Cần chỉ đích danh lãng phí

Đánh giá báo cáo của Chính phủ tương đối đầy đủ về tình hình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên 6 lĩnh vực lớn nhưng Chủ tịch Hội đồng dân tộc K’So Phước vẫn muốn biết "lãng phí hết bao nhiêu?”. Theo báo cáo thì còn tình trạng lãng phí trong khai thác, sử dụng tài nguyên khoáng sản, trong đó có đất đai. Ông K’ So Phước nhấn mạnh “cần chỉ đích danh cơ quan nào, ngành nào, tỉnh nào còn lãng phí về đất đai thì quản lý nhà nước mới có tác dụng thực sự”.

Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP) năm 2013 mặc dù được đánh giá có nhiều chuyển biến tích cực, tuy nhiên theo Chính phủ và Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội thì “tình trạng lãng phí, chưa tiết kiệm vẫn còn tồn tại trên nhiều lĩnh vực với mức độ khác nhau”. Chiều qua 19/9, UBTVQH đã cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về việc thi hành Luật THTK, CLP năm 2013 và dự thảo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật THTK,CLP (sửa đổi).

Lãng phí còn tồn tại trên nhiều lĩnh vực

Thẩm tra sơ bộ việc thực hiện Luật THTK, CLP năm 2013, Ủy ban Tài chính ngân sách cho biết:Việc quản lý, sử dụng vốn, kinh phí và tài sản nhà nước có nhiều chuyển biến theo hướng tích cực. Trong sử dụng NSNN đã thực hiện nhiều biện pháp tiết kiệm kinh phí, hạn chế tối đa việc tổ chức hội nghị, hội thảo, lễ khởi công, khánh thành…

Ngoài tiết kiệm 10% chi thường xuyên tạo nguồn cải cách tiền lương, các bộ, ngành, địa phương còn thực hiện tiết kiệm thêm 10% dự toán chi thường xuyên còn lại của 7 tháng cuối năm 2013, với số tiền khoảng 3.080 tỷ đồng. Các bộ ngành, địa phương và các doanh nghiệp nhà nước đã thực hiện rà soát, tái cơ cấu các dự án đầu tư, đẩy nhanh tiến độ thi công, thực hiện các dự án đầu tư và tiến độ giải ngân, tập trung vốn cho các dự án thực sự cần thiết, cấp bách, nhất là đối với nguồn vốn đầu tư từ NSNN, vốn trái phiếu chính phủ, vốn các chương trình mục tiêu quốc gia, vốn ODA

Tuy nhiên, Ủy ban Tài chính ngân sách cũng đồng tình với nhận định của Chính phủ “tình trạng lãng phí, chưa tiết kiệm vẫn còn tồn tại trên nhiều lĩnh vực với mức độ khác nhau”.

Ngoài ra, Ủy ban còn cho rằng “còn một số hạn chế, tồn tại mà Báo cáo của Chính phủ chưa nêu đầy đủ, cụ thể và chưa làm rõ nguyên nhân”. Đơn cử,  trong điều kiện nền kinh tế gặp khó khăn, khả năng thu NSNN không đạt dự toán nhưng tình trạng trốn thuế, nợ đọng thuế lớn và tăng cao đột biến ở một số địa phương ; chi NSNN còn biểu hiện chấp hành kỷ luật tài chính chưa nghiêm có lúc, có nơi còn để xảy ra lãng phí.

Bên cạnh đó, mặc dù có nhiều chuyển biến, song lãng phí, thất thoát trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư xây dựng cơ bản vẫn là điểm đáng chú ý, tình trạng phê duyệt dự án vượt quá khả năng cân đối vốn, khởi công mới, bố trí vốn dàn trải, thi công kéo dài dẫn đến nợ đọng xây dựng cơ bản lớn nhưng chưa được xử lý, khắc phục triệt để, gây lãng phí còn diễn ra ở một số địa phương. Công tác quản lý, sử dụng tài nguyên, đất đai vẫn còn những yếu kém, lãng phí, nhất là tình trạng vi phạm pháp luật trong khai thác tài nguyên khoáng sản vẫn diễn ra ở nhiều nơi, làm lãng phí tài nguyên thiên nhiên...

Một trong nhiều nguyên nhân của những hạn chế, theo Ủy ban Tài chính ngân sách là Luật THTK, CLP hiện hành đã bộc lộ một số tồn tại, bất cập.

Cần có cơ chế kiểm soát

Đánh giá báo cáo của Chính phủ tương đối đầy đủ về tình hình THTK, CLP trên 6 lĩnh vực lớn nhưng Chủ tịch Hội đồng dân tộc K’So Phước vẫn muốn biết "lãng phí hết bao nhiêu?”. Theo báo cáo thì còn tình trạng lãng phí trong khai thác, sử dụng tài nguyên khoáng sản, trong đó có đất đai. Ông K’ So Phước nhấn mạnh “cần chỉ đích danh cơ quan nào, ngành nào, tỉnh nào còn lãng phí về đất đai thì quản lý nhà nước mới có tác dụng thực sự”.

Đề cập đến việc lãng phí trong đầu tư xây dựng cơ bản, ông K’So Phước chỉ ra thực trạng rất đáng buồn là khi đất nước còn nghèo mà có những tỉnh “xây trụ sở như cung điện”. Từ đó, ông đề nghị “phải kiểm điểm nghiêm túc, có cơ chế kiểm soát và công bố công khai cho cả nước biết”.

Giải trình thêm một số vấn đề các Ủy viên UBTVQH quan tâm, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, trong điều kiện kinh tế như hiện nay, việc thu ngân sách nhà nước là rất khó. Tuy nhiên, Chính phủ, Bộ Tài chính và địa phương đã rất quyết liệt. Bộ trưởng thừa nhận “có tình trạng trốn thuế, lậu thuế”, và Bộ Tài chính đã chỉ đạo các ngành chức năng một số địa phương kiểm tra việc hoàn thuế GTGT, đồng thời  đồng thời rà soát các quy định về hóa đơn chứng từ liên quan đến thuế GTGT. Bên cạnh đó, các DN nợ đọng, chậm nộp sẽ bị phạt nặng.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu Chính phủ cần có phân tích sâu sắc hơn đến những hạn chế tồn tại, trong đó có hay không việc xây dựng trụ sở to đẹp, lãng phí, mua sắm lãng phí. “Những vấn đề này cần công khai để nâng cao chức năng giám sát của Quốc hội, người dân”. Phó Chủ tịch nhấn mạnh.

Thu Hằng 

Đọc thêm