Ông Nguyễn Quang Kiên – Phó Tổng giám đốc Petrolimex – cho rằng chất lượng xăng dầu được đảm bảo trong suốt quy trình từ ký hợp đồng nhập khẩu, nhận hàng, thông quan… đến tận cửa hàng/cây xăng, cho nên phải có chế tài đủ mạnh để xử lý cây xăng có hành vi gian lận thương mại.
Ảnh minh họa. |
Tạp chất nào làm xăng, dầu “hỏng”?
Cho rằng, xăng, dầu rởm là các nhiên liệu không đảm bảo các thành phần theo như tiêu chuẩn đã quy định của quốc tế, khu vực hoặc quốc gia, PGS. TS Hoàng Mạnh Hùng – Giám đốc Trung tâm Tư vấn, giám định dân sự (Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam - VUSTA) nhận định, nguyên liệu rởm được làm ra với mục đích nhằm kiếm lợi nhuận cao nhất có thể được, nhưng cũng không loại trừ nguyên nhân có những âm mưu gây ra những việc làm ảnh hưởng đến an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.
Đưa ra các chỉ tiêu chặt chẽ của xăng, dầu, PGS. TS Hoàng Mạnh Hùng cho rằng, việc pha chế xăng, dầu rởm đòi hỏi phải có kiến thức chuyên môn. Ông đưa ra một số thủ đoạn làm xăng, dầu rởm, như pha nước lã vào xăng, xăng được cho thêm dầu hỏa hoặc các hỗn hợp chất tương tự, thêm vào xăng một số chất để nâng chỉ số octan (RON) khi lấy mẫu xăng để đo chỉ số RON hoặc đối phó với cơ quan kiểm tra…
Dẫn chứng một số ví dụ về các mẫu xăng lấy kiểm nghiệm từ những cây xăng mà chủ xe bị cháy khai đã mua xăng, rồi được xét nghiệp 6 chỉ tiêu là trị số octan, hàm lượng lưu huỳnh, áp suất hơi, hàm lượng oxy, methanol và nước, TS. Đinh Ngọc Ân – Trưởng khoa Cơ khí động lực, Trưởng bộ môn Công nghệ ô tô, Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên – đặt ra câu hỏi, các chất gây nhiễm nước và chất phá hủy đường ống nhiên liệu và các gioăng cao su ảnh hưởng đến sự an toàn của động cơ có được đo kiểm hay không?
Ông Ân cũng tỏ ra phân vân về việc thử nghiệm hàm lượng methanol trong xăng: “Tại sao lại chỉ đánh giá 6 chỉ tiêu? Tại sao không đánh giá tất cả các chỉ tiêu theo 1 tiêu chuẩn thống nhất?” – ông Ân nói.
Gian lận thương mại không loại trừ lĩnh vực xăng dầu
Đối thoại với các nhà khoa học tại Hội thảo “Loại bỏ xăng lẫn tạp chất vì sự an toàn của động cơ” do báo Khoa học và Đời sống tổ chức hôm qua – 25/4 tại Hà Nội, Phó Tổng Giám đốc Petrolimex Nguyễn Quang Kiên khẳng định, hiện chưa có kết luận nào của cơ quan chức năng rằng xăng, dầu là nguyên nhân cháy nổ phương tiện.
“Hàm lượng nhất định nước vi lượng hòa tan trong xăng mà không tách ra làm 2 pha thì không thể gây hại động cơ” – ông Kiên nói – “Vấn đề là phải xem xét, nếu tạp chất do hành vi gian lận thương lại thì phải xử lý theo quy định pháp luật đối với cửa hàng có hành vi gian lận thương mại”.
Theo ông Kiên, chất lượng xăng dầu được đảm bảo trong suốt quy trình từ ký hợp đồng nhập khẩu, nhận hàng, thông quan… đến tận cửa hàng/cây xăng.
“Trong 13 đầu mối nhập khẩu xăng dầu hiện nay, chỉ Petrolimex và 2 DN khác đầu tư được hệ thống máy móc đo kiểm mức octan rất tốn kém, còn 10 DN khác chỉ có con người mà chưa có phương tiện cơ sở vật chất.” – ông Kiên nói – “Theo quy định pháp luật, doanh nghiệp đầu mối phải chịu trách nhiệm trong toàn bộ hệ thống phân phối, nhưng rõ ràng là cũng phải xác định chịu trách nhiệm đến đâu. Luật quy định mỗi đại lý chỉ kinh doanh xăng dầu cho một đầu mối, nhưng có ai kiểm soát được trong một gia đình có 4 – 5 công ty, nhập xăng dầu từ nhiều đầu mối khác nhau về rồi trộn lẫn với nhau đâu”.
Ông Kiên dẫn chứng vừa qua, cơ quan chức năng TP.HCM phát hiện một loạt cây xăng có hành vi gian lận thương mại, nhưng rồi cũng chưa “đóng cửa” được cây xăng nào. “Nếu không có chế tài đủ mạnh, đóng cửa tuyệt đối cây xăng vi phạm, mà cứ để phạt hành chính vài chục triệu rồi cho tồn tại thì không xử lý được cây xăng có hành vi gian lận thương mại” – ông Kiên bức xúc – “Cả nước có 13 ngàn cửa hàng xăng dầu, trong đó 3 ngàn cửa hàng xăng dầu nhà nước, còn lại 10 ngàn cửa hàng xăng dầu tư nhân. Phải quản lý thế nào để cây xăng vi phạm không thể bỏ đầu mối này thì chạy sang đầu mối khác”.
Được biết, hôm nay – 26/4, Bộ Khoa học - Công nghệ và Bộ Công an sẽ cùng công bố các kết luận về nguyên nhân cháy nổ xe xảy ra trong thời gian vừa qua.
Bách Linh