Ngoài 4 thành phố lớn là Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh thì huyện Quế Phong là huyện 30a đầu tiên của cả nước triển khai thí điểm ứng dụng phần mềm đăng ký khai sinh điện tử và cấp số định danh cá nhân cho 14/14 xã, thị. Quế Phong là một huyện miền núi, vùng cao biên giới của tỉnh Nghệ An dân số gần 6,8 vạn người với 7 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó dân tộc thiểu số chiếm 90,7 %, có 4 xã biên giới giáp với nước bạn Lào. Huyện Quế Phong vẫn là 1 trong 62 huyện nghèo của cả nước, đời sống của đồng bào các dân tộc nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng cao biên giới còn nhiều khó khăn.
Sau hơn một năm triển khai thực hiện, với nỗ lực của cán bộ tư pháp từ cấp huyện đến cấp xã đã có kết quả đáng ghi nhận. Thời gian đầu, cán bộ tư pháp xã khá lúng túng trong khâu nhập, truyền số liệu, thế nhưng đến nay, việc đăng ký khai sinh và cấp số định danh cá nhân trên phần mềm điện tử đã diễn ra thuận tiện và nhanh chóng. Ông Lô Văn Tùng - cán bộ tư pháp -hộ tịch xã Tri Lễ, huyện Quế Phong cho biết: “Nếu như trước đây, vướng mắc chủ yếu nằm ở việc sửa đổi thông tin sai sót thì nay khó khăn này đã được giải quyết. Số định danh cá nhân chính là “chìa khóa” để giải quyết các thủ tục hành chính sau này mà không phải mất nhiều loại thủ tục, giấy tờ đi kèm”.
Bà Lang Thị Phương Thảo, Trưởng phòng Tư pháp huyện Quế Phong cho biết: “Vừa qua, phòng đã tham mưu cho lãnh đạo huyện bổ sung kinh phí sắm 14 chiếc máy tính cho 14 xã, thị trấn thực hiện công tác cấp số định danh cá nhân và đăng ký khai sinh. Vấn đề khó khăn nhất là việc kết nối Internet tại các đơn vị cấp xã còn hạn chế nên việc nhập, chỉnh sửa dữ liệu còn chậm. Một điểm làm cho việc khai sinh xảy ra nhiều lỗi là do đồng bào dân tộc thiểu số tại đây thường đi khai sinh lấy ngày âm, nhưng khi đi học lại khai sinh ngày dương nên dẫn đến không khớp và phải sửa lại sai sót này, hoặc tục lấy tên bố mẹ khai sinh cho con, nhưng sau đó lại trùng tên… ”.
Theo những người dân trong vùng thì họ cảm thấy rất hài lòng về thủ tục cấp số định danh cá nhân của cán bộ tư pháp. Chỉ trong vòng 5 phút thủ tục cấp giấy khai sinh cho con cái đã được cán bộ tư pháp hoàn thành. Tính đến hết ngày 31/12/2016 đã đăng ký 1.450 trường hợp, trong đó có 5 trường hợp yêu cầu điều chỉnh thông tin do cán bộ tư pháp - hộ tịch nhập sai dữ liệu. Xã Tri Lễ là xã đăng ký khai sinh và cấp số định danh cá nhân nhiều nhất với 276 trường hợp. Tuy nhiên, việc triển khai cấp số định danh cá nhân gặp phải không ít những khó khăn, trong đó nổi lên như hiện vẫn còn 2 xã chưa kết nối Internet phải dùng mạng 3G và 2 xã dùng Wifi nên kết nối không ổn định, thường xảy ra lỗi do đường truyền, ảnh hưởng đến việc truyền tải thông tin về Bộ Tư pháp để cấp số định danh cá nhân. “Không hiểu ở đâu thì hỏi ở đó và được giải đáp thắc mắc ngay nên dần dà cũng hiểu và làm thành thục. Dù khó khăn về mặt địa lý với trung tâm hành chính tỉnh và Bộ nhưng các khó khăn của huyện dần từng bước được khắc phục…”, bà Thảo nói.
Đối với hoạt động ngành Tư pháp, trong năm 2016 Phòng Tư pháp đã tham mưu cho UBND huyện tự kiểm tra 15 văn bản quy phạm pháp luật do HĐND, UBND ban hành, và 2.920 văn bản hành chính thông thường. Đối với công tác tuyên truyền giáo dục phổ biến pháp luật đã phối hợp với lực lượng công an, biên phòng, kiểm lâm… mở 12 lớp tập huấn tại các xã. Tuyên truyền sâu rộng các điều luật, bộ luật mới được ban hành. Tổ chức truyền thông sân khấu hóa tìm hiểu kiến thức pháp luật tại xã Mường Nọc thu hút trên 250 người tham gia. Đã chú trọng đến công tác hòa giải cơ sở, với 42/42 vụ việc hòa giải thành công tại các địa phương.