Cần có quy định để bảo đảm phát huy vai trò của Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích

(PLVN) - Để phát huy vai trò của Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Tâm đề nghị Luật nên cân nhắc các nội dung liên quan đến mục tiêu hỗ trợ, nguyên tắc hoạt động, cơ chế đặt hàng, quy định về đóng góp và sử dụng nguồn tài chính của Quỹ.
Quang cảnh phiên làm việc chiều 28/8. (Ảnh: Quochoi.vn)
Quang cảnh phiên làm việc chiều 28/8. (Ảnh: Quochoi.vn)

Tiếp tục chương trình Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 4, chiều 28/8, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Hội nghị tiếp tục xem xét, cho ý kiến về Dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự, Dự án Luật Tài nguyên nước và Dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi).

Hai loại ý kiến khác nhau về quỹ viễn thông công ích

Báo cáo một số vấn đề lớn trong giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi), về Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết, Thường trực Ủy ban nhận thấy có hai loại ý kiến khác nhau.

Loại ý kiến thứ nhất đề nghị không quy định về Quỹ trong Dự thảo Luật vì hiện nay đã phủ sóng tất cả vùng sâu, vùng xa; hoạt động chưa phù hợp với Luật Ngân sách nhà nước; hoạt động chưa hiệu quả, nhiều vướng mắc, bất cập.

Loại ý kiến thứ hai đề nghị giữ quy định về Quỹ trong Dự thảo Luật nhưng cần hoàn thiện quy định về Quỹ cho phù hợp và hoạt động hiệu quả hơn. Dự thảo Luật đang được thể hiện theo loại ý kiến này.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy. (Ảnh: Quochoi.vn)

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy. (Ảnh: Quochoi.vn)

Thường trực Ủy ban thống nhất với loại ý kiến thứ hai. Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, các quy định về Quỹ đã được sửa đổi, bổ sung, chỉnh lý cho phù hợp để Quỹ có thể hoạt động hiệu quả hơn theo hướng: Luật hóa một số quy định đã thực hiện ổn định; Bổ sung quy định về hình thức hỗ trợ; phương thức hỗ trợ bao gồm đấu thầu, đặt hàng, giao nhiệm vụ; Giao Chính phủ quy định một số nội dung cụ thể về hoạt động của Quỹ; Chỉnh lý quy định về trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông; Bổ sung quy định về trách nhiệm của UBND cấp tỉnh trong việc phối hợp đề xuất xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình cung cấp dịch vụ tại địa phương.

Bên cạnh đó, Thường trực Ủy ban nhất trí với việc giữ tên Quỹ là Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam.

Góp ý về Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Tâm (Đoàn Quảng Bình) nêu rõ, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có báo cáo tổng kết về Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích gửi các tỉnh, thành phố, đã đánh giá rõ về hiệu quả hoạt động của Quỹ trong thời gian qua, qua đó khẳng định Quỹ đã phát huy vai trò lớn trong việc hỗ trợ thực hiện chính sách của Nhà nước về cung cấp dịch vụ viễn thông công ích để đảm bảo tính linh hoạt, kịp thời trong việc triển khai Quỹ này ở vùng sâu vùng xa, giảm bớt sự chênh lệch khoảng cách về thụ hưởng thông tin giữa các vùng miền.

Song để phát huy vai trò của Quỹ này, Đại biểu Nguyễn Minh Tâm đề nghị Luật nên cân nhắc các nội dung liên quan đến mục tiêu hỗ trợ, nguyên tắc hoạt động, cơ chế đặt hàng, quy định về đóng góp và sử dụng nguồn tài chính của Quỹ để bảo đảm tính minh bạch và phát huy vai trò của Quỹ, đảm bảo nhiệm vụ chi phát triển kinh tế - xã hội, còn lại thì giao Chính phủ quy định chi tiết.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Tâm. (Ảnh: Quochoi.vn)

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Tâm. (Ảnh: Quochoi.vn)

Ngoài ra, Đại biểu Nguyễn Minh Tâm cũng đề nghị Ban soạn thảo, đặc biệt Chính phủ cần tiếp tục xem xét, đánh giá những nội dung nào cần thực hiện trong thời gian tới thì quy định tỷ lệ phân bổ kinh phí từ Quỹ cho từng chương trình cụ thể để triển khai thực hiện có hiệu quả hơn trong quá trình duy trì Quỹ này.

Bảo đảm an toàn hồ đập trữ nước

Cũng tại Hội nghị, sau khi nghe Báo cáo tóm tắt một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau về Dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội) đề nghị, cần chú ý đến công tác bảo vệ an toàn hồ đập, tăng khả năng chịu tải của hồ đập nhằm đảm bảo an toàn cho nhân dân ở vùng lũ… Mặt khác, cần nhấn mạnh giá trị và việc đảm bảo hồ đập trong việc trữ nước, làm thủy điện, phòng chống lũ lụt, xả lũ; xây dựng nhiều vị trí tháo nước, xả lũ phân tán ở nhiều phía, nhiều vùng, nhiều tỉnh…

Đồng tình với ý kiến của Đại biểu Nguyễn Anh Trí, Đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm (Đoàn Bắc Giang) cho rằng, cần tăng hệ số an toàn các hồ đập để trữ nước. Đại biểu Trần Văn Lâm nhận thấy, đây là giải pháp kỹ thuật hoàn toàn khả thi, tuy chỉ là giải pháp “ngọn”, vẫn tiếp tục làm nhưng cũng cần có giải pháp “gốc” là tăng khả năng trữ nước của thảm thực vật trên lưu vực.

Về quy định vận hành hồ chứa, liên hồ chứa, Đại biểu Quốc hội Trần Đình Gia (Đoàn Hà Tĩnh) đề nghị cân nhắc quy định giao UBND tỉnh tổ chức xây dựng quy chế phối hợp vận hành giữa các đập, hồ chứa bậc thang trên sông suối. Bởi thực tế điều kiện, nhân lực, nguồn lực quản lý về tài nguyên nước tại địa phương hiện nay còn thiếu và yếu chưa đảm bảo để thực hiện nội dung này.

Đọc thêm