Cần giải pháp căn cơ cho phòng, chống tội phạm mua bán người

(PLO) - Cho ý kiến tại phiên giải trình về “Tình hình thực hiện pháp luật về phòng, chống mua bán người giai đoạn từ năm 2012 đến năm 2017” do Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức tuần qua, nhiều ý kiến cho rằng cần phải xác định nguyên nhân của hiện tượng mua bán người, nhất là mua bán phụ nữ, trẻ em để từ đó đề ra được những giải pháp căn cơ nhằm giải quyết tình hình.
Nhiều ý kiến cho rằng, cần coi công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác phòng, chống tội phạm mua bán người. (Ảnh minh họa)
Nhiều ý kiến cho rằng, cần coi công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác phòng, chống tội phạm mua bán người. (Ảnh minh họa)

Trên 80% nạn nhân là người dân tộc thiểu số

Tại phiên giải trình, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương cho biết, trong thời gian từ năm 2012 đến năm 2017, số nạn nhân bị mua bán người và nghi vấn bị mua bán là 3.090 người. Số nạn nhân đã trở về là 2.571 người, trong đó số nạn nhân được trao trả và giải cứu là 1.334 người, số nạn nhân tự trở về là 1.237 người.

Có một thực tế được Thứ trưởng Bộ Công an chỉ ra là nạn nhân bị mua bán chủ yếu là phụ nữ, trẻ em (chiếm trên 90%) và đa số thuộc các dân tộc thiểu số (chiếm trên 80%), thường tập trung ở những vùng nông thôn, miền núi, nhất là vùng sâu, vùng xa, phần lớn có hoàn cảnh kinh tế khó khăn (chiếm trên 80%). Nạn nhân bị bán ra nước ngoài chiếm trên 98%, trong đó chủ yếu là sang Trung Quốc, chiếm trên 90%. Theo báo cáo của Bộ Công an, đa số là phụ nữ khi bị lừa bán ra nước ngoài bị cưỡng ép kết hôn làm vợ người dân bản địa và bị bóc lột tình dục (chiếm gần 80%), cưỡng bức lao động. 

Báo cáo của Bộ Công an cũng chỉ ra rằng phương thức, thủ đoạn của tội phạm mua bán người, ngoài các phương thức thủ đoạn truyền thống như lợi dụng việc kết hôn với người nước ngoài, xuất khẩu lao động, xin con nuôi... gần đây cũng nổi lên hiện tượng thủ phạm lợi dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội, đối tượng tìm đến chợ phiên vùng cao, cổng trường học, nhất là trường dân tộc nội trú khu vực biên giới để tiếp cận, làm quen với phụ nữ, học sinh, xin số điện thoại, kết bạn qua zalo, facebook, tán tỉnh, giả vờ yêu đường… lừa các em gái ở tỉnh đưa về thành phố bán vào nhà hàng, quán karaoke… hoặc đưa nạn nhân qua biên giới bán sâu vào nội địa.

Cần tập trung giảm nghèo bền vững 

Cho ý kiến tại phiên giải trình, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho rằng vấn đề cần quan tâm là nguyên nhân của hiện tượng mua bán người, nhất là mua bán phụ nữ, trẻ em. Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, qua kiểm tra ở 7 tỉnh phía Bắc và nhiều lần đến kiểm tra tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa thuộc các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, ông thấy nổi lên các nguyên nhân cần chú ý là đói nghèo, thiếu việc làm trầm trọng và trình độ dân trí thấp.

“Trong các nạn nhân này có 3 đối tượng cần quan tâm, trước hết là bộ phận thu nhập thấp có mong muốn được đổi đời và một số người trẻ ham làm giàu nhanh; hai là những cá nhân bị lừa đảo do thiếu kiến thức, kỹ năng và hiểu biết và ba là một bộ phận tu nghiệp sinh”, ông Dung nói. Từ nhận định như vậy, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho rằng, để giải quyết vấn đề một cách triệt để, thời gian tới cần quan tâm tập trung giảm nghèo bền vững, xóa mù chữ, chống tái mù. “Cần hỗ trợ vốn, đào tạo nghề, tạo sinh kế ổn định cho người dân tộc thiểu số; triển khai đề án phòng ngừa dịch vụ tối thiểu cho phụ nữ, trẻ em...”, ông nói. 

Đồng quan điểm, bà Phạm Thị Thanh Thủy - Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh kiêm Giám đốc Trung tâm dạy nghề phụ nữ tỉnh Thanh Hóa cũng chỉ ra rằng, theo báo cáo của cơ quan chức năng, trong số nạn nhân của mua bán người thì người dân tộc thiểu số, không có việc làm, gia đình khó khăn, mù chữ, sinh viên ăn chơi đua đòi chiếm tỷ lệ cao. “Số liệu này cho thấy, giải pháp tận gốc là cải thiện thu nhập, tạo việc làm cho phụ nữ ở vùng sâu, vùng xa”, bà Thủy nhận định.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Thanh Hóa, để thực hiện được mục tiêu này, cần lồng ghép chính sách, tạo nguồn lực đủ mạnh cho công tác xóa đói giảm nghèo để giúp giảm tình trạng mua bán người tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa. “Không có chương trình tổng thể về giảm nghèo sẽ khó thay đổi hiện trạng”, bà Thủy nói.

Ngoài ra, bà Phạm Thị Thanh Thủy cũng cho rằng để phòng, chống nạn mua bán người hiệu quả cũng cần nhìn nhận đúng mức vai trò của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Theo hướng đó, Bộ phải nghiên cứu đưa nội dung về nhận diện, phòng tránh các hành vi dụ dỗ, lừa gạt có mục đích mua bán người vào chương trình giảng dạy tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa. 

Tại phiên giải trình, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung và nhiều đại biểu khác cũng cho rằng cần coi công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác phòng, chống tội phạm mua bán người trong thời gian tới.

Theo hướng đó, các đại biểu cho rằng, để nâng cao hiệu quả tuyên truyền trong thời gian tới cần biên soạn tài liệu một cách ngắn gọn, dễ hiểu, đầy đủ thông tin, chuyển tải đúng chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và được phát tới đúng đối tượng, chi hội phụ nữ trong cả nước. Bên cạnh đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên giữa các bộ ngành chức năng và các bộ, ngành có liên quan để công tác tuyên truyền đi vào thực chất, đồng thời đa dạng về hình thức tuyên truyền... 

Đọc thêm