Cần chế tài xử lý đơn vị không hoàn thành xây dựng Luật

Góp ý về giải pháp khắc phục tình trạng “thích thì đưa vào, thích lại đưa ra” trong việc xây dựng và thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hiện nay, ĐB Nguyễn Sỹ Hội (tỉnh Nghệ An) cho rằng, “Quốc hội, UBTVQH phải có đổi mới, có thẩm định, định hướng, nhận xét, xác định trách nhiệm của các cơ quan liên quan”.
Chiều nay, ĐBQH thảo luận tại tổ về dự kiến điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2013, nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014 của Quốc hội.
Nhận xét về tình hình thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hiện nay, ĐB Phan Văn Tấn (tỉnh Nghệ An) cho rằng, có thực hiện điều chỉnh chương trình nhưng còn “theo hướng bị động (phải điều chỉnh) khi cơ quan soạn thảo, thẩm tra không làm kịp, chứ không phải điều chỉnh vì tính cần thiết của dự thảo”. 
ĐB Trần Ngọc Vinh (TP.Hải Phòng) bức xúc: “Lúc đưa (dự án luật – PV) vào Chương trình đã khẳng định “rất cần thiết”, thì lúc đòi rút ra cũng vì… “rất cần thiết”, nên đề nghị Quốc có chế tài xử lý những đơn vị được giao không hoàn thành”.
Góp ý ngắn gọn về giải pháp khắc phục tình trạng “thích thì đưa vào, thích lại đưa ra” trong việc xây dựng và thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hiện nay, ĐB Nguyễn Sỹ Hội (tỉnh Nghệ An) cho rằng, “Quốc hội, UBTVQH phải có đổi mới, có thẩm định, định hướng, nhận xét, xác định trách nhiệm của các cơ quan liên quan”.   
Các ĐB cũng đã “xem xét” đối với đề xuất xin rút 6 dự thảo Luật trong năm 2013 và đề nghị không rút Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật bảo hiểm y tế (BHYT) vì “ngày càng có nhiều vấn đề đang đặt  ra nếu không giải quyết thì không thể thực hiện BHYT toàn dân, nền y tế sẽ tiếp tục gặp khó khăn và ảnh hưởng đến việc người dân được thụ hưởng chính sách này”, như ý kiến của ĐB tỉnh Nghệ An Phan Văn Tấn.
ĐB Vinh chỉ ra sự bất hợp lý là “luật cần thì xin rút, luật chưa cần thì vẫn đề nghị thông qua” như đề nghị thông qua Luật Việc làm tại kỳ này, trong điều kiện tỷ lệ thất nghiệp lớn như hiện nay.
Còn dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung hai Luật BHYT và Bảo hiểm xã hội (BHXH) lại xin rút khi tình trạng doanh nghiệp lách luật, chỉ đóng trên mức lương cơ bản chứ không phải trên lương thực tế nên người lao động chỉ được hưởng mức lương hưu thấp, hoặc doanh nghiệp không đóng BHXH khiến nhiều người lao động không nhận được lương hưu…
H.Giang

Đọc thêm