PV: Xin bà cho biết sự cần thiết xây dựng Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi)?
Cục trưởng Nguyễn Thị Minh: Luật Trợ giúp pháp lý năm 2006 là cơ sở pháp lý quan trọng cho sự phát triển của dịch vụ trợ giúp pháp lý (TGPL) ở Việt Nam, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người được TGPL, thực hiện tốt chính sách nhân đạo, xoá đói, giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa của Đảng và Nhà nước, đồng thời góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế trong việc bảo vệ quyền con người, phù hợp xu thế phát triển chung của thế giới.
Hiện nay, công tác trợ giúp pháp lý đang đặt trong bối cảnh có sự thay đổi lớn về mặt thể chế, kinh tế - xã hội và xu thế hội nhập quốc tế. Hiến pháp nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 quy định quyền tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa là một trong những quyền cơ bản của công dân và nguyên tắc tranh tụng trong xét xử.
Do đó, vai trò của người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người dân nói chung, nhất là người được trợ giúp pháp lý trước các cơ quan tiến hành tố tụng ngày càng quan trọng trong việc bảo đảm hoạt động điều tra, truy tố, xét xử khách quan, công bằng, đúng người, đúng tội. Ngoài ra, các bộ luật, luật về tố tụng (Bộ luật tố tụng hình sự, Bộ luật tố tụng dân sự, Luật tố tụng hành chính), Luật thi hành tạm giữ, tạm giam được Quốc hội ban hành năm 2015 đã quy định cụ thể cơ chế bảo đảm quyền được trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng. Sự thay đổi về mặt thể chế yêu cầu phải sửa nội dung Luật TGPL 2006 cho phù hợp với điều kiện hiện nay.
Ngoài ra, sau 9 năm triển khai thực hiện, Luật TGPL năm 2006 đã bộc lộ một số bất cập, tôi xin nêu một số bất cập lớn:
- Một số quy định của Luật TGPL 2006 chưa phản ánh rõ bản chất của hoạt động TGPL và thực tế hoạt động TGPL chưa tập trung vào vụ việc mà chồng lấn sang các hoạt động khác. TGPL là trách nhiệm của Nhà nước đối với người nghèo và đối tượng yếu thế khi họ phải đối mặt với pháp luật mà không có khả năng tài chính thuê luật sư để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ.
Luật TGPL 2006 cho phép văn bản dưới luật quy định hình thức và hoạt động TGPL quá dàn trải, không phù hợp với điều kiện hiện nay. Khi ban hành Luật TGPL 2006, Việt Nam là nước nghèo, kém phát triển thì có nhiều sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế và tài trợ nước ngoài nên hình thức và hoạt động TGPL có thể được quy định theo bề rộng (như phổ biến giáo dục pháp luật, tư vấn pháp luật thông qua TGPL lưu động, sinh hoạt Câu lạc bộ,...) nhằm mục đích huy động tối đa nguồn lực nước ngoài.
Thực tế cho thấy một nguồn lực lớn của Nhà nước (nguồn lực con người và tài chính) đã dành cho các hoạt động như tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua sinh hoạt Câu lạc bộ TGPL, TGPL lưu động. Trong khi đó số lượng vụ việc TGPL được thực hiện bằng các hình thức tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng, tư vấn pháp luật tại trụ sở và tư vấn tiền tố tụng là những yêu cầu thiết thực và đúng bản chất của TGPL thì còn hạn chế so với yêu cầu thực tiễn.
- Chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý nhiều lúc còn chưa được bảo đảm, hình ảnh của TGPL chưa được đánh giá cao trong xã hội. Quy định về điều kiện, tiêu chuẩn của người thực hiện TGPL chưa thống nhất, chưa đồng đều, những người không có bằng cử nhân luật như già làng, trưởng bản... cũng được thực hiện TGPL.
Trong quá trình xây dựng Luật TGPL (sửa đổi), Cục TGPL đã tham khảo kinh nghiệm về công tác này của nhiều nước trên thế giới |
PV: Thưa bà, hiện nay thực hiện Nghị quyết số 40/NQ-CP của Chính phủ ngày 9/8/2012 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Thông báo kết luận của Bộ Chính trị về Đề án “Đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, đẩy mạnh xã hội hóa một số loại hình dịch vụ sự nghiệp công” một số dịch vụ công đang dần được xã hội hóa. Vậy xin bà cho biết quan điểm về xã hội hóa đối với hoạt động TGPL như thế nào?
