“Trong văn bản thu hồi, Thứ trưởng đã yêu cầu xem xét trách nhiệm của bộ phận tham mưu, tức là trong con mắt của đồng chí đó văn bản là sai và đồng chí đã ký một văn bản sai, không sử dụng được. Đây là điều hết sức đáng tiếc và cần rút kinh nghiệm trong việc quản lý, điều hành, khi ra một văn bản ngày hôm trước ký, ngày hôm sau rút” - đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nêu. Ông Nhưỡng khẳng định tuy văn bản này chưa gây ra hậu quả nghiêm trọng nhưng “bản thân Thứ trưởng phải rút kinh nghiệm”.
Chia sẻ với phóng viên, một chuyên gia pháp luật cũng nêu quan điểm, trong việc này trách nhiệm trước hết là của người trực tiếp ký văn bản. Bởi người ký luôn phải thảo luận, cân nhắc, xem xét nội dung có phù hợp hay không thì mới đặt bút và phải chịu trách nhiệm về văn bản mình ký. Đương nhiên có lỗi của việc tham mưu không chuẩn khiến thủ trưởng ban hành văn bản không phù hợp phải thu hồi, nhưng trách nhiệm đầu tiên phải là của người ký văn bản chứ không phải của cấp dưới.
Vị chuyên gia này nhấn mạnh, vấn đề liên quan đến Sơn Trà được Phó Thủ tướng chỉ đạo phải tổ chức hội thảo lấy ý kiến đa chiều. Với tư cách Hiệp hội tham gia tọa đàm, người ta có quyền nói lên tiếng nói của họ. Dù thế nào, Bộ cần cân nhắc, xem xét cho thấu đáo chứ không phải vội vàng ra một quyết định yêu cầu xử lý và việc dùng văn bản hành chính yêu cầu xử lý trong trường hợp này của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là “rất không hay”.
Cũng theo ý kiến này, việc các cơ quan hành chính nhà nước vội vã ban hành các công văn mang tính chất hành chính, mệnh lệnh để điều chỉnh các mối quan hệ xã hội là chưa đúng với quy định của pháp luật. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy việc này không phải là điển hình như vừa qua, việc một cơ quan nhà nước yêu cầu các giáo viên mỗi tháng phải mua bao nhiêu ký thịt lợn, tức là đem quan hệ pháp luật hành chính can thiệp vào quan hệ pháp luật dân sự. Đây cũng giống như trường hợp công văn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã mang quan hệ pháp luật hành chính vào sự kiện để điều chỉnh. Rõ ràng việc làm này đã làm ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan, thể hiện chất lượng của đội ngũ tham mưu giúp việc chưa cao, thiếu trách nhiệm.
Có điều hiện nay chưa có một chế tài nào đối với quan chức, cơ quan nhà nước khi ra một văn bản, yêu cầu, quyết định rồi rút lại. “Đây là kẽ hở cho các quan chức làm sai. Cơ quan hành chính đưa ra văn bản, khi phát hiện sai sót thì rút lại, mà rút lại chẳng khác nào tự hủy hoại uy tín của cơ quan đó. Rút lại là công nhận sai, mà sai thì phải có chế tài thật nặng để hạn chế việc vội vã đưa ra văn bản, rồi rút lại làm hoang mang dư luận và cũng để cẩn trọng, cân nhắc hơn trước khi ra quyết định nào đó” – một luật sư đề xuất.