Cần chế tài mạnh trong xử lý “thông thầu”

4 hình thức “thông thầu” khá phổ biến ở Việt Nam là: trúng thầu lần lượt, quân xanh quân đỏ, bỏ thầu,  hình thức thầu phụ. Tuy nhiên, tới nay, mới chỉ có 24 vụ việc bị cơ quan có thẩm quyền xử lý theo Luật Đấu thầu.

4 hình thức “thông thầu” khá phổ biến ở Việt Nam là: trúng thầu lần lượt, quân xanh quân đỏ, bỏ thầu,  hình thức thầu phụ. Tuy nhiên, tới nay, mới chỉ có 24 vụ việc bị cơ quan có thẩm quyền xử lý theo Luật Đấu thầu. Chiểu theo Luật Cạnh tranh, “thông thầu” nằm trong nhóm các hình thức thoả thuận hạn chế cạnh tranh- song đến nay, Cục Quản lý cạnh tranh chưa hề phát hiện và xử lý một vụ nào,  ông Vũ Bá Phú -Phó Cục trưởng Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công thương) - tiết lộ tại Hội thảo Quản lý nhà nước đối với hành vi thông thầu, vừa diễn ra tại Hà Nội.

“Thông thầu” - vi phạm pháp luật cạnh tranh

Theo ông Osama Igarashi - chuyên gia thường trú của JFTC Nhật tại Việt Nam - thông đồng đấu thầu được coi là một trong các hành vi vi phạm pháp luật cạnh tranh ở mức nghiêm trọng nhất, cần phải có những biện pháp nhằm triệt phá các thỏa thuận thông đồng đấu thầu, hạn chế giao dịch một cách bất chính theo luật chống độc quyền.

Ông đưa ra ví dụ  về vụ việc vi phạm của 34 Cty xây dựng có trụ sở đặt tại khu  vực thuộc thành phố Aomori (Nhật Bản) được liệt vào nhà thầu hạng A đối với công trình dân dụng cấp 1 của thành phố Aomori. Tại đây, công trình dân dụng cấp 1 do thành phố Aomori là chủ đầu tư, thực hiện theo phương pháp đấu thầu cạnh tranh hạn chế nhưng đã có sự dàn xếp về người sẽ thắng thầu giữa các Cty tham gia thầu. Khi vụ việc bị phát lộ, 28/34 Cty có liên quan bị phạt với tổng số tiền là 300 triệu yên; đồng thời, 27/34 công ty phải xác nhận từ loại bỏ hành vi vi phạm.

Phòng tránh và cạnh tranh lành mạnh

Còn ở Việt Nam, tới nay mới có 24 nhà thầu bị xử lý vi phạm theo Luật Đấu thầu. Căn cứ Luật Đấu thầu sửa đổi số 38/2009/QH12 ban hành ngày 19/6/2009 (có hiệu lực 1-8/2009); Nghị định 85/2009/NĐ-CP của Chính phủ ngày 15/10/2009), ngoài các hình thức xử phạt như bị cấm đấu thầu, phạt tiền, các DN còn bị “bêu tên” công khai - bị đăng tải trên website về đấu thầu.

Theo ông Vũ Bá Phú hành vi thông thầu hay thông đồng đấu thầu được xếp trong nhóm các hình thức thỏa thuận hạn chế cạnh tranh. Hiện nhiều nước đã đưa hành vi thông thầu vào nhóm vi phạm có truy cứu trách nhiệm hình sự nếu tái phạm nhiều lần hoặc gây hậu quả nghiêm trọng. Ở Việt Nam, hành vi thông thầu được điều chỉnh và giám sát bởi Luật Đấu thầu và Luật Cạnh tranh (cơ quan có thẩm quyền xử lý dựa trên hành vi vi phạm và bản chất của vụ việc).

Đơn cử, DNTN Xây dựng Ngọc Phương (địa chỉ số 950 ấp Trung 2, xã Tân Trung, huyện Phú Tân, An Giang) bị cấm tham gia đấu thầu trong vòng 3 năm vì “Nhà thầu cố ý cung cấp các thông tin không trung thực trong Hồ sơ dự thầu làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu, ký kết, thực hiện hợp đồng”.

Hay như TCty Xây dựng số 1 (trụ sở tại số 51, đường Nguyễn Thị Minh Khai, Quận 3, TP HCM) bị phạt số tiền là hơn 222 triệu đồng do “giao cho người không có chứng chỉ hành nghề làm chủ nhiệm khảo sát xây dựng và giám sát thi công xây dựng công trình hệ thống chiếu sáng; Đưa cấu kiện thép định hình cầu tạm vào sử dụng khi chưa có kết quả thí nghiệm chứng nhận đủ tiêu chuẩn chất lượng mối nối hàn; Không mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp đối với 05 gói thầu tư vấn và 03 gói thầu thi công”.

Theo ông Vũ Bá Phú, hành vi thông thầu hay thông đồng đấu thầu được xếp trong nhóm các hình thức thỏa thuận hạn chế cạnh tranh. Hiện nhiều nước đã đưa hành vi thông thầu vào nhóm vi phạm có truy cứu trách nhiệm hình sự nếu tái phạm nhiều lần hoặc gây hậu quả nghiêm trọng chứ không đơn thuần xử phạt hành chính như trước.

Ở Việt Nam, hành vi thông thầu được điều chỉnh và giám sát bởi Luật Đấu thầu và Luật Cạnh tranh. Theo đó, mức phạt cụ thể đối với hành vi thông thầu được quy định chi tiết tại Luật Cạnh tranh và Nghị định số 120/2005/NĐ-CP với 3 chế tài xử lý: phạt tiền (tối đa 10% tổng doanh thu của các DN vi phạm trong năm tài chính trước năm thực hiện hành vi vi phạm); phạt bổ sung (tịch thu tang vật; lợi nhuận thu được từ hành vi phạm); bắt buộc khắc phục hậu quả… Thời gian thụ lý hồ sơ, điều tra và xử lý vụ việc kéo dài tối đa 11 tháng (7 tháng điều tra và 4 tháng cho 2 lần gia hạn nếu có). Như vậy có thể thấy, các chế tài trên thực sự chưa đủ mức độ “cứng rắn” cần thiết, dễ tạo nên sự coi thường pháp luật.

Trước thực trạng này, nhiều ý kiến cho rằng, nhất thiết cần có những chế tài mạnh hơn, xử lý dứt khoát và nghiêm khắc hơn, đảm bảo việc đấu thầu được minh bạch và công bằng, cũng có nghĩa là đảm bảo cho một môi trường kinh doanh ngày một lành mạnh hơn ở Việt Nam…


Mai Hoa

Đọc thêm