Cần hành lang pháp lý rõ ràng cho kinh tế tuần hoàn

(PLVN) - Là yêu cầu tất yếu, hướng phát triển bền vững (PTBV) của doanh nghiệp (DN), song việc áp dụng kinh tế tuần hoàn (KTTH) vẫn đang phụ thuộc vào ý thức của lãnh đạo DN. Đã đến lúc mô hình kinh tế mới này cần có những quy định pháp lý rõ ràng để hiện thực mục tiêu sản xuất và tiêu dùng bền vững...
Ngành thủy sản được đánh giá đang triển khai tốt mô hình kinh tế tuần hoàn.
Ngành thủy sản được đánh giá đang triển khai tốt mô hình kinh tế tuần hoàn.

Yêu cầu tất yếu...

Tại Hội thảo “KTTH: Hướng PTBV cho DN Việt Nam” do Tạp chí Kinh tế và dự báo, Bộ KH&ĐT tổ chức cuối tuần qua, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương khẳng định, phát triển KTTH đang dần trở thành xu hướng của các quốc gia, đặc biệt là các quốc gia phát triển có ít tài nguyên, nhất là khi nguồn tài nguyên  trên thế giới đang ngày càng cạn kiệt. 

Thứ trưởng cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia có nhiều nỗ lực và đã đạt được nhiều thành quả trong tiến trình PTBV. Tuy nhiên, Việt Nam cũng đang phải đối mặt với lượng chất thải phát sinh ngày càng lớn trong khi nguồn nguyên liệu thô, nguyên liệu hoá thạch ngày càng cạn kiệt. Bên cạnh đó, phần lớn các DN Việt Nam có công nghệ lạc hậu, lỗi thời, quy mô sản xuất nhỏ lẻ và  thiếu nguồn lực đầu tư cho công nghệ tái chế. 

“Vì vậy, thực hiện mô hình KTTH sẽ giúp cho DN Việt Nam thực hiện được mục tiêu sản xuất và tiêu dùng bền vững. Việc lựa chọn nền KTTH đối với Việt Nam là yêu cầu tất yếu nhằm khắc phục hạn chế của mô hình tăng trưởng truyền thống. Phát triển KTTH giúp Việt Nam tránh lệ thuộc vào nền kinh tế bên ngoài, nhất là về nguyên liệu và nhiên liệu phục vụ sản xuất. Việc chuyển đổi sang KTTH là một cơ hội lớn để Việt Nam phát triển nhanh và bền vững, không chỉ đạt mục tiêu kinh tế - xã hội, môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, mà còn giúp đạt được các mục tiêu của Chương trình nghị sự 2030 vì sự PTBV…”- Thứ trưởng Trần Quốc Phương khẳng định.

Theo ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Phó Chủ tịch điều hành Hội đồng DN vì sự PTBV Việt Nam (VBCSD), nếu cứ như hiện nay, sản xuất không bền vững, không quan tâm tới môi trường thì phải cần tài nguyên thiên nhiên gấp 4 - 5 lần so với tài nguyên thế giới đang có...

Tổng Thư ký VCCI, Phó Chủ tịch VBCSD cho rằng, cần phải chuyển đổi sang nền kinh tế hợp lý hơn và KTTH là tương lai của DN là tương lai của các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ông cũng đặc biệt nhấn mạnh: “Rác thải, phế thải trong sản xuất và sinh hoạt sẽ không phải là rác thải mà đó chính là nguồn tài nguyên thứ cấp, là nguồn nguyên vật liệu cho sản xuất vòng sau”. 

Sẽ có bộ chỉ số đo lường mức độ tuần hoàn

Khẳng định đây là khái niệm mới và Việt Nam mới đang ở giai đoạn sơ khai của KTTH mô hình KTTH đã từng xuất hiện ở Việt Nam từ hàng chục năm trước như mô hình Vườn – Ao – Chuồng. Hay mới hơn là mô hình chế biến phụ phẩm thủy sản như vỏ tôm, đầu tôm… để tạo ra chitosan và SSE dùng trong dược phẩm và thực phẩm,  ước tính tiềm năng nguồn nguyên liệu này vào khoản 4-5 tỷ USD hàng năm. 

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, cũng có DN chia sẻ rằng sử dụng hạt nhựa hay sản xuất chai thủy tinh mới chi phí rẻ hơn sử dụng nhựa tái chế và chai thủy tinh đã sử dụng do mất chi phí tái chế, súc rửa…

PGS.TS Nguyễn Thế Chinh, Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằng, tại Việt Nam mặc dù đã có một số biểu hiện của KTTH, song việc tái sử dụng và tái chế chưa triệt để, công nghệ còn cũ và lạc hậu, mới chỉ chú trọng kinh tế, vì thế một số mô hình tái chế chất thải nhưng lại chính là nguồn phát sinh chất thải, chưa phải là một vòng đầy đủ 5 khâu của KTTH (thiết kế, sản xuất, tiêu dùng, quản lý chất thải, biến chất thải trở lại thành tài nguyên), đặc biệt khâu thiết kế trong sản xuất chưa được chú ý.

Để giải quyết vấn đề này, chuyên gia này cho rằng, trước hết cần có một hành lang pháp lý rõ ràng cho hình thành, phát triển KTTH, từ chủ trương của Đảng đến pháp luật của Nhà nước; Phát triển KTTH cần phải dựa trên các ngành, lĩnh vực và địa phương đã và đang triển khai các mô hình kinh tế gần với cách tiếp cận KTTH... 

Theo Tổng Thư ký VCCI, Phó Chủ tịch VBCSD Nguyễn Quang Vinh, tuy KTTH là khái niệm rất mới, trên thế giới chưa có nước nào có bộ luật hoàn chỉnh về KTTH để hướng dẫn thực hiện, nhưng nhu cầu triển khai phát triển KTTH là hiện hữu trước mắt và cần có chỉ số rõ ràng để nhận diện, đo lường được tính tuần hoàn của DN. “Hơn 30 DN lớn là hội viên Hội đồng vì sự PTBV thế giới đã cùng nghiên cứu và xây dựng bộ chỉ số đánh giá mức độ tuần hoàn. VBCSD đang dịch bộ chỉ số này và sẽ sớm đưa tới cộng đồng DN…”- ông Vinh cho hay.

Theo Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO), nền KTTH là một chu trình sản xuất khép kín, các chất thải được quay trở lại, trở thành nguyên liệu cho sản xuất, từ đó giảm mọi tác động tiêu cực đến môi trường, bảo vệ hệ sinh thái và sức khỏe con người. KTTH đem lại 4 lợi ích cơ bản thông qua tận dụng tối đa các nguồn lực, bao gồm: tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường, thúc đẩy phát triển kinh tế, lợi ích xã hội.

Mô hình KTTH đưa một phần hoặc toàn bộ chất thải về vòng sản xuất cũ, cấu trúc lại và sử dụng lại, do đó, góp phần giảm tiêu thụ nguyên liệu, thu hồi chất thải cho đầu vào sản xuất, giảm chi phí sản xuất cho DN…

Theo tính toán, năm 2030 lợi ích kinh tế từ nền KTTH là 4,5 nghìn tỷ USD. Riêng tại châu Âu, lợi ích kinh tế từ nền KTTH là 600 tỷ Euro mỗi năm và tạo việc làm 580.000 việc làm.

Đọc thêm