Cục trưởng Nguyễn Thị Minh: TGPL được xác định là trách nhiệm xã hội của Nhà nước đối với người nghèo và đối tượng yếu thế. TGPL khác với các dịch vụ công khác ở chỗ hoạt động TGPL là hoàn toàn miễn phí đối với người thụ hưởng, người thực hiện không được nhận bất kỳ khoản thù lao, lợi ích vật chất hoặc lợi ích nào khác từ người được TGPL. Do đó, xã hội hóa hoạt động TGPL không giống với xã hội hóa hoạt động y tế, giáo dục, công chứng… (dịch vụ có thu phí).
Xã hội hóa TGPL là Nhà nước tạo cơ chế để các lực lượng xã hội (tổ chức hành nghề luật sư, luật sư, Trung tâm tư vấn pháp luật, tư vấn viên pháp luật,) tự nguyện thực hiện TGPL bằng nguồn lực của mình, giảm thiểu các vụ việc Nhà nước phải thực hiện và phải đầu tư ngân sách để chi trả. Điều 4 Dự thảo Luật TGPL quy định Nhà nước khuyến khích, ghi nhận và tôn vinh các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp, hỗ trợ phát triển hoạt động TGPL. Chính phủ sẽ căn cứ vào điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của từng thời kỳ và có hướng dẫn cụ thể về cơ chế này.
PV: Xin bà cho biết quy định mới về đối tượng được trợ giúp pháp lý theo dự thảo Luật TGPL (sửa đổi)?
Cục trưởng Nguyễn Thị Minh: Trước hết, cần khẳng định là đối tượng TGPL lần này đã được nghiên cứu mở rộng tối đa, bảo đảm quyền của những người đang được TGPL, đồng thời, bảo đảm phù hợp với bản chất của TGPL là dành cho người có hoàn cảnh khó khăn về tài chính không thể thuê dịch vụ pháp lý trong xã hội.
Cụ thể, dự thảo Luật đã kế thừa toàn bộ các quy định về người được TGPL của Luật TGPL năm 2006, bao gồm người thuộc hộ nghèo, người có công với cách mạng, người dân tộc thiểu số thường trú tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; người cao tuổi, trẻ em và người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn về tài chính (đối với cao tuổi, trẻ em, người khuyết tật chỉ thay cụm từ "không nơi nương tựa" bằng cụm từ "có hoàn cảnh khó khăn về tài chính" cho phù hợp với bản chất của hoạt động TGPL).
Bổ sung các đối tượng được TGPL trong các luật ban hành sau Luật TGPL năm 2006 và Nghị định hướng dẫn Luật TGPL hiện hành, bao gồm nạn nhân trong vụ việc mua bán người có hoàn cảnh khó khăn về tài chính; trẻ em bị buộc tội; người nhiễm HIV có hoàn cảnh khó khăn về tài chính bị buộc tội. Đặc biệt, dự thảo Luật đã bổ sung mới một số đối tượng chưa được pháp luật hiện hành quy định, bao gồm người thuộc hộ cận nghèo bị buộc tội; nạn nhân trong vụ việc bạo lực trên cơ sở giới có hoàn cảnh khó khăn về tài chính.
Việc sửa đổi quy định về đối tượng TGPL tại dự thảo Luật để phù hợp với bản chất của hoạt động TGPL là Nhà nước giúp các đối tượng yếu thế, những người không có khả năng tài chính để thuê dịch vụ pháp lý khi họ phải đối mặt với những vấn đề pháp lý. Pháp luật TGPL hầu hết các nước đều dựa trên chủ thuyết quan trọng đó là TGPL là trách nhiệm của Nhà nước, Nhà nước có trách nhiệm bảo đảm công lý, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho những người nghèo không có khả năng thuê luật sư, không có khả năng tiếp cận các dịch vụ pháp lý trong xã hội. Do đó, người nghèo, người không có khả năng chi trả dịch vụ pháp lý là đối tượng được TGPL phổ biến ở tất cả các nước trên thế giới.
