Cần cơ chế đột phá để thu hút, trọng dụng nhân tài

(PLVN) - Một trong những nguyên nhân của việc chúng ta chưa đạt được một số mục tiêu đề ra trong Nghị quyết số 27-NQ/TW là hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến xây dựng, phát triển đội ngũ trí thức chưa hoàn thiện, đồng bộ; thiếu cơ chế, chính sách đột phá trong đào tạo, bồi dưỡng, thu hút, đãi ngộ, tôn vinh trí thức.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đại biểu dự Lễ kỷ niệm. (Ảnh TTXVN)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đại biểu dự Lễ kỷ niệm. (Ảnh TTXVN)

Nhiều vấn đề trăn trở

Ngay từ khi mới thành lập nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: “Nước nhà cần phải kiến thiết; kiến thiết cần phải có nhân tài”. Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về “Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa” (Nghị quyết 27) cũng nêu rõ: Trí thức Việt Nam là lực lượng lao động sáng tạo đặc biệt quan trọng trong tiến trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH- HĐH) đất nước và hội nhập quốc tế. Xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh là trực tiếp nâng tầm trí tuệ của dân tộc, sức mạnh của đất nước. Ðầu tư xây dựng đội ngũ trí thức là đầu tư cho phát triển bền vững… Nghị quyết 27 đã đề ra mục tiêu đến năm 2020, xây dựng đội ngũ trí thức lớn mạnh, đạt chất lượng cao, số lượng và cơ cấu hợp lý, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước, từng bước tiến lên ngang tầm với trình độ của trí thức các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới…

Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 27, qua đánh giá của các bộ, ngành, địa phương, đội ngũ trí thức Việt Nam đã phát triển cả về số lượng, chất lượng; nhiều trí thức có trình độ cao, năng động, sáng tạo, hoạt động trong nhiều ngành, lĩnh vực quan trọng; đã tiệm cận một số nước tiên tiến trong khu vực và thế giới ở một số lĩnh vực. Đội ngũ này trở thành lực lượng quan trọng thúc đẩy hiện thực hóa mục tiêu, nhiệm vụ, chiến lược, kế hoạch phát triển đất nước nhanh và bền vững theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng…

Tuy nhiên, việc xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH cũng còn những hạn chế, yếu kém. Đáng chú ý, nhiều hạn chế, bất cập mà Nghị quyết 27 đã chỉ ra từ 15 năm trước, cho đến nay vẫn còn tồn tại. Đó là cơ cấu đội ngũ trí thức còn những mặt bất hợp lý về ngành nghề, độ tuổi, giới tính; trí thức tinh hoa và hiền tài còn ít, chuyên gia đầu ngành còn thiếu nghiêm trọng… Đặc biệt là hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến xây dựng, phát triển đội ngũ trí thức chưa hoàn thiện, đồng bộ. Nghị quyết chậm được thể chế hóa thành cơ chế, chính sách…

Có thể nói, nguyên nhân của việc chưa đạt được một số mục tiêu đề ra trong Nghị quyết 27 là do chúng ta còn thiếu cơ chế, chính sách đột phá, nhất là chính sách huy động các nguồn lực cho việc đào tạo, bồi dưỡng, thu hút, đãi ngộ, tôn vinh trí thức trong và ngoài nước - nhất là trí thức tinh hoa, nhà khoa học đầu ngành… Tình trạng này đã khiến nhiều cơ quan nhà nước bị “chảy máu chất xám”. Đây cũng chính là vấn đề được nhiều đại biểu, chuyên gia và nhà khoa học đặt ra tại các hội thảo, hội nghị diễn ra mới đây.

Hoàn thiện chính sách trọng dụng, đãi ngộ và tôn vinh trí thức

Gợi mở một số định hướng về chính sách thu hút đội ngũ trí thức khoa học, công nghệ tại Hội thảo khoa học quốc gia “Chính sách thu hút, đầu tư, đào tạo đội ngũ trí thức khoa học, công nghệ trong bối cảnh mới”, tổ chức vào cuối tháng 2/2023, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương Lại Xuân Môn cho rằng, cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện chính sách trọng dụng, đãi ngộ và tôn vinh trí thức, bảo đảm việc phát huy năng lực, phẩm chất tốt đẹp đội ngũ trí thức.

