“Cần hiểu rõ bản chất hoạt động Trợ giúp pháp lý”

(PLO) - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 2, chiều 27/10, Quốc hội đã thảo luận tại  các Tổ  về Dự án Luật trợ giúp pháp lý (sửa đổi). Nhiều Đại biểu dành sự quan tâm tới các quy định tại dự thảo Luật về mở rộng diện người được trợ giúp pháp lý; xã hội hóa hoạt động trợ giúp pháp lý; về Chi nhánh của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước, và các hình thức trợ giúp pháp lý….
Đại biểu Đỗ Trọng Hưng, Thanh Hoá
Đại biểu Đỗ Trọng Hưng, Thanh Hoá

 Về sự cần thiết ban hành Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi)

Các ý kiến thảo luận tại các Tổ đều bày tỏ sự nhất trí cao với sự cần thiết ban hành Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi) nhằm khắc phục những tồn tại, bất cấp hiện nay trong công tác trợ giúp pháp lý, đưa hoạt động này về đúng bản chất, sử dụng có hiệu quả nguồn lực nhà nước cũng như bảo đảm chất lượng dịch vụ trợ giúp pháp lý.

Các đại biểu đều khẳng định trợ giúp pháp lý là chính sách lớn của Đảng và Nhà nước nhằm bảo đảm mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, giúp cho những nhóm người yếu thế, gia đình chính sách tiếp cận với công lý, nhằm nâng cao ý thức tôn trọng, chấp hành pháp luật, phòng ngừa hạn chế những tranh chấp pháp luật.

Cần thiết nâng cao chất lượng dịch vụ trợ giúp pháp lý

Luật sư Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam (Đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hoà) đánh giá cao sự tiến bộ của Dự thảo Luật khi quy định theo hướng dù là người nghèo hay bất kỳ ai thì khi tiếp cận dịch vụ cũng phải bảo đảm chất lượng.

Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh đồng tình với Ban Soạn thảo về quy định nâng cao tiêu chuẩn Trợ giúp viên pháp lý, tiến tới tương đương như luật sư, vì Trợ giúp viên có trình độ sẽ giúp nâng cao chất lượng dịch vụ trợ giúp pháp lý, nhưng đề nghị cân nhắc có lộ trình.

Cũng đánh giá cao ý nghĩa của hoạt động TGPL, Đại biểu Nguyễn Tạo (tỉnh Lâm Đồng) khẳng định hoạt động TGPL rất hữu ích, nhất là đối với bà con vùng sâu, vùng xa, người yếu thế, thiệt thòi. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Tạo cho rằng, muốn nâng cao hiệu quả hoạt động TGPL thì phải đảm bảo nguồn kinh phí cho hoạt động này, trong đó phải bố trí từ ngân sách địa phương. Đại biểu cũng đề nghị bộ máy thực hiện TGPL phải gọn nhẹ, hiệu quả, tránh mở rộng tràn lan, lãng phí.

Về đối tượng được TGPL

Thảo luận về nội dung này có hai loại ý kiến khác nhau. Cụ thể:

Loại ý kiến thứ nhất nhất trí với đề xuất về đối tượng TGPL do Chính phủ trình. Đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (thành phố Hà Nội) ủng hộ chủ trương mở rộng diện người được TGPL nhưng do khó khăn về ngân sách nhà nước nên cần hài hòa, không bó hẹp quá cũng không nên mở rộng quá.

Băn khoăn về vấn đề nên mở rộng hay thu hẹp đối tượng TGPL, Đại biểu Trần Ngọc Khánh (tỉnh Khánh Hòa) đồng tình với phương án của Chính phủ vì nếu mở rộng đối tượng TGPL thì quá nhiều, không thể làm hết, nên cần phải “khoanh lại”, chỉ tập trung trợ giúp cho người nghèo vướng vòng lao lý và cần quy định rõ lĩnh vực nào thì được TGPL.

