Cần giải pháp đồng bộ để quản lý thị trường tín chỉ carbon

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Việt Nam chưa có quy định về sở hữu tín chỉ carbon rừng trong mối quan hệ với quyền sở hữu rừng, quyền sử dụng rừng; trong khi đây là điều kiện rất quan trọng để thực hiện chuyển nhượng tín chỉ carbon... Để xây dựng và phát triển một TTTC carbon đồng bộ, Việt Nam cần sớm triển khai đồng bộ một số giải pháp. Báo Pháp luật Việt Nam ghi nhận một số ý kiến đề xuất của các chuyên gia đầu ngành về vấn đề này.

Kinh tế xanh đang mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra không ít thách thức. Đây là một vấn đề khá mới mẻ tại Việt Nam, đặc biệt là thị trường tín chỉ carbon - đang được cộng đồng doanh nghiệp rất quan tâm vì những lợi ích mà nó mang lại cũng như các vướng mắc về pháp lý…

Những vấn đề trên được bàn thảo, giải đáp trong Chương trình Tọa đàm với chủ đề: “Thị trường tín chỉ carbon: Góc nhìn từ kinh tế, môi trường và khuôn khổ pháp lý” do Báo Pháp luật Việt Nam tổ chức vào hôm nay, 12/6, tại Phòng Hội thảo - Khách sạn Mường Thanh, TP Hồ Chí Minh.

Những vấn đề như: Quy định của pháp luật Việt Nam về tín chỉ carbon (cơ sở pháp lý để được công nhận tín chỉ carbon hiện nay tại Việt Nam…); Những mặt tích cực, những thiếu sót, bất cập, vướng mắc liên quan tới tín chỉ carbon hiện nay tại Việt Nam; Doanh nghiệp (cả doanh nghiệp phát thải lẫn doanh nghiệp cung cấp, kinh doanh tín chỉ carbon), người dân sẽ được lợi gì khi tham gia thị trường tín chỉ carbon… sẽ được các chuyên gia đầu ngành, khách mời ở các Bộ ngành, doanh nghiệp… giải đáp, kiến nghị.

GS. TS Võ Xuân Vinh (Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh doanh, ĐH Kinh tế TP HCM):

Cần thiết lập các sàn giao dịch tín chỉ carbon trong nước

“Việt Nam có hơn 14 triệu ha rừng, với tiềm năng tạo ra tín chỉ carbon từ các dự án bảo vệ và phục hồi rừng. Các chương trình như REDD+ (Reducing Emissions from Deforestation and Forest Degradation) đã giúp Việt Nam đạt được hàng triệu tín chỉ carbon từ việc bảo vệ và phục hồi rừng.

Với ước tính có thể bán ra 57 triệu tín chỉ carbon cho các tổ chức quốc tế, Việt Nam có thể thu về hàng trăm triệu USD/năm. Giá tín chỉ carbon hiện tại khoảng 5 USD/tín chỉ.

Vậy số tiền này sẽ được chi trả cho người trồng rừng hay chi trả cho Nhà nước, hay theo tỷ lệ nào?.

Theo Điều 139 Luật Bảo vệ môi trường 2020, Nhà nước khuyến khích việc tham gia TTTC carbon và có các quy định về trách nhiệm, quyền lợi của các bên tham gia. Tuy nhiên, Luật này chưa quy định chi tiết về tỷ lệ phân chia thu nhập từ tín chỉ carbon. Do đó, tỷ lệ phân chia thu nhập có lẽ sẽ được xác định dựa trên hợp đồng thỏa thuận giữa các bên liên quan.

GS. TS Võ Xuân Vinh. (Ảnh: P.Thảo)
GS. TS Võ Xuân Vinh. (Ảnh: P.Thảo)

Mặt khác, việc cạnh tranh trong việc bán tín chỉ carbon có thể gia tăng khi nhiều DN cùng tham gia thị trường, đòi hỏi DN phải nâng cao năng lực cạnh tranh và tìm kiếm các thị trường mới. Nguy cơ gian lận trong báo cáo và giám sát lượng phát thải cũng có thể ảnh hưởng đến uy tín và hiệu quả của DN, yêu cầu DN phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định và xây dựng hệ thống giám sát minh bạch.

Tôi cho rằng, phát triển một TTTC carbon nội địa mạnh mẽ là yếu tố then chốt để thúc đẩy sự tham gia của các DN và người dân. Cần thiết lập các sàn giao dịch tín chỉ carbon trong nước, tạo ra nền tảng để các bên có thể giao dịch một cách minh bạch và hiệu quả. Bên cạnh đó, cần khuyến khích sự tham gia của các tổ chức tài chính, quỹ đầu tư vào thị trường này để tăng tính thanh khoản và đa dạng hóa các loại hình tín chỉ carbon có thể giao dịch.

Đặc biệt, nên khuyến khích đầu tư vào công nghệ xanh và các dự án giảm phát thải thông qua các chính sách hỗ trợ tài chính và ưu đãi thuế. Việc áp dụng công nghệ xanh không chỉ giúp giảm thiểu phát thải khí nhà kính, mà còn nâng cao hiệu quả sản xuất và kinh doanh của các DN. Các dự án năng lượng tái tạo, công nghệ tiết kiệm năng lượng và cải thiện quy trình sản xuất sạch là những lĩnh vực cần được ưu tiên đầu tư để đạt được mục tiêu phát triển bền vững…”.

