Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Chiến dịch Điện Biên Phủ: Sức mạnh đại đoàn kết tạo nên thành công

(PLVN) - Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là đỉnh cao của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, tạo cơ sở căn bản và quyết định cho việc đi đến ký kết Hiệp định Giơnevơ về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam. Đặc biệt, mở ra giai đoạn cách mạng mới, đưa miền Bắc quá độ lên chủ nghĩa xã hội, làm hậu phương vững chắc cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Chi viện cho chiến trường Điện Biên Phủ

Ông Trạch tự hào là một trong những chiến sĩ được trao Huy chương Chiến sĩ Vẻ vang, góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ.

Ông Trạch tự hào là một trong những chiến sĩ được trao Huy chương Chiến sĩ Vẻ vang, góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ.

Dù không trực tiếp tham gia chiến đấu tại chiến trường Điện Biên Phủ, nhưng để chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Nguyễn Tấn Trạch (SN 1929, Khóm 3, Phường 4, thành phố Cà Mau) tham gia cách mạng tháng 12 năm 1948. Năm 1952, ông Trạch là chiến sĩ thuộc Tiểu đoàn 410 - Quân khu 9 (Tiểu đoàn chủ lực Nam Bộ), được giao nhiệm vụ tham gia đánh chặn địch từ chiến trường miền Nam chi viện cho chiến trường Điện Biên Phủ. Sau đó, ông Trạch tham gia tập kết ra Bắc năm 1954 để học tập chiến lược quân sự và tham gia chiến đấu ở Sư đoàn 34, Quân đoàn 2 cho đến ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Đất nước.

Ông Trạch tự hào là một trong những chiến sĩ được trao Huy chương Chiến sĩ Vẻ vang, góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ. Đặc biệt, ông Trạch được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Nhì và Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất. Thời bình, ông Trạch làm Phó Phòng Thương nghiệp, kiêm Trưởng Ban Quản lý thị trường thị xã Cà Mau, Ty Nông nghiệp Minh Hải, đến năm 1989, ông nghỉ hưu và trở về tham gia sinh hoạt Đảng tại địa phương.

Nhớ lại năm tháng ấy, ông Trạch xúc động: “Tôi bắt đầu tham gia cách mạng khi 18 tuổi. Sinh ra trong gia đình có truyền thống nho giáo, tôi được học đạo lý “Gia bần tri hiếu tử, quốc loạn thức trung thần”, tức “Nhà nghèo hay con thảo, nước loạn biết tôi trung”. Là con dân của đất nước bị xâm lược, tôi tự nguyện tham gia đi chiến đấu bảo vệ Tổ quốc theo lời kêu gọi của Đảng, của cách mạng. Tôi và nhiều bạn bè cùng trang lứa đã mạnh dạn rời xa gia đình, với mong muốn sau này quay về cầm súng chiến đấu giải phóng quê hương, đất nước. Vào thời điểm chuẩn bị diễn ra chiến dịch Điện Biên Phủ, Quân khu 9 huy động Tiểu đoàn 410 và Tiểu đoàn 307 trong Nam Bộ tiến hành đánh chặn, làm tiêu hao sinh lực địch, ngăn không cho quân địch từ miền Nam ra chi viện cho chiến trường Điện Biên Phủ. Khi đó gọi là hưởng ứng chiến dịch Điện Biên Phủ”.

Phóng viên phỏng vấn ông Nguyễn Tấn Trạch.

Phóng viên phỏng vấn ông Nguyễn Tấn Trạch.

Ông Trạch nói, trận đánh làm tôi nhớ nhất là các trận đánh địch tại Bàu Thúi (xã An Xuyên, thành phố Cà Mau), vào tháng 11/1952, tiêu diệt và bắt sống 2 tiểu đoàn của địch. Năm 1953, đánh trận Vàm Nhật Nguyệt, tiêu diệt và bắt sống gần 100 tên địch (Người Châu Phi); Năm 1954, trận đánh ở huyện An Biên (Chính quyền tay sai của thực dân Pháp gọi An Biên là quận Thứ Ba thuộc tỉnh Rạch Giá. Quận lỵ là Chi khu An Biên. Cơ quan đầu não của địch đặt tại thị trấn Thứ Ba, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang ngày nay).

