'Cần giải pháp đối với doanh nghiệp phá sản không có khả năng thu hồi nợ BHXH'

(PLVN) - Đây là ý kiến của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung tại Phiên họp toàn thể lần thứ 7 của Ủy ban Xã hội của Quốc hội với các nội dung Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện chính sách, chế độ (bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng quỹ BHXH năm 2021), mới diễn ra tại TP Hồ Chí Minh.
Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đề xuất cần có giải pháp xử lý phù hợp với các doanh nghiệp phá sản không có khả năng thu hồi nợ BHXH.
Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đề xuất cần có giải pháp xử lý phù hợp với các doanh nghiệp phá sản không có khả năng thu hồi nợ BHXH.

Vẫn “nóng” tình trạng chậm đóng, nợ đọng BHXH

Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam (BHXH Việt Nam), năm 2021 toàn ngành đã thực hiện 11.402 cuộc thanh tra kiểm tra tại 16.769 đơn vị trong lĩnh vực BHXH, tăng 42% so với năm 2020.

Qua đó, đã phát hiện hơn 14.000 lao động thuộc 2 nhóm phải tham gia nhưng chưa tham gia và đóng thiếu thời gian với số tiền phải truy đóng là khoảng 92,8 tỷ đồng; gần 28.000 lao động đóng thiếu mức quy định với số tiền phải truy đóng là hơn 34,7 tỷ đồng; nhờ vậy đã khắc phục được khoảng 893 tỷ đồng (đạt 35%); yêu cầu thu hồi về quỹ BHXH số tiền 9,545 tỷ đồng hưởng chế độ BHXH sai quy định.

Tại phiên họp, nhiều đại biểu đã đánh giá cao việc thực hiện chính sách, chế độ BHXH, quản lý và sử dụng quỹ BHXH, đồng thời nhiều đại biểu cũng nhận định và phân tích những những hạn chế trong việc thực hiện chính sách. Trong đó, tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH còn diễn ra khá phổ biến. Nguyên nhân một mặt do ảnh hưởng lâu dài của dịch bệnh Covid-19.

Mặt khác, một số địa phương, người sử dụng lao động chưa thực sự quan tâm đúng mức đến chính sách BHXH; một số giải pháp nhằm hạn chế tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH, còn gặp khó khăn, vướng mắc, chưa đạt được hiệu quả, đơn cử như công tác khởi kiện, xử lý hình sự...

Phát biểu tại Phiên họp, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hoàng Mai bày tỏ sự lo lắng trước tình trạng chậm đóng BHXH vẫn còn tồn tại: “Đến cuối năm 2021 có hơn 29.500 đơn vị với khoảng 200.000 lao động tại các đơn vị đã phá sản, giải thể, ngừng hoạt động, chủ bỏ trốn còn chậm đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Số đơn vị và số nợ tồn tích từ nhiều năm và đây thực chất là các đơn vị sử dụng lao động không còn hoạt động, như vậy cần có giải pháp để bảo về quyền lợi người lao động (NLĐ). Bên cạnh đó, vướng mắc dẫn đến việc xử lý hình sự tội danh liên quan đến BHXH đến nay chưa khởi tố được”.

Báo cáo giải trình về vấn đề này với Ủy ban Xã hội của Quốc hội, ông Nguyễn Thế Mạnh - Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam - cho biết: Đối với việc chậm đóng BHXH, thời gian qua BHXH Việt Nam và các bộ ngành đã phối hợp chặt chẽ để có các phương án xử lý nhằm bảo vệ quyền lợi NLĐ.

Đặc biệt, từ tháng 1/2022, Bộ Công an và BHXH Việt Nam đã ký kết quy chế phối hợp toàn diện. Theo đó, ngày 14/9 vừa qua, Bộ Công an và BHXH Việt Nam thống nhất có đoàn phối hợp giữa 2 ngành đi các địa phương để đôn đốc với 3 mục tiêu là phối hợp, xử lý các vướng mắc. Công tác phối hợp sẽ được thực hiện từ 4-18/10, nhằm đưa ra những hồ sơ có dấu hiệu vi phạm để xử lý.

Trước thực trạng nợ BHXH, các đại biểu tham dự cùng chung quan điểm cần áp dụng phương thức nhắn tin đến người có chức năng của đơn vị sử dụng lao động để đơn vị có ý thức trách nhiệm hơn với người lao động…

Về cách thức để thông tin tình trạng đóng BHXH, ông Nguyễn Thế Mạnh cho biết, hiện nay ngành BHXH Việt Nam có thế mạnh về chuyển đổi với trên 30 triệu người cài VssID và sẽ nắm được thông tin đóng BHXH. Qua đó, ngành sẽ thực hiện giám sát cùng các cơ quan nếu đơn vị chậm đóng cho NLĐ. Đồng thời, theo quy định, cứ 6 tháng cơ quan BHXH công khai danh sách đơn vị chậm đóng BHXH... trên cơ sở những ý kiến tại Phiên họp, ngành BHXH Việt Nam sẽ tiếp thu để có phương án tốt nhất đảm bảo quyền lợi cho NLĐ.

Cần những giải pháp mạnh

Tại phiên họp, ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) - đề xuất, cần có giải pháp xử lý phù hợp đối với các doanh nghiệp (DN) phá sản không có khả năng thu hồi nợ BHXH. Đối với tình trạng DN đã chây ì, dẫn đến khó khắc phục nợ, cần phân loại ra và giao cho ngành BHXH cùng Bộ LĐ-TB&XH báo cáo Chính phủ, báo cáo Ủy ban Xã hội trình Quốc hội để xin ý kiến xử lý.

“Chúng ta tính toán khoản nợ không có khả năng thu hồi khoảng trên 2.000 tỷ và lãi khoảng 900 tỷ. Theo tôi cần sử dụng kết dư các quỹ để giải quyết vấn đề này để đảm bảo quyền lợi NLĐ”, ông Dung kiến nghị.

Bà Nguyễn Thúy Anh - Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội - đánh giá cao việc thực hiện chế độ chính sách BHXH của ngành BHXH Việt Nam trong thời gian qua, nhất là những nỗ lực lớn trong giai đoạn dịch bệnh: “Trong giai đoạn khó khăn, số người tham gia, số thu BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện năm 2021 có tăng lên so với năm 2020. Việc quản lý và sử dụng quỹ BHXH, BHTN cũng được thực hiện theo đúng quy định pháp luật”, bà Nguyễn Thúy Anh nói.

Với một số tồn tại, khó khăn trong việc thực hiện chính sách BHXH như nhận thức của người dân về việc nhận BHXH một lần chưa cao; việc chậm đóng BHXH còn phổ biến làm ảnh hưởng quyền lợi NLĐ... Ủy ban Xã hội sẽ tiếp tục nghiên cứu, xử lý. Nhất là các vấn đề liên quan đến việc sửa đổi Luật BHXH trong thời gian tới.

“Đặc biệt cần có giải pháp mạnh đối với vấn đề chậm đóng, nợ đọng và trốn đóng BHXH. Đến cuối năm 2022 phải đưa ra tòa một số vụ việc, mục đích là để thu hồi khoản chậm đóng để đảm bảo quyền lợi NLĐ và tác dụng răn đe với DN khác”, bà Nguyễn Thuý Anh nhấn mạnh.

Đọc thêm