Cần có chức danh pháp chế viên

Nhiều đơn vị đề nghị nghiên cứu xây dựng chức danh tư pháp cho cán bộ làm công tác pháp chế như pháp chế viên, tương tự công chứng viên, giám định viên… để nâng cao vai trò, vị trí của công tác pháp chế.

Hôm qua, tại cuộc họp Ban chỉ đạo Hội nghị tổng kết 6 năm thực hiện Nghị định 122, đa số thành viên đều nhận định việc thực hiện Nghị định này đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Qua đó, góp phần quan trọng trong việc củng cố, kiện toàn tổ chức và hoạt động, nâng cao hiệu quả của công tác pháp chế tại các cơ quan nhà nước từ trung ương đến địa phương cũng như doanh nghiệp nhà nước (DNNN).

Tuy nhiên, so với yêu cầu thực tế hiện nay, trước hết là yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, tăng cường quản lý nhà nước bằng pháp luật; yêu cầu đổi mới, hoàn thiện tổ chức hoạt động của các cơ quan nhà nước và cổ phần hóa, chuyển đổi mô hình của các DNNN, thì công tác pháp chế còn bộc lộ nhiều khó khăn, vướng mắc, bất cập và hạn chế cần phải khắc phục. Trong đó, đáng lưu ý là tình trạng một số đơn vị chủ trì soạn thảo văn bản ở địa phương không thực hiện việc xin ý kiến của tổ chức pháp chế mà trình thẳng lên thủ trưởng cơ quan ký, ban hành, tạo ra không ít bức xúc cho người dân.

Theo Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Nội vụ) Nguyễn Anh Tuấn, việc tổng kết Nghị định 122 phải chỉ ra và phân tích được những bất cập để có giải pháp khắc phục. Quan trọng nhất là kiến nghị sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Nghị định 122 và đồng thời kiến nghị sửa đổi, bổ sung một số văn bản khác liên quan đến pháp chế.

Trước đó, đại diện pháp chế nhiều đơn vị đã đề nghị nghiên cứu xây dựng chức danh tư pháp cho cán bộ làm công tác pháp chế như pháp chế viên, tương tự công chứng viên, giám định viên… để nâng cao vai trò, vị trí của công tác pháp chế.

Thục Quyên

Đọc thêm