Về vấn đề Cơ quan thẩm tra dự án luật muốn mở rộng đối tượng được TGPL, Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh cho rằng cần phải tính toán kỹ, xem nguồn lực đến đâu, vì mở nhiều nhưng nếu không đủ nguồn lực, không làm được thì luật không khả thi.

Loại ý kiến thứ hai đề nghị mở rộng hơn nữa đối tượng TGPL so với dự thảo. Đại biểu Nguyễn Tạo (tỉnh Lâm Đồng) đề nghị nên bổ sung thêm một số đối tượng được TGPL như người dân trong vùng thiên tai, địch họa, giấy tờ trôi hết, tài sản không còn, đồng thời bổ sung đối tượng phụ nữ kết hôn với người nước ngoài bị ngược đãi trở về Việt Nam có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, người thu nhập dưới 3 triệu đồng/tháng…vào diện được trợ giúp pháp lý.

Góp ý vào nội dung dự thảo Luật, đại biểu Đỗ Trọng Hưng (tỉnh Thanh Hóa) cho rằng không nên thu hẹp đối tượng được trợ giúp pháp lý như quy định tại Điều 7 của dự thảo mà cần mở rộng đối tượng được trợ giúp pháp lý để đảm bảo đồng bộ với các luật khác như Luật người khuyết tật, Luật trẻ em, Luật phòng chống mua bán người và các văn bản liên quan. Theo đại biểu Đỗ Trọng Hưng, điều quan trọng là cần phải có những quy định về hoạt động trợ giúp pháp lý thiết thực hiệu quả, tránh hình thức, tránh lãng phí và cần quy định cụ thể về người có hoàn cảnh khó khăn về tài chính ngay trong Luật mà không nên giao cho Chính phủ hướng dẫn để đảm bảo Luật có hiệu lực thi hành ngay.

Đại biểu Tống Thanh Bình (tỉnh Lai Châu) đề nghị cần mở rộng đối tượng được trợ giúp pháp lý đã được các văn bản dưới luật quy định như người bị nhiễm chất độc hóa học, người bị nhiễm HIV mà không có nơi nương tựa, người tham gia tố tụng hình sự là người chưa thành niên bao gồm người bị tạm giữ, bị can, bị cáo và người bị hại; đồng thời bỏ cụm từ “có hoàn cảnh khó khăn về mặt tài chính” trong quy định của dự thảo.

Các đại biểu nhất trí cao với sự cần thiết ban hành Luật TGPL sửa đổi
Các đại biểu nhất trí cao với sự cần thiết ban hành Luật TGPL sửa đổi

Đồng tình với quan điểm cần mở rộng nhóm đối tượng được trợ giúp pháp lý, Đại biểu Nguyễn Hữu Chính (Hà Nội) đặt vấn đề tại sao không đưa người bị nhiễm chất độc da cam, mắc bệnh hiểm nghèo…Đây cũng là nhóm đối tượng cần được trợ giúp pháp lý.

Đại biểu Lại Xuân Môn (Đoàn Hải Dương, Chủ tịch Hội nông dân Việt Nam) đề nghị bổ sung nông dân vào đối tượng trợ giúp pháp lý vì đa phần nông dân là người nghèo, hơn nữa với người có điều kiện tài chính thì họ cũng không cần nhận sự trợ giúp pháp lý mà đi thuê luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho họ. Vì thế, bổ sung nông dân vào đối tượng cần trợ giúp pháp lý hằng năm ngân sách cũng không mất nhiều tiền.

Đại biểu Đỗ Văn Bình (Hải Phòng) cũng bày tỏ sự đồng ý mở rộng đối tượng bảo trợ xã hội thể hiện tính ưu việt của xã hội, nhất là người có công với cách mạng vì nhờ họ chúng ta có xã hội như ngày nay. Đối với hộ nghèo, hiện có trên 2,8 triệu hộ cũng nên trợ giúp pháp lý.

Theo Chương trình làm việc, sáng ngày 10/11, Quốc hội sẽ thảo luận tại Hội trường về dự án Luật này. 

Đọc thêm