Mới đây, nhân Ngày quốc tế về quyền trẻ em 20/11/2018, tại Trung tâm văn hóa Pháp ở Hà Nội đã diễn ra hội thảo “Tư pháp người chưa thành niên: Các biện pháp thay thế phạt tù đối với người chưa thành niên phạm tội, so sánh quy định của Pháp và Việt Nam” với mong muốn đề cập tới một chủ đề hiện mang tính thời sự: Cả Pháp và Việt Nam đều đã ký Công ước quốc tế về Quyền trẻ em, Công ước này đặt mục tiêu hạn chế áp dụng biện pháp phạt tù đối với người chưa thành niên phạm tội. Tuy nhiên, số lượng người chưa thành niên phạm tội bị áp dụng hình phạt này vẫn gia tăng. Làm thế nào đối với người chưa thành niên phạm tội là câu hỏi được đặt ra.
Nhìn từ nước Pháp
Ngày 20/11/1959, tuyên bố về quyền trẻ em được công bố. Ngày 20/11/1989, Công ước quốc tế về quyền trẻ em được ký kết. Hai nước Pháp và Việt Nam đều đã phê chuẩn Công ước này. Theo đó, các nước tham gia cam kết đảm bảo “không trẻ em nào bị tước đoạt tự do một cách bất hợp pháp hoặc vô căn cứ. Việc bắt, giam giữ hoặc bỏ tù trẻ em chỉ là giải pháp cuối cùng và thời gian áp dụng phải ngắn nhất có thể”.
Tại Pháp, Pháp lệnh 1945 đã quy định rõ nguyên tắc cơ bản này trong vấn đề bảo vệ trẻ em: biện pháp giáo dục phải đứng trên biện pháp trừng phạt. Phạt tù chỉ là giải pháp cuối cùng và chỉ được áp dụng trong trường hợp đặc biệt. Tâm lý học trẻ em cũng ủng hộ theo hướng phạt tù không phải là giải pháp hiệu quả đối với người chưa thành niên phạm tội.
Boris Cyrulnik, chuyên gia tâm lý học trẻ em nổi tiếng từng cảnh báo: “Nhà tù là câu trả lời tồi tệ nhất. Nó gây ra sự cô lập về cảm giác, chấm dứt sự đồng cảm, làm gia tăng lo lắng, duy trì mối quan hệ độc hại. Khi ra tù, chúng ta có thể thấy rằng đứa trẻ không còn có thể điều chỉnh cảm xúc của mình”. Việc giam giữ thường sẽ có xu hướng đẩy trẻ dấn sâu hơn vào việc phạm tội. Tỷ lệ tái phạm ở trẻ vị thành niên trong vòng 5 năm sau khi rời khỏi trại giam là 70% ở Pháp.
Để thực hiện nguyên tắc cơ bản “biện pháp giáo dục phải đứng trên biện pháp trừng phạt”, Pháp có nhiều biện pháp giáo dục đối với trẻ em phạm tội như: cảnh cáo, trả về cho cha mẹ quản lý, áp dụng biện pháp bảo vệ tư pháp, giám sát, quản chế. Tuy nhiên, hiện nay các biện pháp giáo dục thay thế lại không được áp dụng rộng rãi so với năm 1945.
Tính đến ngày 1/8/2017, 885 trẻ vị thành niên đang chịu án tù tại Pháp, 2/3 trong số này bị giam giữ trước khi xét xử. Số lượng trẻ vị thành niên bị giam giữ tăng gần 17%, trong khi phần còn lại của dân số nhà tù chỉ tăng 0,4% và tình trạng tội phạm chưa thành niên lại không tăng đáng kể trong 15 năm qua. Thời gian chịu án cũng tăng lên: 2,1 tháng năm 2009, đến năm 2016 hơn 3 tháng. Hiện nay, trong số các án phạt được tuyên, số biện pháp giáo dục tương đương với số án phạt tù.
Như vậy, mặc dù thực tế chung là nhà tù đã thất bại trong việc giáo dục người chưa thành niên phạm tội, nhưng việc sử dụng hình phạt này lại càng ngày càng phổ biến.
Việt Nam mở rộng đối tượng được miễn trách nhiệm hình sự
Một trong những vấn đề được quan tâm tại hội thảo là biện pháp thay thế xử lý hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội. Bởi biện pháp này góp phần thực hiện nguyên tắc “việc bắt, giam giữ hoặc bỏ tù trẻ em chỉ là giải pháp cuối cùng”.
Ở Việt Nam, theo Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 (có hiệu lực từ 1/1/2018), chính sách xử lý đối với người dưới 18 tuổi phạm tội được quy định tại Chương XII gồm 18 điều luật (từ Điều 90 đến Điều 107). So với BLHS năm 1999 thì Chương XII quy định đối với người dưới 18 tuổi phạm tội của BLHS năm 2015 có nhiều nội dung sửa đổi, bổ sung mới nhằm tăng cường bảo vệ người chưa thành niên.
Nội dung sửa đổi, bổ sung Điều 91 BLHS năm 2015 bổ sung nguyên tắc “Việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội phải bảo đảm lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi”. Đây là nguyên tắc định hướng cho cán bộ tiến hành tố tụng khi quyết định lựa chọn biện pháp xử lý cụ thể đối với người chưa thành niên, nhằm tìm ra biện pháp phù hợp nhất đối với các em. Nội dung của nguyên tắc này đòi hỏi các cơ quan, tổ chức, cá nhân, khi tiến hành một hoạt động liên quan đến việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội cần bảo đảm rằng quyết định đó là tốt nhất cho trẻ em trong mối quan hệ hài hòa với các lợi ích khác cũng như bảo đảm sự nghiêm minh của pháp luật.