PV: Xin bà cho biết Luật TGPL (sửa đổi) có những quy định nào để nâng cao chất lượng dịch vụ TGPL?
Cục trưởng Nguyễn Thị Minh: Một trong những mục tiêu quan trọng xây dựng Luật TGPL (sửa đổi) là nâng cao chất lượng TGPL, dần dần xây dựng "thương hiệu" TGPL là địa chỉ tin cậy cho người được TGPL. Nhằm đạt mục tiêu này, dự thảo Luật đã bổ sung các quy định về điều kiện, tiêu chuẩn của Trợ giúp viên pháp lý, cá nhân và tổ chức tham gia TGPL, không quy định chế định cộng tác viên khác, nhằm nâng cao, chuẩn hóa đội ngũ cung cấp dịch vụ TGPL.
+ Về Trợ giúp viên pháp lý: So với Luật TGPL năm 2006 và Nghị định hướng dẫn thi hành Luật TGPL năm 2006, Dự thảo Luật đã bổ sung 01 điểm mới về điều kiện, tiêu chuẩn để trở thành Trợ giúp viên pháp lý, đó là yêu cầu phải qua tập sự hành nghề để có kỹ năng cần thiết (Điều 19). Sở dĩ dự thảo Luật đã bổ sung điều kiện này là để nâng cao chất lượng dịch vụ TGPL, bởi lẽ trình độ chuyên môn nghiệp vụ và kinh nghiệm của người thực hiện TGPL là điều kiện tiên quyết và quan trọng nhất cho chất lượng dịch vụ. Xét về tính chất nghề nghiệp, hoạt động của Trợ giúp viên pháp lý tương đồng với hoạt động cung cấp dịch vụ pháp lý của luật sư, cần có thời gian thực hành, vận dụng kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp để có thể đảm nhận tốt nhiệm vụ khi được chính thức cấp thẻ Trợ giúp viên pháp lý.
Quy định này có tính khả thi trên thực tiễn bởi theo quy định của pháp luật hiện hành để được bổ nhiệm Trợ giúp viên pháp lý một người cần có bằng cử nhân Luật, đã tốt nghiệp khóa đào tạo nghề luật sư hoặc được miễn đào tạo nghề luật sư. Việc đặt ra tiêu chuẩn, điều kiện cấp thẻ Trợ giúp viên pháp lý như trong dự thảo Luật thực chất chỉ bổ sung 01 quy định là phải trải qua tập sự hành nghề để có kỹ năng cần thiết khi cung cấp dịch vụ TGPL. Trong quá trình lấy ý kiến về dự thảo Luật TGPL (sửa đổi), quy định về tiêu chuẩn Trợ giúp viên pháp lý tại dự thảo nhận được sự đồng tình cao của đội ngũ người thực hiện TGPL trong toàn quốc.
+ Về tổ chức tham gia TGPL: để khuyến khích việc thực hiện TGPL tự nguyện của xã hội bằng nguồn lực của họ, dự thảo Luật tiếp tục kế thừa chế định đăng ký tham gia TGPL. Tuy nhiên, để khắc phục tình trạng đăng ký tham gia TGPL mang tính hình thức, chất lượng cung cấp dịch vụ không cao, dự thảo Luật đã chọn lọc, kế thừa yếu tố hợp lý từ quy định hiện hành, quy định những điều kiện cần thiết nhằm bảo đảm các tổ chức này có đủ điều kiện có nguồn lực để cung cấp dịch vụ TGPL có chất lượng
Nhiều luật sư rất tích cực tham gia TGPL |
+ Không quy định chế định cộng tác viên TGPL khác: Với định hướng tập trung vào vụ việc TGPL, đặc biệt là các vụ việc tham gia tố tụng và nâng cao chất lượng dịch vụ, Dự thảo Luật không quy định chế định cộng tác viên TGPL khác. Bởi lẽ, theo quy định Luật TGPL năm 2006 thì yêu cầu về trình độ cộng tác viên TGPL không đồng đều, kể cả những người không có trình độ đại học luật như già làng, trưởng bản... cũng được TGPL. Đội ngũ này tuy đông nhưng tỷ lệ tham gia thực hiện TGPL trên thực tế còn hạn chế, nhiều người đã được cấp thẻ cộng tác viên, được bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ và kỹ năng TGPL nhưng không thực hiện TGPL.