TS Võ Trung Tín (Trưởng bộ môn Luật Đất đai - Môi trường, Khoa Luật Thương mại, Trường ĐH Luật TP HCM):

Cần có quy trình thực hiện dự án tín chỉ carbon

“Về tăng cường công tác quản lý tín chỉ carbon, Bộ TN&MT cần chủ trì, phối hợp các Bộ, ngành liên quan sửa đổi Nghị định 06/2022/NĐ-CP. Trong đó, tôi cho rằng cần bổ sung các quy định như với dự án tín chỉ carbon nói chung, cần có quy trình thực hiện dự án tín chỉ carbon.

Tôi cho rằng một dự án tín chỉ carbon trong khuôn khổ Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) cần trải qua các bước cơ bản như: Đăng ký ý tưởng dự án và phương pháp luận; Đăng ký dự án; Báo cáo thực hiện dự án; Thẩm định và cấp tín chỉ carbon.

Về cơ quan thẩm quyền, Chính phủ có thể giao cho từng Bộ quản lý công nhận phương pháp luận, phê duyệt ý tưởng dự án, phê duyệt dự án, cấp tín chỉ carbon phù hợp với trách nhiệm tổ chức thực hiện hệ thống giám sát - báo cáo - thẩm định (MRV) cấp lĩnh vực, cấp cơ sở thuộc phạm vi quản lý của các Bộ quản lý lĩnh vực.

Với các dự án Sáng kiến giảm phát thải từ mất rừng và suy thoái rừng (REDD), Việt Nam có độ che phủ rừng 42% nên tiềm năng thực hiện dự án tín chỉ carbon là rất lớn. Tuy nhiên, dự án REDD cũng có một số hạn chế dẫn đến tổ chức, cá nhân ngoài Nhà nước chưa thể đầu tư thực hiện. Cụ thể, chúng ta chưa có quy định về sở hữu tín chỉ carbon rừng trong mối quan hệ với quyền sở hữu rừng, quyền sử dụng rừng; trong khi đây là điều kiện rất quan trọng để thực hiện chuyển nhượng tín chỉ carbon. Kết quả giảm phát thải từ dự án REDD chỉ trở thành sản phẩm hàng hóa để chuyển nhượng; khi được xác nhận là tín chỉ phải qua quá trình nghiên cứu khả thi, lập dự án theo tiêu chuẩn carbon phù hợp, thẩm tra hồ sơ, xác nhận tín chỉ, phát hành và chuyển nhượng, trao đổi, bù trừ.

Đây là một quá trình đặc thù, khác với nhiều lĩnh vực khác bởi nhiều giai đoạn phải được các tổ chức độc lập thực hiện, trong khi các quy định hiện hành ở Việt Nam chưa có hoặc có nhưng không phù hợp với thị trường carbon và thông lệ quốc tế.

TS Võ Trung Tín. (Ảnh: P.Thảo)

TS Võ Trung Tín. (Ảnh: P.Thảo)

Vì chưa có các quy định rõ ràng về pháp lý liên quan đến đầu tư, đất đai, lâm nghiệp và cơ chế chia sẻ lợi ích giữa các bên liên quan trong dự án nên các dự án REDD chủ yếu được các cơ quan nhà nước trực tiếp triển khai. Hiện chỉ có Cty SK Forest đang dự định ký kết Thư ý định với Bộ TN&MT để có cơ sở thực hiện dự án.

Về vấn đề này, tôi cho rằng, cần ban hành quy định với quyền sở hữu tín chỉ carbon rừng. Các quốc gia trên thế giới đều có xu hướng làm rõ quyền với tín chỉ carbon từ dự án REDD. Khung pháp lý cần cho nhà đầu tư hiểu rõ được họ có quyền sở hữu với carbon được cô lập từ các dự án bảo vệ rừng, quyền hưởng lợi từ việc cung cấp và bán dịch vụ giảm phát thải, quyền chuyển nhượng tín chỉ carbon, cũng như các nghĩa vụ kèm theo”.

LS Lê Duy Khang (Cty Luật TNHH MTV Tín và Tâm):

Vấn đề phí và thuế chuyển nhượng với tín chỉ carbon cần được làm rõ

“Hiện nay, các quy định về thuế trong Quyết định 130/2007/QĐ-TTg chỉ được áp dụng với các giao dịch tín chỉ carbon hình thành từ dự án cơ chế phát triển sạch (CDM). Các loại tín chỉ carbon khác nhau từ nhiều cơ chế khác nhau liệu có cách xử lý thuế khác nhau? Trong đó, ba vấn đề quan trọng mà các nhà đầu tư quan tâm; là tiền thu được từ việc chuyển nhượng tín chỉ carbon có được miễn thuế thu nhập hay không? Thuế giá trị gia tăng có được áp dụng với giá trị tăng thêm của tín chỉ carbon khi giao dịch trên sàn không? Trong trường hợp xuất khẩu tín chỉ carbon (bán cho đối tác nước ngoài), thuế suất với tín chỉ carbon được xác định như thế nào?

Tôi đề xuất, vấn đề thuế của tín chỉ carbon nói riêng cũng như hạn ngạch phát thải nói chung cần được nghiên cứu và ban hành đồng bộ. Dự kiến, lộ trình sàn giao dịch tín chỉ carbon sẽ được vận hành vào 2025 và đi vào hoạt động chính thức năm 2028. Nếu chậm trễ ban hành sẽ dẫn đến thiệt hại cho cả Nhà nước về thất thu ngân sách và gây khó khăn cho DN phải xử lý về mặt kế toán đối với loại tài sản mới này”.