Nội dung bổ sung trên không phải mới hoàn toàn mà kế thừa quy định tại Khoản 2 Điều 69 của BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) về miễn trách nhiệm hình sự đối với người chưa thành niên. Khoản 2 Điều 91 của BLHS năm 2015 quy định người dưới 18 tuổi phạm tội thuộc một trong các trường hợp theo quy định của pháp luật và có nhiều tình tiết giảm nhẹ, tự nguyện khắc phục phần lớn hậu quả thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng các biện pháp giám sát, giáo dục.
Như vậy, so với BLHS 1999, Khoản 2 Điều 91 BLHS năm 2015 đã mở rộng đối tượng được miễn trách nhiệm hình sự đối với cả người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi, quy định cụ thể điều kiện miễn trách nhiệm hình sự, đồng thời bổ sung quy định về việc áp dụng các biện pháp giám sát, giáo dục đối với các em được miễn trách nhiệm hình sự nhằm bảo đảm tính khả thi cũng như hiệu quả áp dụng của chế định pháp lý này.
Theo dõi giám hộ có khả thi?
Biện pháp xử lý thay thế hình sự không phải bây giờ mới được đề cập tới mà đã được ghi nhận trong BLHS năm 1999. Nhưng trong quá trình xây dựng dự thảo BLHS năm 2015, nhiều chuyên gia cũng còn nhiều băn khoăn về chính sách xử lý người chưa thành niên phạm tội để từng bước đưa ra các biện pháp thay thế xử lý hình sự.
Theo đó, người chưa thành niên phạm tội có thể được miễn trách nhiệm hình sự nếu người đó phạm tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng, gây hại không lớn, có nhiều tình tiết giảm nhẹ và được gia đình hoặc cơ quan, tổ chức nhận giám sát, giáo dục. Trên cơ sở thực tiễn, nếu xét thấy người chưa thành niên phạm tội có thể được miễn trách nhiệm hình sự, cơ quan tiến hành tố tụng sẽ đình chỉ điều tra hoặc đình chỉ vụ án; giao người chưa thành niên cho gia đình để giám sát, giáo dục. Thế nhưng đa phần người chưa thành niên phạm tội đều bị phạt tù mà ít áp dụng các biện pháp xử lý thay thế hình sự do thiếu điều kiện cũng như trình tự thủ tục áp dụng quy định này.
Nhiều chuyên gia băn khoăn đặt câu hỏi, biện pháp giáo dục xử lý theo dõi giám hộ có loại bỏ được khả năng tái phạm hay không? Trong trường hợp người chưa thành niên sau khi áp dụng các biện pháp này mà vẫn tái phạm tội có bị xử lý nặng hơn? Nhiều chuyên gia khác cho rằng, muốn áp dụng biện pháp giáo dục xử lý theo dõi giám hộ, cần có môi trường đạo đức lành mạnh trong khi thực tế hiện nay cho thấy, đạo đức đối với trẻ vị thành niên vẫn là vấn đề nan giải đặt ra cho toàn xã hội. Chưa kể, biện pháp chịu trách nhiệm giám sát từ phía gia đình cũng không khả thi bởi phần lớn trẻ vị thành niên phạm tội thường do gia đình buông lỏng quản lý hoặc đã thoát ly khỏi sự giáo dục của chính quyền địa phương. Nếu trả ngược lại chẳng khác nào “bắt cóc bỏ đĩa”.
Những băn khoăn này đến nay vẫn còn nguyên giá trị khi BLHS 2015 đã có hiệu lực được gần một năm. Do đó có quan điểm đặt ra rằng đã tới lúc cần có Luật Tư pháp đối với người chưa thành niên để kết nối quy định từ hành chính tới hình sự, bảo đảm việc xử lý người chưa thành niên phạm tội theo đúng trình tự, thủ tục, không chồng chéo hay mâu thuẫn trong quá trình áp dụng luật pháp.
Theo bà Lê Thị Hoa, Phó phòng Pháp luật hình sự, vụ Pháp luật hình sự và hành chính, Bộ Tư pháp: "Phạt tù không phải là phương pháp hiệu quả trong giáo dục người chưa thành niên. Theo đó, nguyên tắc xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội phải bảo đảm lợi ích tốt nhất của người chưa thành niên và chủ yếu nhằm mục đích giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh, ưu tiên cải tạo tại cộng đồng, trở thành công dân có ích cho xã hội".
Đồng tình với quan điểm trên, bà Nguyễn Thanh Trúc, chuyên gia về bảo vệ trẻ em trong hệ thống tư pháp của UNICEF Việt Nam cho rằng với UNICEF, việc truy cứu trách nhiệm hình sự với người chưa thành niên phạm tội và áp dụng hình phạt đối với họ được thực hiện chỉ trong trường hợp cần thiết và phải căn cứ vào tính chất của hành vi phạm tội, vào những đặc điểm về nhân thân và yêu cầu của việc phòng ngừa tội phạm, cần hạn chế áp dụng hình phạt tù.
Song những hạn chế tồn đọng về vấn đề sử dụng biện pháp thay thế phạt tù với trẻ chưa thành niên còn gây nhiều tranh cãi. Bởi ở Việt Nam, đội ngũ thẩm phán, điều tra viên, kiểm sát viên đều không phải là những cán bộ chuyên trách để điều tra, truy tố với riêng đối tượng người chưa thành niên; đa phần chưa qua một khóa đào tạo nào về tâm sinh lý, khoa học giáo dục đối với người chưa thành niên. Vì vậy không ít trường hợp điều tra viên, kiểm sát viên không phân biệt được sự khác nhau về thủ tục tố tụng giữa vụ án người chưa thành niên phạm tội và vụ án người đã thành niên thực hiện, thậm chí, có người còn cho rằng không có sự khác biệt.