Cần cơ chế riêng để phát triển điện khí

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Kể từ khi Quy hoạch điện VIII được thông qua với công suất điện khí được đầu tư xây dựng mới lên đến 30.424MW, các chuyên gia kinh tế cũng như chuyên gia năng lượng cho rằng cần phải có cơ chế riêng để phát triển điện khí.
2 Nhà máy nhiệt điện Nhơn Trạch 3 - 4 đã thi công được 85%. (Ảnh: PVPOWER)
2 Nhà máy nhiệt điện Nhơn Trạch 3 - 4 đã thi công được 85%. (Ảnh: PVPOWER)

Theo Quy hoạch điện (QHĐ) VIII thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023, tổng công suất đặt các nguồn điện đến 2030 là 150,489GW (gần gấp đôi tổng công suất đặt hiện nay, khoảng 80GW). Trong đó, tổng công suất các nguồn điện khí phải đầu tư xây dựng mới là 30.424MW.

Theo Bộ Công Thương, trong quá trình triển khai Quyết định 500/QĐ-TTg, Bộ đã tổ chức họp nhiều lần để thảo luận lấy ý kiến của các Bộ, ban, ngành, địa phương, chuyên gia, cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức liên quan về phát triển điện khí. Qua các cuộc họp, các ý kiến đều thống nhất rằng cần thiết phải xây dựng cơ chế phát triển điện khí để báo cáo Chính phủ nhằm giải quyết một số vướng mắc về phát triển loại hình nguồn điện này. “Đến thời điểm này, Bộ Công Thương đã hoàn thành dự thảo để báo cáo Chính phủ trước khi lấy ý kiến rộng rãi” - đại diện Bộ Công Thương nói.

Theo đó, dự thảo cơ chế quy định cho nhà máy điện (NMĐ) khí sử dụng LNG nhập khẩu theo hướng các doanh nghiệp phải chủ động đàm phán, ký kết và chịu trách nhiệm về các hợp đồng, thỏa thuận thương mại; Cơ quan có thẩm quyền đồng ý nguyên tắc cơ chế chuyển ngang giá khí sang giá điện của các NMĐ. Việc quyết định tỷ lệ điện năng qua hợp đồng mua bán điện dài hạn (Qc) ở mức phù hợp trong thời gian trả nợ của dự án LNG nhằm bảo đảm khả thi trong việc thu hút đầu tư dự án điện khí LNG, tránh tác động mạnh lên giá bán lẻ cũng như bảo đảm sự cạnh tranh bình đẳng với các loại hình nguồn điện khác trên thị trường điện.

Đối với cơ chế cho NMĐ khí sử dụng khí tự nhiên trong nước, cơ quan có thẩm quyền đồng ý nguyên tắc chuyển ngang giá khí sang giá điện của các NMĐ và giao các cơ quan, đơn vị có liên quan hướng dẫn cơ chế tiêu thụ sản lượng khí thượng nguồn mỏ khí Cá Voi Xanh, khí Lô B.

Tuy nhiên, việc mua bán điện vẫn phải thực hiện theo hợp đồng mẫu do Bộ Công Thương ban hành để tham gia thị trường bán buôn điện cạnh tranh và bán điện năng của NMĐ lên thị trường điện giao ngay. Chi phí mua điện của các NMĐ sử dụng khí tự nhiên khai thác trong nước, LNG nhập khẩu là các chi phí hợp lý, hợp lệ và được tính toán điều chỉnh trong giá bán lẻ điện.

PGS.TS Phạm Hoàng Lương (Đại học Bách khoa Hà Nội) nhận định, những cơ chế cần để phát triển điện khí cũng đã được các chuyên gia tập trung đưa ra trong suốt thời gian qua. “Đến thời điểm này mới hoàn thành cũng là trễ so với QHĐ VIII. Nếu làm sớm hơn thì chúng ta có nhiều thời gian hơn để bảo đảm lộ trình giảm phát thải vào năm 2050. Nhưng hoàn thiện vào thời điểm này cũng là tốt hơn so với việc chậm trễ hơn nữa. Và sẽ cần phải bắt đầu chạy nước rút trong các năm sau để kịp lộ trình đã đề ra nhưng thật sự để hoàn thành mục tiêu không hề đơn giản” - PGS.TS Lương nói.

Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cũng cho rằng, theo quy trình, từ khi hoàn thành cơ chế đến khi cơ chế được thực thi cũng sẽ mất vài tháng. Tuy nhiên, khi có cơ chế thì quá trình phát triển điện khí sẽ có hành lang pháp lý vững vàng, từ đó có cơ sở để phát triển các dự án điện khí và đáp ứng được yêu cầu của nhà đầu tư. Đầu tư vào điện khí cũng sẽ thu hút được nhiều hơn và nhà đầu tư cũng yên tâm hơn vì chi phí đầu tư cho điện khí rất lớn. “Nhưng quá trình thực thi cơ chế cũng vẫn cần phải xem xét những gì đưa ra phù hợp hay không phù hợp để chỉnh sửa, đáp ứng được nhu cầu thực tiễn và đây là việc phải làm thường xuyên” - vị chuyên gia lưu ý.

Theo QHĐ VIII, tổng quy mô công suất các dự án NMĐ khí được đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành đến năm 2030 là 30.424MW (23 dự án), trong đó tổng công suất NMĐ khí sử dụng khí khai thác trong nước là 7.900MW (10 dự án), tổng công suất NMĐ khí sử dụng LNG là 22.524MW (13 dự án).

Đến thời điểm tháng 4/2024 đã có một nhà máy đã đưa vào vận hành - là nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) Ô Môn I (660MW), hiện đang sử dụng nhiên liệu dầu và dự kiến sẽ chuyển sang sử dụng nhiên liệu khí sau khi có khí từ mỏ khí Lô B. Dự án đang xây dựng là NMNĐ Nhơn Trạch 3 và Nhơn Trạch 4, công suất 1.624MW, tiến độ đạt 85%. Hai dự án này sử dụng LNG từ Kho cảng LNG Thị Vải. Hiện tại, dự án Kho cảng LNG Thị Vải đã hoàn thành thi công và đưa vào sử dụng, sẵn sàng cấp LNG cho dự án NMNĐ Nhơn Trạch 3 và Nhơn Trạch 4.

Ngoài ra, có 18 dự án đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư xây dựng (tổng công suất 23.640MW) và 3 dự án đang lựa chọn nhà đầu tư với tổng công suất 4.500MW gồm các dự án Cà Ná, Nghi Sơn, Quỳnh Lập.

Đọc thêm