Sau 09 năm thi hành Luật TGPL 2006 (từ năm 2007 - 2015), phần lớn các vụ việc tư vấn do cộng tác viên khác thực hiện là giải đáp vướng mắc pháp luật đơn giản, được thực hiện chủ yếu thông qua TGPL lưu động. Hơn nữa, thực tế đa số cộng tác viên khác chỉ ghi danh mà không thực hiện TGPL. Qua khảo sát thực tiễn Lãnh đạo Trung tâm TGPL Hải Phòng và Trung tâm TGPL tỉnh Quảng Bình cho biết 100% cộng tác viên khác ở Hải Phòng, 93% cộng viên khác ở Quảng Bình không thực hiện TGPL.
Một điều cần lưu ý rằng Dự thảo Luật TGPL không quy định chế định "cộng tác viên TGPL khác" không ngăn cản họ thực hiện dịch vụ pháp lý miễn phí nếu họ đáp ứng các yêu cầu theo quy định của pháp luật có liên quan (ví dụ Nghị định số 77/2008/NĐ-CP của Chính phủ ngày 16/7/2008 về tư vấn pháp luật.
PV: Xin bà cho biết theo dự thảo Luật, dịch vụ TGPL được cung cấp qua hình thức nào?
Cục trưởng Nguyễn Thị Minh: Trước năm 2010, khi nước ta còn là nước nghèo nên có nhiều sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế và tài trợ nước ngoài, các dự án ODA nên hình thức TGPL có thể được quy định theo bề rộng nhằm thu hút tối đa tài trợ nước ngoài. Tuy nhiên, đến nay hoạt động TGPL hoàn toàn phụ thuộc vào ngân sách nhà nước, đặt trong bối cảnh nguồn lực Nhà nước có hạn, hoạt động TGPL cần đi vào thực chất hơn phản ánh đúng nhiệm vụ chính của mình, đó là thể hiện qua các vụ việc TGPL cụ thể, đặc biệt là các vụ việc tham gia tố tụng.
Hơn nữa, Luật TGPL (sửa đổi) được xây dựng trong bối cảnh đã có sự thay đổi so với thời điểm xây dựng Luật TGPL năm 2006. Trong khi Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật được ban hành và đi vào cuộc sống với những quy định về trách nhiệm phổ biến, giáo dục pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong toàn hệ thống chính trị và xã hội... Các tổ chức, cá nhân có quyền cung cấp kiến thức pháp luật của mình cho cộng đồng mà không cần thiết phải quy định trong Luật TGPL gây trùng lắp. Do đó, dự thảo Luật kế thừa các quy định về hình thức TGPL của Luật 2006 bao gồm: tham gia tố tụng, tư vấn pháp luật và đại diện ngoài tố tụng, bỏ "hình thức TGPL khác" để tránh dàn trải trong quá trình thi hành.
Về vấn đề này, trong quá trình soạn thảo cũng có một số ý kiến cho rằng nếu không tiếp tục quy định các hoạt động khác như TGPL lưu động, sinh hoạt câu lạc bộ TGPL thì sẽ hạn chế việc truyền thông về TGPL và hạn chế việc đưa TGPL đến với người dân tại địa phương. Tuy nhiên, Dự thảo Luật quy định truyền thông về TGPL vẫn là một nhiệm vụ của Trung tâm TGPL (điểm d khoản 1 Điều 16). Ngoài ra, Dự thảo Luật còn quy định đối tượng được TGPL được tiếp tại tại trụ sở hoặc địa điểm khác. Như vậy, người thực hiện TGPL có thể đến trực tiếp với người dân để thực hiện TGPL.
PV: Xin cảm ơn bà đã cung cấp thông tin để độc giả Báo Pháp luật Việt Nam hiểu rõ về sự cần thiết xây dựng Luật TGPL (sửa đổi) và những nội dung cơ bản của dự thảo Luật.