Đặc biệt, có cơ chế đột phá để thu hút, trọng dụng trí thức có trình độ cao; có chính sách ưu đãi cụ thể về lương, điều kiện làm việc, sinh hoạt... đối với trí thức làm việc ở vùng kinh tế, xã hội khó khăn, trí thức là người dân tộc thiểu số, người khuyết tật. Đồng thời, cần tiếp tục hoàn thiện chính sách thu hút, tập hợp trí thức Việt Nam ở trong và ngoài nước tích cực tham gia hiến kế, hợp tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ mới. Có cơ chế, chính sách để động viên và tiếp tục sử dụng về chuyên môn, nghiệp vụ đối với những trí thức có trình độ cao, năng lực và sức khỏe đã hết tuổi lao động…

Lý giải nguyên nhân có nhiều trí thức rời khu vực công sang làm việc tại doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho rằng, nguyên nhân là chính sách đãi ngộ, thu hút trí thức phục vụ sản xuất tại khối doanh nghiệp tốt hơn so với khu vực nhà nước. Ông cũng cảnh báo, khu vực công nếu không có kế hoạch, chế độ thu nhập phù hợp để giữ chân nhà khoa học, sẽ dẫn đến nguy cơ mất cân đối chung cho việc phát triển các công nghệ ưu tiên, làm nền tảng cho khoa học và công nghệ quốc gia. Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt đánh giá, việc xây dựng chính sách cho trí thức, trong đó có trí thức khoa học và công nghệ gặp khó do thiếu đồng bộ về hệ thống luật pháp, mức đãi ngộ theo các quy định hiện hành chưa thật hấp dẫn, không theo kịp tốc độ phát triển kinh tế - xã hội…

Nhìn nhận rõ thực tế đang đặt ra, cuối tuần qua, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chủ trì cuộc họp Bộ Chính trị, Ban Bí thư cho ý kiến về Đề án Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW. Bộ Chính trị khẳng định, trí thức Việt Nam là bộ phận nhân lực chất lượng cao, lực lượng lao động sáng tạo có vinh dự và bổn phận tiên phong, trực tiếp tham gia, cống hiến, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nâng cao dân trí, đào tạo nhân tài trên các lĩnh vực, góp phần quan trọng nâng tầm trí tuệ và sức mạnh của dân tộc, thúc đẩy đất nước phát triển nhanh, bền vững…

Bộ Chính trị cũng nhấn mạnh, xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh cả về số lượng, chất lượng, có cơ cấu hợp lý gắn với phát huy vai trò, trách nhiệm và năng lực của trí thức trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội... là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, của hệ thống chính trị và toàn xã hội. Xác định việc tập trung đẩy mạnh cải cách thể chế, huy động các nguồn lực xã hội; tôn trọng, phát huy tự do tư tưởng, học thuật, thực hành dân chủ trong hoạt động nghiên cứu sáng tạo; có cơ chế, chính sách đặc biệt trọng dụng nhân tài, trí thức tinh hoa, nhà khoa học đầu ngành… chính là tạo môi trường, điều kiện và động lực căn bản để phát triển và phát huy đội ngũ trí thức.

Dự báo, những năm tới, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tiếp tục phát triển mạnh mẽ, tạo ra cả thời cơ và thách thức mới đối với mọi quốc gia. Tình hình đó, một mặt đòi hỏi đội ngũ trí thức cần nỗ lực phấn đấu, có nhiều đóng góp hiệu quả cao hơn nữa cho sự nghiệp xây dựng, phát triển nhanh và bền vững của đất nước; mặt khác cũng yêu cầu hệ thống chính sách, pháp luật phải đồng bộ, ngày càng hoàn thiện để có thể phát huy mọi khả năng, sở trường của đội ngũ trí thức cho sự nghiệp CHN-HĐH đất nước.

“Tiếp tục làm tốt hơn nữa nhiệm vụ tư vấn, phản biện trong quá trình xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, các văn bản quy phạm pháp luật với các tiêu chí cụ thể, thu hút, trọng dụng, sử dụng, đãi ngộ và tôn vinh trí thức, nhằm xây dựng đội ngũ trí thức nước ta không ngừng lớn mạnh, bảo đảm đủ số lượng và chất lượng, có cơ cấu phù hợp, đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ hội nhập. Có kế hoạch bố trí, sử dụng đội ngũ trí thức một cách hợp lý; có chính sách thu hút trí thức trẻ được đào tạo chính quy thực sự có trình độ, năng lực, có phẩm chất đạo đức tham gia hoạt động trong các viện nghiên cứu, nhà trường và doanh nghiệp; xây dựng cơ chế, chính sách thu hút, tập hợp trí thức là người Việt Nam ở nước ngoài tích cực tham gia hiến kế, hợp tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ mới; quan tâm công tác khuyến khích, tôn vinh những trí thức có thành tích xuất sắc trong hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ…”.

(Phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp mặt đội ngũ trí thức và 40 năm Ngày thành lập Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Lễ kỷ niệm), diễn ra ngày 24/3/2023).

Đọc thêm