâm thương mại - dịch vụ - du lịch, trường học. Trong các tuyến đường sắt được phê duyệt, tuyến số 5 là tuyến giao thông xuyên tâm huyết mạch, kết nối xâu chuỗi các đô thị hiện đại và tương lai dọc đại lộ Thăng Long với khu vực đô thị trung tâm và trung tâm đô thị. “Tuyến số 5 hình thành cũng sẽ kết nối và trung chuyển hành khách với các tuyến số 2 (đoạn Nam Thăng Long đến Trần Hưng Đạo, đang trình phê duyệt điều chỉnh dự án), tuyến số 3 (đoạn Nhổn đến ga Hà Nội đang được xây dựng), tuyến số 4, 6, 8 (đang nghiên cứu), tuyến số 7 (quy hoạch)”, UBND TP Hà Nội nhận định.
Lãnh đạo Hà Nội cũng cho rằng, hiệu quả của dự án sẽ tác động tới việc thúc đẩy sự phát triển đô thị ngoài trung tâm, góp phần cơ cấu, sắp xếp phân bổ lại dân cư vùng đô thị lõi, phù hợp với mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đề phát triển bền vững.
Huy động vốn thực hiện dự án ra sao?
Theo tính toán của Hà Nội, sơ bộ tổng vốn đầu tư dự án khoảng hơn 65.000 tỷ đồng (khoảng 2,7 tỷ USD), dự kiến huy động từ năm nguồn, gồm vốn đầu tư công và tiết kiệm chi giai đoạn 2021 - 2025 (khoảng 15.000 tỷ đồng); tiền thu từ cổ phần hóa và thoái vốn doanh nghiệp nhà nước (khoảng 18.000 - 20.000 tỷ đồng); vốn đấu giá một số khu đất trên địa bàn Hà Nội (khoảng 15.000 tỷ đồng); vốn phát hành trái phiếu của thành phố (khoảng 10.000 tỷ đồng). Phần vốn còn lại dự kiến vay từ các tổ chức tài chính quốc tế.
TP Hà Nội dự báo nhu cầu giao thông trên tuyến đường sắt Văn Cao - Hòa Lạc năm 2025 vào khoảng 273 nghìn lượt khách/ngày đêm, tương đương hơn 24,7 nghìn lượt khách/giờ cao điểm. Đến năm 2050, con số này dự báo đạt hơn 780 nghìn lượt hành khách/ngày đêm, tương đương hơn 63,8 nghìn lượt khách/giờ cao điểm. Từ đây, Hà Nội đề xuất lựa chọn hệ thống vận tải trung bình (MRT) với tốc độ chạy tàu trung bình khoảng 120km/h, đoạn ngầm khoảng 90km/h.
Theo kế hoạch, tuyến đường sắt Văn Cao - Hòa Lạc sẽ được đầu tư trong giai đoạn 2020 - 2025, được vận hành thử và bàn giao vào cuối năm 2025, nghiệm thu và thanh quyết toán trong hai năm 2026 - 2027. Như vậy, việc Hà Nội đặt mục tiêu phấn đấu đến 2025 chạy thử đường sắt Văn Cao - Hòa Lạc, đồng nghĩa với việc tuyến đường sắt này được đầu tư trong thời gian rất ngắn từ 2 - 3 năm. Nhiều chuyên gia nhận định rằng mức thời gian rất ngắn trên thể hiện sự quyết tâm của Hà Nội, tuy nhiên sẽ rất khó khả thi, Hà Nội cần nhìn nhận một cách thực tế hơn để dự án được thực hiện đúng tiến độ. “Kỳ vọng dự án này sẽ nhanh hơn các dự án đường sắt đô thị khác, còn trong 2 - 3 năm tới mà xây dựng xong là không khả thi với một dự án metro dài hơn 38km” - một vị chuyên gia nhận định.
Theo chuyên gia giao thông, Tiến sĩ Phan Lê Bình, so với hai dự án metro khác đã thực hiện ở Hà Nội, tuyến Văn Cao - Hòa Lạc có lợi thế hơn về giải phóng mặt bằng khi dự án phần lớn đi qua vùng ngoại thành. Ngoài ra, theo vị chuyên gia, dự án được dự báo sẽ có lượng khách đông khi khu vực Hòa Lạc tập trung đông dân cư, là nơi có nhiều nhà máy, xí nghiệp, cũng là nơi tập trung nhiều trường đại học thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội. “Dự án có ý nghĩa rất lớn trong việc kết nối trung tâm Hà Nội với khu vực kinh tế mới nổi như Hòa Lạc. Do đó, dự án hoàn thành càng sớm thì càng phát huy hiệu quả kinh tế, xã hội”, vị chuyên gia nhận định.