“Tôi muốn nhắn nhủ đến thế hệ trẻ hôm nay phải luôn cố gắng phấn đấu, rèn luyện, học tập làm theo tấm gương, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, xứng đáng với những hy sinh của thế hệ ông cha ta đã quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, ông Trạch chia sẻ.

Được chọn đi tập kết ra miền Bắc

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử, Hiệp định Genève được ký kết (21/7/1954) về việc lập lại hòa bình ở Đông Dương. Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng đã có quyết định đưa lực lượng cán bộ, chiến sĩ, đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc để tiếp tục học tập, nhằm đào tạo lực lượng cán bộ cho sự nghiệp cách mạng lâu dài của Đảng.

Tàu Arkhangelsk (Liên Xô) đã thực hiện chuyến tập kết ra miền Bắc đầu tiên (Ảnh tư liệu Đỗ Thái Bình).

Tàu Arkhangelsk (Liên Xô) đã thực hiện chuyến tập kết ra miền Bắc đầu tiên (Ảnh tư liệu Đỗ Thái Bình).

Tại Chắc Băng (là một con kênh ở vùng U Minh Hạ, thuộc hai huyện Thới Bình của tỉnh Cà Mau và Vĩnh Thuận của tỉnh Kiên Giang) - Sông Ông Đốc (hiện là huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau), từ ngày 22/1 đến ngày 8/2/1955, các tàu viễn dương Kilinski (Ba Lan), tàu Stavropol, Arkhanglesk (Liên Xô) đã đưa 53.253 cán bộ, chiến sĩ, công nhân, học sinh... được lựa chọn đi tập kết ra miền Bắc. Người trên tàu, người đứng hai bên đường lưu luyến giơ hai ngón tay chào nhau, hàm ý sẽ gặp lại sau hai năm xa cách, nào ngờ cuộc chia ly kéo dài tận 21 năm, mãi cho đến khi miền Nam hoàn toàn giải phóng.

Sau khi đã bố trí xong lực lượng tập kết, số đảng viên còn lại trên 10.000 người được tổ chức sắp xếp theo nguyên tắc hoạt động bí mật, được giáo dục về nhân sinh quan cách mạng, về khí tiết của người đảng viên trước kẻ thù, bồi dưỡng 5 bước công tác cách mạng để sẵn sàng bước vào cuộc chiến đấu mới.

Vào lúc 18 giờ ngày 8/2/1955 (mùng 2 Tết 1955), chuyến tàu cuối cùng rời cửa sông Ông Đốc, hàng ngàn cánh tay vẫy chào tạm biệt đầy lưu luyến, kẻ ở người đi đều mang theo trong lòng ý chí quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ và niềm tin sắt đá: Ngày mai Nam - Bắc sum họp. Ngay sau đó, Quân dân Cà Mau lại bước vào cuộc chiến đấu mới dưới sự chỉ đạo của Bí thư Xứ ủy Lê Duẩn và Ủy viên Xứ ủy Nam Bộ, Phó Bí thư liên Tỉnh ủy Hậu Giang Võ Văn Kiệt. Theo đó Nhân dân Cà Mau một lần nữa trở thành chỗ dựa vững chắc, nuôi dưỡng và bảo vệ an toàn các cho lực lượng cách mạng trong suốt chặng đường chống Mỹ gian khó và hào hùng.

Ngày 18/5/2021, ông Huỳnh Quốc Việt - Uỷ viên dự khuyết BCH TW Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Cà Mau (nay là Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau) đến tận nhà trao Huy hiệu 65 năm tuổi Đảng cho ông Nguyễn Tấn Trạch, Khóm 3, Phường 4, TP Cà Mau).

