Cần có “vòng kim cô” cho chân dài

(PLO) - Không ít người mẫu vẫn đang hoạt động tự do, tự phát và không có quy chuẩn chung nào về nghề nghiệp, ngoài những danh hiệu tự phong và mang về do những chiêu trò.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Chủ yếu là danh hiệu tự phong
Không thể phủ nhận từ những năm 2000, nghề người mẫu đã có những chuyển biến mạnh mẽ. Những thế hệ người mẫu đầu tiên của Việt Nam đã có những thành công nhất định trong và ngoài nước, khẳng định tên tuổi, tài năng của họ trong nhiều lĩnh vực. Đó là “thế hệ vàng” Thuý Hạnh, Thuý Hằng, Bình Minh, Xuân Lan, Trương Ngọc Ánh rồi kế tiếp là Thanh Hằng, Ngọc Thuý, Hà Anh… Họ đã đoạt không ít giải thưởng quốc tế và hoàn toàn xứng đáng với danh hiệu “siêu mẫu” của mình.
Thế nhưng, làng người mẫu Việt Nam vẫn còn hàng ngàn gương mặt khác. Từ những người mẫu có chút tên tuổi, hoạt động sôi nổi cho đến người mẫu “chờ thời cơ”, mãi mà không nổi tiếng được, chỉ quanh quẩn ở những show nhỏ lẻ hoặc “diễn lót” cho các vedette. Cạnh đó còn có lực lực hùng hậu các người mẫu không chuyên, mẫu mùa vụ… 
Đặc biệt ngoài những danh hiệu “thực chất” do người mẫu nhận được từ các cuộc thi trong và ngoài nước thì tại Việt Nam khá phổ biến hiện tượng “người mẫu tự phong”. Không cần có tổ chức nào trao danh hiệu, thị trường người mẫu nước ta vẫn xuất hiện nhan nhản các danh xưng siêu mẫu được gắn liền với các vụ tai tiếng: Siêu mẫu nội y, siêu mẫu ngực khủng, siêu mẫu vòng ba, siêu mẫu khoả thân…
Ảnh minh họa. Nguồn internet.
Ảnh minh họa. Nguồn internet. 
Theo Kim T., một người mẫu trẻ mới vào nghề hơn 2 năm, nghề người mẫu quá khốc liệt, cạnh tranh rất cao. Trong khi đó, những năm gần đây kinh tế không khởi sắc, các show diễn thời trang giảm đi quá nửa, thị trường thời trang ảm đạm nên ngoài lĩnh vực thời trang, người mẫu phải “lấn sân” rất nhiều lĩnh vực khác như làm PG, đóng quảng cáo, làm MC, thậm chí biểu diễn hình thể trong quán bar… 
Chính vì thế, khá nhiều người mẫu chỉ có thể tìm cách “đột phá” tên tuổi bằng các scandal đánh bóng. Và trên thực tế, không ít người mẫu từ chỗ không tên tuổi, nhờ các tai tiếng như khoe thân, thác loạn hay tin đồn tình cảm không lành mạnh mà bỗng dưng được biết đến và đắt show hơn. Số còn lại, chỉ có thể có show nào nhận show đó và làm thêm để “lấy nghề nuôi nghiệp”, chờ cơ hội đến.
Hiện nay, rất nhiều người vẫn chưa đánh giá cao và coi người mẫu là một nghề thực sự. Cái nhìn tiêu cực vẫn còn khi mà trên thực tế, hầu hết người mẫu không sống bằng tiền đi diễn của mình. Show diễn ít ỏi, cát xê bèo bọt, nhưng không ít trong số họ vẫn tiền bạc rủng rỉnh, biệt thự, siêu xe và hàng hiệu liền tay. Rồi thi thoảng lại một vài vụ người mẫu dính vào các đường dây bán dâm càng làm xấu thêm dưới cái nhìn của công chúng…
Thiếu một quy chuẩn nghề nghiệp
Có thể nói, việc thị trường người mẫu trong nước lộn xộn như hiện nay lý do lớn nhất vẫn là chưa có một quy chuẩn nào cho nghề người mẫu. Nếu ở các nước khác như Hàn Quốc, Singapore nghề người mẫu được cấp thẻ hành nghề, có trường đào tạo chính quy thì tại Việt Nam, đây vẫn là một nghề tự phát là chính. 
Chịu trách nhiệm đào tạo người mẫu, trước nay hầu hết do các công ty người mẫu. Họ tự tuyển lựa, tự đưa ra giáo trình, quy định đào tạo riêng. Và cách thức hợp tác, ăn chia cũng là quy định riêng giữa người mẫu với công ty, không theo quy định nào. Thế nên, không ít trường hợp sau khi đào tạo thì tan đàn xẻ nghé, “ông bầu” chê người mẫu vô ơn, người mẫu “tố” ông bầu ăn chặn, bóc lột…
Tại hội thảo “Nghề người mẫu tại Việt Nam: Thực trạng và giải pháp” vừa mới diễn ra tại TP HCM, ông Nguyễn Quang Minh, Chủ tịch Hội Người mẫu Việt Nam cũng đã chia sẻ, hiện nghề người mẫu tại Việt Nam vẫn chưa thực sự đi vào nền nếp. Con số gia nhập hội rất ít ỏi so với số người mẫu đang hành nghề thực tế. 
Hiện, Hội Người mẫu Việt Nam vẫn chưa soạn được bộ giáo trình để làm căn cứ đào tạo chính quy cho người mẫu. Một bộ tiêu chí ứng xử nghề nghiệp cũng chưa ra đời để làm căn cứ đề xuất người mẫu trở thành một nghề được đăng kí chính thức.
 Ngoài ra, những năm qua, Hội cũng vẫn chưa có sự xúc tiến giao lưu với các tổ chức nước ngoài để các người mẫu trong nước có cơ hội cọ xát, học hỏi. Hầu hết các cơ hội đều là do các công ty đào tạo hoặc người mẫu tự tìm về.
Một đề xuất được nhiều người trong nghề đưa ra, đó là việc cấp thẻ hành nghề cho người mẫu. Thiết nghĩ, mọi động thái để đưa hoạt động người mẫu vào chính quy là điều rất cần thiết trong thời điểm hiện nay. Cùng với sự phát triển đi lên của nền kinh tế và xu thế thời trang – quảng bá thương hiệu, nghề người mẫu sẽ lớn mạnh dần lên. Nếu không có phương án “quản” từ bây giờ, đợi đến lúc phát triển mạnh mẽ thì cái sự “loạn” sẽ càng gia tăng, cơ quan quản lý còn đau đầu hơn thế nữa.