Cần cẩu tháp : “Nguồn” nguy hiểm khó kiểm soát!

Vụ tai nạn lao động nghiêm trọng làm 3 người chết và 2 người bị thương trong khi tháo dỡ cần cẩu tháp có tải trọng nâng 7,6 tấn tại tòa nhà cao tầng ở 14 Tam Trinh (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) là tiếng chuông cảnh báo cho công tác quản lý, giám sát, vận hành loại thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, đang được sử dụng phổ biến ở các công trình xây dựng nhà cao tầng hiện nay.

Vụ tai nạn lao động nghiêm trọng làm 3 người chết và 2 người bị thương trong khi tháo dỡ cần cẩu tháp có tải trọng nâng 7,6 tấn tại tòa nhà cao tầng ở 14 Tam Trinh (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) là tiếng chuông cảnh báo cho công tác quản lý, giám sát, vận hành loại thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, đang được sử dụng phổ biến ở các công trình xây dựng nhà cao tầng hiện nay.

Vượt tầm kiểm soát

Theo điều tra của cơ quan chức năng, nguyên nhân ban đầu của vụ tai nạn nghiêm trọng tại tòa nhà 14 Tam Trinh là do lỗi thiết bị không đảm bảo an toàn vẫn được đưa vào sử dụng.

Báo cáo điều tra tai nạn lao động của Sở LĐTBXH Hà Nội cho biết, đoàn kiểm tra đang hướng đến trách nhiệm của Công ty Cổ phần xây dựng và thương mại C-Kuwait (địa chỉ ở 61 Dốc Lã, Yên Thường, Gia Lâm, công ty đã hợp đồng với Công ty Vinaconex 3 trong việc tháo dỡ và vận chuyển cần cẩu tháp từ công trình 14 Tam Trinh về Trung Văn (Từ Liêm, Hà Nội). Chiếc cần cẩu bị gãy đôi gây chết người là loại cần cẩu tháp được sản xuất tại Đan Mạch có tải trọng nâng là 7,6 tấn, còn toàn bộ tải trọng của cần cẩu lên tới hàng trăm tấn. Loại cần cẩu này hiện được sử dụng phổ biến ở các công trình xây dựng nhà cao tầng, thời gian sử dụng từ 2- 3 năm kể từ khi bắt đầu tới khi kết thúc công trình.

Theo ý kiến chuyên môn thì với thời gian sử dụng lâu như vậy, nếu không được kiểm tra thường xuyên, không thể chắc chắn về yêu cầu kỹ thuật của loại cần cẩu này.

Trong khi đó, theo khảo sát của Sở LĐTBXH Hà Nội,trong vòng 2 năm trở lại đây đã có nhiều tai nạn từ sử dụng các loại cần cẩu, vận thăng, đặc biệt là cần cẩu tháp tại các công trình xây dựng. Dù cần cẩu tháp là một trong 24 loại thiết bị nằm trong danh mục các loại máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động theo qui định của Bộ LĐ - TB & XH. Loại thiết bị này cần phải được kiểm định, giám sát chặt nhưng dường như với sự phát triển mạnh của lĩnh vực xây dựng, hoạt động của các đơn vị sử dụng cần cẩu tháp đang vượt ra ngoài tầm kiểm soát của các cơ quan chức năng, đặc biệt là các Sở địa phương.

c
Cần quản lý chặt cần cẩu  tháp

Nhiều đơn vị sử dụng cần cẩu tháp mà không đăng ký

Cục An toàn lao động (Bộ LĐ-TB&XH), cho biết, các loại cần cẩu, trong đó có cần cẩu tháp trước khi đưa vào sử dụng phải được giám định tại Các trung tâm kiểm định kỹ thuật an toàn. Hiện cả nước có 10 trung tâm thực hiện chức năng này thuộc Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương, Bộ LĐ-TB&XH. Sau khi được giám định, các đơn vị sử dụng cần cẩu phải gửi hồ sơ, kết quả kiểm định về Sở LĐ-TB&XH địa phương để đăng ký đồng thời thông báo bằng văn bản với Thanh tra lao động thuộc các Sở nói trên, nơi sử dụng các loại máy, thiết bị tại một địa điểm cụ thể, trong một thời gian nhất định.

Tuy nhiên, Cục ATLĐ cũng cho biết việc quản lý và giám sát việc sử dụng loại thiết bị đòi hỏi yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động như cần cẩu trục lại đang là bài toán nan giải đối với các địa phương. Bộ LĐ-TB&XH yêu cầu các đơn vị sử dụng phải được Sở địa phương cấp giấy chứng nhận nên việc thực hiện đăng ký của các doanh nghiệp rất cao, mỗi năm Sở cấp khoảng 5.000-6.000 giấy chứng nhận đăng ký.

Tuy nhiên, kể từ khi Thông tư 04/2008 về kiểm định các thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động có hiệu lực, mỗi năm chỉ có từ 200 - 500 đơn vị đăng ký. Tới thời điểm này thủ tục cấp giấy chứng nhận không còn bắt buộc nên nhiều đơn vị hoạt động, sử dụng cần cẩu tháp đã không đăng ký với Sở.

Trước thực trạng này, Cục ATLĐ kiến nghị các địa phương cần nhanh chóng rà soát lại hiện trạng sử dụng các thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATLĐ trên các công trường xây dựng. Đồng thời yêu cầu các doanh nghiệp khi sử dụng các thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATLĐ phải có ý thức tuân thủ pháp luật cao, sử dụng thiết bị đúng quy trình, tuân thủ qui trình kiểm định, giám sát về an toàn kỹ thuật. Khi vận hành, sử dụng, tháo dỡ và lắp đặt phải huấn luyện ATLĐ cho người sử dụng một cách đầy đủ, nghiêm túc. Bản thân người lao động khi sử dụng các thiết bị có yêu cầu cao về ATLĐ cũng không được chủ quan, làm ẩu, làm không đúng trình độ của mình, dễ gây ra hậu quả nghiêm trọng, đe dọa tính mạng của bản thân và sự an toàn của người khác.

Anh Phương

Đọc thêm