Ngày 18/5/2021, ông Huỳnh Quốc Việt - Uỷ viên dự khuyết BCH TW Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Cà Mau (nay là Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau) đến tận nhà trao Huy hiệu 65 năm tuổi Đảng cho ông Nguyễn Tấn Trạch, Khóm 3, Phường 4, TP Cà Mau).

Với âm hưởng hào hùng của chiến thắng Điện Biên Phủ cùng những ý nghĩa, bài học lịch sử vẫn còn nguyên giá trị, Đảng và Nhà nước ta đã tổ chức nhiều hoạt động hướng đến Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024). Đây là sự kiện chính trị quan trọng, nhằm khơi dậy lòng tự hào dân tộc, tăng cường giáo dục truyền thống cách mạng cho cán bộ, đảng viên, Nhân dân, nhất là thế hệ trẻ. Tôn vinh, tri ân người có công với cách mạng, với đồng bào, chiến sĩ đã đóng góp công sức, xương máu để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tham gia vào chiến thắng lịch sử ấy có những người con quê hương Cà Mau đã trực tiếp tham gia chiến đấu tại chiến trường Điện Biên Phủ và tham gia hưởng ứng chiến dịch Điện Biên Phủ trong chiến trường miền Nam. Dù còn sống hay đã chết, tất cả đều tự hào vì đã không tiếc máu xương, anh dũng chiến đấu, hy sinh quên mình vì độc lập của dân tộc, tự do cho Tổ quốc và vì hạnh phúc của Nhân dân.

Ngày 23/4/2024, ông Nguyễn Văn Khởi - Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cà Mau, cùng đại diện các Sở, ngành đến thăm, tặng quà cho ông Nguyễn Tấn Trạch (Khóm 3, Phường 4, TP Cà Mau).

Ngày 23/4/2024, ông Nguyễn Văn Khởi - Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cà Mau, cùng đại diện các Sở, ngành đến thăm, tặng quà cho ông Nguyễn Tấn Trạch (Khóm 3, Phường 4, TP Cà Mau).

Nhân dịp này, UBMTTQ Việt Nam tỉnh Cà Mau đã ân cần thăm hỏi sức khỏe, đời sống của các cựu chiến binh. Qua đó, bày tỏ sự biết ơn đối với những đóng góp to lớn của các chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hoả tuyến đã góp phần cùng cả nước làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Đặc biệt, thể hiện lòng biết ơn sâu sắc đối với các thế hệ đã hy sinh xương máu vì độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Cổ vũ, động viên cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân ra sức phấn đấu, nỗ lực vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt mục tiêu, nhiệm vụ chính trị trong năm 2024, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Ngày 1/1/2024, UBND tỉnh Cà Mau đã khởi công Dự án đầu tư xây dựng cụm tượng đài kỷ niệm chuyến tàu tập kết ra Bắc năm 1954. Cụm công trình được xây dựng trên diện tích hơn 10ha tại thị trấn Sông Đốc bao gồm các hạng mục, gồm tượng đài, sàn khu vực tượng đài và tổ chức sự kiện, cầu cạn, đường giao thông đấu nối vào tượng đài, bãi đậu xe, hệ thống hạ tầng kỹ thuật với kinh phí dự kiến khoảng 176 tỷ đồng. Theo kế hoạch, cụm công trình xây dựng tượng đài kỷ niệm chuyến tàu tập kết ra Bắc, sẽ hoàn thành trong tháng 11/2024, đúng vào dịp kỷ niệm 70 năm chuyến tàu tập kết ra Bắc năm 1954.

70 năm trôi qua, sự kiện tập kết ra bắc năm 1954 tại Cà Mau vẫn còn nguyên giá trị lịch sử về tinh thần đoàn kết dân tộc, về ý chí quyết tâm, thống nhất của quân dân ta về chân lý “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một”.

Đọc thêm